Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, cùng với Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Sân bay Long Thành), các công trình giao thông trọng điểm cũng liên tục được triển khai. Chính vì vậy, giá đất nơi đây cũng “nhảy múa” tăng từng ngày, đồng thời gia tăng các hệ lụy.

1. Bà Yên, ngụ xã Cẩm Đường, huyện Long Thành, có hơn 1ha đất gần Dự án Sân bay Long Thành. Từ ngày chồng bà phát bệnh tâm thần và qua đời, một mình bà nuôi 3 đứa con nhỏ nên cuộc sống gia đình cực kỳ khó khăn. Bà Yên chỉ còn biết bán đất để ăn tiêu và… trả nợ.

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Khi Dự án Sân bay Long Thành được đưa ra, giá đất quanh khu vực này bắt đầu “nhảy múa”. Đất của bà Yên nằm trong khu vực này nên cũng có giá. Bà hăm hở vay nợ để chi tiêu và hứa hẹn bán đất sẽ trả. Lúc đầu bà xắn từng sào một ra bán, nhưng bao nhiêu cũng không đủ trả nợ. Ban đầu bà bán đất gần đường để được giá, sau không còn lối đi bà quay ra kiện láng giềng đòi đường đi, cũng chỉ với mục đích bán đất.

Xem thêm: Giá đất sân bay long thành

Ngày mới vào miền Nam, gia đình bà Yên và gia đình ông Ngọc là láng giềng thân hơn ruột thịt. Cũng chính vì tình thân đó, gia đình ông Ngọc đã cho cha mẹ bà Yên, khi đó ăn ở riêng, mượn đất làm đường đi, trước là thuận lợi cho người già, sau là kết tình làng nghĩa xóm. Nhưng kể từ khi cha mẹ bà Yên qua đời (cách nay gần chục năm trời), lối đi đó gia đình ông Ngọc cũng đã trồng cây lưu niên, nhưng bà Yên vẫn kiện đòi lấy phần đất đó. Trong quá trình kiện cáo, bà Yên không đưa ra được bất cứ tư liệu, bằng chứng nào để chứng minh đó là lối đi chung. Ngược lại, ông Ngọc có đầy đủ giấy tờ chứng minh lối đi đó nằm trên thửa đất thuộc quyền sử dụng của gia đình ông.

Nghĩ “vô phúc đáo tụng đình”, ông Ngọc chẳng muốn lôi thôi nên sau nhiều lần hòa giải, ông đã quyết định cắt phần đất bà Yên kiện làm đường đi cho êm chuyện.

Lấy được lối đi nhưng bà Yên chẳng được sử dụng, ngược lại bà bị chủ nợ kiện ra tòa và bị cưỡng chế, buộc phải giao lại toàn bộ phần đất còn lại cho chủ nợ. Giá đất lên những tưởng mẹ con bà Yên có thể thoát nợ, nào ngờ nó khiến bà trắng tay nhanh hơn...

Ông Ngọc chỉ tay về hướng lối đi mà bà Yên kiện ông bây giờ có giá gần nửa tỉ đồng.

2. Không xắn đất bán, không phải rời khỏi nơi cư trú, nhưng nhiều gia đình đã tan đàn xẻ nghé, con từ cha, vợ ly dị chồng, anh em không thèm nhìn mặt nhau… Có gia đình cha con kéo nhau ra tòa vì… đất.

Ngoài 80 tuổi, thiết tưởng cụ Cống, xã Suối Trầu, huyện Long Thành, sẽ có những năm tháng an lành bên con cháu. Nhưng cũng chỉ vì giá đất lên mà cụ trở thành “bị đơn” khi chia đất không công bằng, có phần thiên vị cho con trai. Nguyên đơn không ai khác chính là những người con gái của cụ.

Không khác mấy nhà cụ Cống, những tưởng tuổi già sẽ nương tựa vào các con, nhưng vợ chồng cụ Bình cũng chẳng được hồng phúc như vậy. Sinh thời, vợ chồng cụ Bình có tiếng là ăn ở hiền lành, chuyên tích đức. Cả đời vất vả, hai cụ tậu được gần 2ha đất thuộc xã Cẩm Đường, huyện Long Thành.

