“Khó thở” vì giá than
Hiện nay, tình trạng thiếu khí đốt ở khu vực EU đã làm tăng nhu cầu nhiệt điện than và thúc đẩy giá than đi lên. Cụ thể, giá than thế giới sau nhịp điều chỉnh lại tăng vọt lên mức 270 USD/tấn vào ngày 6.9, tăng hơn 40%, gần lấy lại mức đỉnh lịch sử là 275 USD/tấn ngày 28.2.2022.
Trước đó, giá loại nguyên liệu này chỉ ở mức 190 USD/tấn vào tuần đầu tiên của tháng 8. Như vậy, chỉ trong vòng 1 tháng, giá than cốc đã tăng hơn 80 USD/tấn. Việc giá than tăng phi mã đã khiến các doanh nghiệp xi măng “khó thở” khi nguyên liệu này chiếm tới 60% giá thành sản xuất clinker.
Nhiều doanh nghiệp xi măng “khó thở” vì giá than, càng sản xuất càng lỗ
Cùng với giá than nhập khẩu, giá than trong nước cũng tăng mạnh. Riêng tháng 5.2022, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam đã có 2 lần tăng giá bán. Tương tự, giá than trộn của Vinacomin trong 6 tháng đầu năm 2022 đã tăng 30-35% so với cùng kỳ năm trước.
Trước áp lực chi phí đầu vào tăng cao, các doanh nghiệp sản xuất xi măng đã phải 3 lần điều chỉnh tăng giá bán từ đầu năm, với biên độ tăng cả 3 lần từ 220.000 đến 270.000 đồng/tấn tùy từng thương hiệu.
Tuy nhiên, mức tăng giá này chưa giúp nhà sản xuất xi măng “dễ thở” hơn, buộc doanh nghiệp phải tính toán lại kế hoạch kinh doanh năm 2022.
Điều chỉnh kế hoạch sản xuất
Theo tính toán sơ bộ, giá than hiện nay đã chiếm trên 60% giá thành sản xuất xi măng khiến các doanh nghiệp sản xuất xi măng đứng trước áp lực cạnh tranh gay gắt về giá bán. Tình hình này buộc nhiều doanh nghiệp sản xuất phải điều chỉnh giảm sản lượng sản xuất vì càng sản xuất càng lỗ.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp xi măng cũng khá chật vật với tiêu thụ trong tình hình ngành xi măng thừa cung. Nếu giá nguyên, nhiên liệu tăng quá mức, việc dừng 1 lò nung cũng nằm trong kịch bản được tính toán của doanh nghiệp.
Sản lượng xi măng tiêu thụ trong tháng 9 đạt khoảng 7,6 triệu tấn, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2021
Các chuyên gia nhận định, hiện áp lực tiêu thụ ngành xi măng đang tập trung vào thị trường trong nước do xuất khẩu những tháng vừa qua giảm đáng kể.
Số liệu của Vụ Vật liệu xây dựng cho thấy, sản lượng xi măng tiêu thụ trong tháng 9.2022 đạt khoảng 7,6 triệu tấn. Con số này giảm khoảng 1,26 triệu tấn so với tháng 8 trước đó và giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, lượng xi măng tiêu thụ tại thị trường nội địa khoảng 5,4 triệu tấn, riêng sản phẩm của Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) tiêu thụ khoảng 1,5 triệu tấn; lượng xi măng xuất khẩu ước đạt khoảng 2,2 triệu tấn.
Tính chung trong 9 đầu năm, lượng xi măng tiêu thụ của cả nước chỉ đạt khoảng gần 73 triệu tấn, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tiêu thụ trong nước là 47,3 triệu tấn, tăng 5% so với cùng kỳ nhưng xuất khẩu xi măng lại giảm mạnh tới 28%, ở mức 24,7 triệu tấn.
Xuất khẩu xi măng tiếp tục gặp khó khiến áp lực tiêu thụ đặt nặng lên thị trường nội địa
Dự báo từ nay đến hết năm, xuất khẩu xi măng tiếp tục sụt giảm, bởi thị trường lớn nhất của ngành xi măng là Trung Quốc vẫn duy trì chính sách Zero Covid, sẽ giảm nhập khẩu xi măng, clinker từ Việt Nam.
Trong khi đó, các thị trường khác như Philippines hay Bangladesh đang gia tăng chính sách bảo hộ sản xuất trong nước. Đơn cử, Philippines áp thuế chống bán phá giá với xi măng, nhiều doanh nghiệp đang phải chịu mức thuế trên 10 USD/tấn.
Sau 3 lần điều chỉnh tăng giá bán từ đầu năm 2022 đến nay, tại thời điểm kết thúc tháng 9, giá bán xi măng vẫn được giữ nguyên.
