Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng khối lượng gạo xuất khẩu 10 tháng năm 2024 đạt gần 7,8 triệu tấn với kim ngạch 4,86 tỷ USD, tăng 10,2% về khối lượng và tăng 23,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Nguyên nhân nhờ giá gạo xuất khẩu bình quân ở mức cao, đạt 626,2 USD/tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023. Xuất khẩu gạo đang là điểm sáng trên bức tranh xuất khẩu nông sản của cả nước.
Hiện Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm trên 45%. Đến cuối tháng 10/2024, Philippines nhập khẩu 2,91 tấn gạo từ Việt Nam, chiếm hơn 79% trong tổng số 3,68 triệu tấn gạo nhập khẩu của Philippines.
Thị trường lớn tiếp theo là Indonesia và Malaysia. Trong nhóm 15 thị trường Việt Nam xuất khẩu gạo lớn nhất, giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất ở thị trường Malaysia với mức tăng 2,3 lần.
Riêng Philippines, nước này đã nhập khẩu tổng cộng 3,68 triệu tấn gạo trong 10 tháng. Con số này cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2023 là 2,84 triệu tấn và vượt qua tổng lượng gạo nhập khẩu trong cả năm 2023 của Philippines. Những tháng gần đây, lượng gạo nhập khẩu vào Philippines luôn ở mức cao, cho thấy nhu cầu nhập khẩu gạo của Philippines vẫn đang rất lớn.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Philippines, trong những tháng cuối năm, nhu cầu nhập khẩu gạo của Philippines sẽ tiếp tục tăng cao do tiêu thụ trong nước tăng, trong khi mùa vụ cuối năm của Philippines đã bị thiệt hại bởi thiên tai. Dự báo tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines trong cả năm 2024 sẽ ở mức trên 4 triệu tấn.
Ngoài ra, một thị trường truyền thống khác của Việt Nam là Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện nay, kim ngạch xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đang có sự sụt giảm. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 9 tháng qua, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc chỉ đạt 241 nghìn tấn, thu về 141,2 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu gạo sang thị trường này giảm mạnh 72%.
Số liệu thống kê trước đó cho thấy, trong nhiều năm qua Trung Quốc luôn là khách hàng lớn của gạo Việt Nam. Năm 2012, quốc gia tỷ dân này trở thành khách hàng lớn nhất, chiếm 27,5% tổng giá trị xuất khẩu gạo của nước ta.
Trong giai đoạn 2017 – 2022, Trung Quốc nhập khẩu gạo của Việt Nam ghi nhận sự biến động tương đối lớn. Riêng năm 2017, Trung Quốc nhập khẩu lên đến 1 tỷ USD sản phẩm gạo của Việt Nam, nhưng đến năm 2019, kim ngạch nhập khẩu chỉ đạt hơn 240 triệu USD và phục hồi trở lại trong giai đoạn 2020 và 2021 nhưng có xu hướng giảm trong hai năm trở lại đây.
Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc có xu hướng giảm với một trong những lý do là Trung Quốc hạn chế số lượng doanh nghiệp gạo được phép xuất khẩu sang nước này. Hiện nay, Trung Quốc chỉ cho phép 21 doanh nghiệp được phép xuất khẩu gạo sang thị trường này trong tổng số khoảng 200 doanh nghiệp gạo Việt Nam đã được cấp phép.
Bên cạnh đó là sự cạnh tranh khốc liệt tại thị trường Trung Quốc. Hiện nay các sản phẩm gạo có mặt trên thị trường Trung Quốc đều có chất lượng tương đối cao bên cạnh việc các nước xuất khẩu rất chú trọng vào khâu đóng gói bao bì, nhất là gạo của Thái Lan.
Để thúc đẩy xuất khẩu gạo vào Trung Quốc, thực hiện Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 3444/QĐ-BCT ngày 31/12/2023, từ ngày 02 - 06/12/2024, Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương tổ chức Đoàn giao dịch thương mại mặt hàng gạo tại tỉnh Quảng Đông và tỉnh Hồ Nam - Trung Quốc.
Dự kiến, sẽ có 10 - 18 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh, sản xuất, xuất khẩu gạo, có tiềm lực và uy tín tham gia đoàn xúc tiến thương mại gạo sang Trung Quốc.
Trong bối cảnh hiện nay, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo theo dõi sát thị trường gạo thế giới và trong nước, có tính toán thận trọng, chắc chắn khi chào giá đối với các lô hàng xuất khẩu để bảo đảm hiệu quả kinh doanh và giữ uy tín cho gạo Việt Nam.
-
Việt Nam là nước cung cấp gạo lớn nhất của Singapore
Theo Thủ tướng Singapore Lawrence Wong, trong 6 tháng đầu năm 2024 Việt Nam là nhà cung cấp gạo lớn nhất của nước này.
-
Việt Nam có thể tự do đến Belarus mà không cần thị thực
Kể từ ngày 30/1, công dân Việt Nam và Belarus chính thức được tự do đi lại giữa hai quốc gia mà không cần xin thị thực. Đây là kết quả của Hiệp định miễn thị thực được ký kết giữa hai nước, mở ra cơ hội phát triển kinh tế và tăng cường hợp tác song p...
-
Việt Nam có nhiều cơ hội đạt được tăng trưởng GDP 8%
Đó là dự báo của ông Lương Văn Khôi, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, Bộ KH&ĐT về bức tranh kinh tế Việt Nam trong năm 2025.
-
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Thụy Sĩ tham dự Hội nghị WEF Davos 55
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hoà Czech, tối 20/1 theo giờ địa phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Zurich, Thụy Sĩ....