Con cái lớn lên, các cụ dựng vợ gả chồng, có chút của hồi môn cho giống thiên hạ. Cậu con trai út tên Biển ở với hai cụ. Nhưng cũng vì đất lên giá mà Biển bỗng dưng đưa cha mẹ đến chốn công đường để đòi quyền lợi. Cậu lý giải rằng, bao nhiêu năm ở với cha mẹ, cậu phải làm lụng vất vả nên cậu phải được chia phần. Cậu buộc cha mẹ cắt một phần đất đang ở cho cậu. Tòa xử cha mẹ cậu phải cắt cho cậu 0,5ha đất đang ở. Nhưng không dừng lại ở đó, cậu ta tiếp tục kiện cha mẹ vì cho rằng, những ngày canh tác trên thửa đất của cha mẹ, cậu đã cày cuốc, cải tạo đất nên quyết đòi cha mẹ phải trả cho cậu công… cải tạo đất. Khi tòa hỏi “công cải tạo đất là bao nhiêu, có bằng công sinh thành dưỡng dục không?” thì cậu… tần ngần. Và, tòa vẫn giữ nguyên quan điểm ban đầu: Cắt cho cậu 0,5ha.

Quảng cáo bán đất nền.

Giá như không có Dự án Sân bay Long Thành, đất ở đây không lên cơn sốt thì những người con như Biển có đưa ra những đòi hỏi quá đáng đó không? Giờ đây, cả vợ chồng cụ Bình đều trở thành người thiên cổ, nhưng nỗi đau của hai cụ chắc vẫn chưa nguôi!

Nhà cụ Cống, con gái kiện mẹ, nhà cụ Thửa thì ngược lại. Chính cụ Thửa là người đâm đơn kiện con gái chỉ vì đất tăng giá. Khi còn sống, vợ cụ, mẹ của các con cụ, có thống nhất nhượng phần đất hai cụ đang ở cho cô con gái út tên Kim, ngụ tại huyện Long Thành vì Kim là người có điều kiện kinh tế nhất. Các cụ đành phó thác cuộc sống của mình cho cô, đồng thời giao mảnh đất các cụ đang ở cho Kim, những ngày cuối đời của cha mẹ, Kim phải có trách nhiệm phụng dưỡng, đồng thời hằng tháng phải đưa cho cha mẹ một khoản tiền nhất định để chi tiêu…

Tất cả mọi thành viên trong gia đình, 7 người con và hai cụ, đều thống nhất với giao kết đó. Mọi thủ tục pháp lý nhanh chóng được hoàn tất, giấy tờ nhà đất được chuyển tên từ cha mẹ sang tên Kim. Đúng như giao kết, cô út của cụ Thửa thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với cha mẹ. Các thành viên trong gia đình chẳng có ai “lời nặng tiếng nhẹ” gì với cô. Phận làm con, nếu không có giao kết, cô vẫn làm tròn trách nhiệm, huống chi việc phụng dưỡng cha mẹ được cả gia đình tín thác.

Nhưng khi Dự án Sân bay Long Thành rục rịch triển khai, đất đai quanh dự án “cựa mình” lên giá và điều gì đến đã đến. Các con cụ Thửa “nhòm ngó” mảnh đất mà gia đình thống nhất để cho cô con gái út đứng tên và “thọc gậy” để người cha đâm đơn kiện con gái mình. Bởi mảnh đất của cụ xưa chỉ đáng giá vài trăm triệu đồng, nay lên đến hơn 20 tỉ đồng, vậy nên chuyện tranh giành ắt xảy ra. Vậy là cha con bất hòa, anh chị em bất mãn, nghi kỵ lẫn nhau. Rồi đến cô con gái út cũng vác đơn ra chính quyền địa phương xin… từ mặt cha!

Những vụ tranh chấp đất đai không chỉ xảy ra ở các xã Cẩm Đường, Suối Trầu, Suối Đục, Bầu Cạn… mà còn xảy ra ở nhiều khu vực “ăn theo” Dự án Sân bay Long Thành.

Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ từng phụ trách địa chính xã Cẩm Đường chia sẻ: Từ ngày Dự án Sân bay Long Thành được công bố, đất đai lên giá vùn vụt, làm công tác quản lý phải tiếp nhận đơn thư kiện cáo, chia chác… mà cảm thấy buồn.

Ông D - nguyên Chủ tịch UBND xã Cẩm Đường, cũng là người làm công tác hòa giải không biết bao vụ kiện cáo tranh giành đất đai khác giữa người thân với nhau cho biết, mặc dù các vụ tranh chấp chưa đi đến những vụ việc đau lòng nhưng “đúng là khi đất cười thì người khóc!”.

Những vụ tranh chấp đất đai không chỉ xảy ra ở các xã Cẩm Đường, Suối Trầu, Suối Đục, Bầu Cạn… mà còn xảy ra ở nhiều khu vực “ăn theo” Dự án Sân bay Long Thành.
Chủ đề: Sân bay Long Thành,
Đức Hà (Petrotimes)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.