Kênh xuất khẩu suy yếu, bán hàng trong nước chậm do giá xi măng tăng cao dẫn đến tình trạng dư cung trầm trọng, đặc biệt tại khu vực miền Bắc. Hiện lượng tồn kho cả nước 9 tháng 2022 khoảng 5,9 triệu tấn tương đương khoảng 25 đến 30 ngày sản xuất, chủ yếu là clinker.
Hiệp hội xi măng Việt Nam (VNCA) nhận định, hàng tồn kho nhiều, doanh nghiệp không quay được vòng vốn khiến sản xuất ngưng trệ.
Mặc khác, việc không tiêu thụ được sản phẩm khiến tình hình kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong ngành càng thêm khó khăn. Có thể sắp tới một số nhà máy xi măng phải làm việc lại với nhà phân phối để giảm giá nhiều hơn nhằm giải phóng hàng tồn.
Kỳ vọng gì những tháng cuối năm?
Với việc tiêu thụ nội địa chậm cùng với kênh xuất khẩu gặp khó, các doanh nghiệp xi măng phải tìm mọi giải pháp, nhưng bán hàng vẫn rất vất vả.
Nhiều nhà phân phối cho biết, giá xi măng tăng cao, nên người tiêu dùng không muốn xây sửa nhà, do thu nhập của họ cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh suốt 2 năm qua, thậm chí có nhà đang xây dựng cũng tạm dừng.
Thời gian tới, một số nhà máy xi măng sẽ làm việc lại với nhà phân phối để giảm giá nhiều hơn nhằm giải phóng hàng tồn
Liên quan quan đến việc tăng giá này, các chuyên gia chỉ rõ, không riêng gì mặt hàng xi măng, chỉ số giá vật liệu xây dựng nói chung cũng đều tăng theo giá nguyên vật liệu.
Hiện nay, mặc dù giá thép trong nước đã có nhiều lần điều chỉnh giảm nhưng xi măng, gạch cát... vẫn đồng loạt tăng giá, chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt" khiến nhiều người dân có kế hoạch xây dựng nhà cửa phải đắn đo.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở quý 3.2022 tăng 7,75% so với cùng kỳ năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên, nhiên vật liệu. Giá vật liệu xây dựng "leo thang" nhanh đang ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư và thi công các công trình hạ tầng.
Trong báo cáo mới đây của Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), đơn vị này cho rằng đầu tư công nhiều khả năng sẽ tăng mạnh trong các tháng cuối năm, thúc đẩy tăng trưởng của nhiều nhóm ngành.
Theo đó, các nhóm ngành được hưởng lợi từ yếu tố đầu tư công bao gồm nhóm hưởng lợi trực tiếp như vật liệu xây dựng, thi công và nhóm hưởng lợi gián tiếp như bất động sản, bất động sản khu công nghiệp.
Trong đó, KBVS nhận định ngành xi măng hưởng lợi nhưng không quá hấp dẫn. Trong đó, Xi măng Hà Tiên và Xi măng Bỉm Sơn là 2 doanh nghiệp được quan tâm.
Thời gian tới, dự báo nguồn cung bất động sản hồi phục trong thời gian tới sẽ là động lực lớn giúp thúc đẩy sản lượng tiêu thụ xi măng những tháng cuối năm.
-
Lộ diện cái tên “đen” nhất ngành xi măng: Thua lỗ kéo dài, âm nặng vốn chủ, nợ một nữ đại gia 326 tỷ suốt hơn một thập kỷ
Tính đến ngày 30/6/2024, nợ phải trả của Xi măng Công Thanh ghi nhận hơn 19.550 tỷ đồng, trong đó nợ đi vay là hơn 7.300 tỷ đồng và các khoản chi phí lãi vay phải trả dài hạn là 10.557 tỷ đồng.
-
Âm vốn chủ sở hữu 7.700 tỷ, “khất nợ” nghìn tỷ trái phiếu đến hạn, kiểm toán cũng "cạn lời" với doanh nghiệp này
Phía kiểm toán tiếp tục từ chối đưa ra kết luận đối với báo cáo tài chính bán niên 2024 của Công ty CP Xi măng Công Thanh vì lỗ lũy kế, âm vốn chủ sở hữu và công ty chậm trả những khoản vay và trái phiếu đến hạn....
-
Nợ thuế tiền tỷ, nhà sản xuất xi măng 47 năm tuổi tại Tuyên Quang bị cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn
Công ty CP Xi măng Tuyên Quang vừa bị cơ quan thuế tỉnh Tuyên Quang ra quyết định cưỡng chế thuế, ngừng sử dụng hóa đơn, do nợ thuế hơn 8,3 tỷ đồng.