Nợ xấu vốn được nhắc đến từ hơn 1 năm nay nhưng thực chất chưa xử lý được bao nhiêu và vấn đề này sẽ tiếp tục trở thành gánh nặng trong năm 2013. Vậy Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị gì để đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu?

Nợ xấu vẫn tăng

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, đến 30/6/2012, số liệu báo cáo của các TCTD, nợ xấu của toàn hệ thống là 119.139 tỷ đồng, chiếm 4,49% so với tổng dư nợ tín dụng và tăng 47,2% so với cuối năm 2011. Trong khi đó, Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng cho biết nợ xấu của các TCTD trong nước chiếm 8,82% tổng dư nợ tín dụng của các TCTD trong nước.

Thực tế, nợ xấu không phải mới phát sinh mà đã tích lũy trong một thời gian dài. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc hình thành số nợ xấu này, trong đó đặc biệt là môi trường kinh doanh.

Trong một thời gian dài, từ trước năm 2011, suốt 8 năm, Việt Nam là một trong số ít nước có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao nhất trên thế giới, trung bình 33%/năm, tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2010 là 32,43%. Đến năm 2011, tốc độ tăng tín dụng mới chậm lại ở mức 14,31% (so với năm 2010).

Giai đoạn trước 2011, nhiều doanh nghiệp do nhu cầu đầu tư mở rộng để phát triển sản xuất nên đã vay vốn ngắn hạn để đầu tư đã tạo áp lực trả nợ tăng cao, trong khi khả năng quản trị không tốt, dự án đầu tư kéo dài, hoặc sản phẩm sản xuất ra không tiêu thụ được... dẫn đến việc tới kỳ hạn trả nợ, không có nguồn để trả buộc phải vay tiếp ngắn hạn để trả nhưng không thể kéo dài vì áp lực trả nợ ngày càng lớn hơn. Tình trạng này kéo dài khiến các khoản vay ngân hàng trở thành các khoản nợ xấu.

Năm 2012, khi nền kinh tế khó khăn, cộng với việc Chính phủ triển khai quyết liệt các giải pháp cơ cấu lại các TCTD tất yếu dẫn đến số nợ xấu lớn đã tích tụ nhiều năm trước bắt đầu lộ diện.

Ngoài những nguyên nhân khách quan trên, những yếu tố chủ quan như năng lực thẩm định, quản trị của các TCTD còn bất cập, hiệu quả công tác thanh tra, giám sát còn hạn chế... cũng góp phần làm phát sinh và tích tụ số nợ xấu này.


Theo các chuyên gia kinh tế, nợ xấu là một phần luôn tồn tại trong hoạt động của các TCTD, là một phần rủi ro phát sinh trong quá trình hoạt động ngân hàng. Chính vì vậy, song song với việc cấp tín dụng, các TCTD cũng phải đồng thời trích lập dự phòng rủi ro để có thể xử lý những khoản nợ xấu phát sinh và coi đó là một phần chi phí trong hoạt động ngân hàng.

Tuy nhiên, nợ xấu lớn cũng đồng nghĩa với một lượng vốn tương ứng không được quay vòng, dòng tiền trong nền kinh tế không lưu thông được và hệ thống ngân hàng sẽ gặp khó khăn về thanh khoản. Nợ xấu lớn cũng làm ảnh hưởng đến hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất và quản lý thị trường tiền tệ của NHNN.

Chính vì thế, với một khối lượng nợ xấu lớn như hiện nay, nếu cứ để các TCTD và các doanh nghiệp có nợ xấu tự xử lý thì thời gian kéo dài, số lượng doanh nghiệp không có vốn sản xuất kinh doanh phải dừng hoạt động, thậm chí phá sản sẽ gia tăng. Điều này sẽ đe dọa đến sự phát triển bền vững của hệ thống tài chính quốc gia nói riêng và của nền kinh tế nói chung.

Do vậy, ở bất kỳ quốc gia nào cũng vậy, khi nợ xấu đủ lớn đe dọa sự an toàn hệ thống ngân hàng và ổn định kinh tế vĩ mô thì Chính phủ lập tức phải can thiệp xử lý nợ xấu, kể cả sử dụng nguồn ngân sách hoặc vốn vay từ nội lực hay bên ngoài.

Xử lý nợ xấu là một phần quan trọng trong Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015. Việc xử lý nợ xấu phải bảo đảm các nguyên tắc: TCTD và khách hàng vay phải chịu trách nhiệm chính về các khoản nợ xấu phát sinh và chia sẻ tổn thất trong việc xử lý nợ xấu; Nhà nước chỉ chịu trách nhiệm xử lý các khoản nợ xấu do cho vay các đối tượng chính sách hoặc theo chỉ định của Chính phủ và hỗ trợ cho việc xử lý nợ xấu của các TCTD chủ yếu thông qua ban hành các cơ chế, chính sách, tạo lập và quản lý thị trường mua bán nợ.

Nhà nước chỉ can thiệp xử lý nợ xấu bằng nguồn vốn ngân sách khi cần thiết để bảo đảm sự an toàn của hệ thống ngân hàng và sự ổn định của nền kinh tế trên nguyên tắc bảo đảm có hiệu quả kinh tế - xã hội.

Nhận diện các giải pháp xử nợ xấu

Nợ xấu của ngân hàng cũng gắn liền với sự ứ đọng vốn trong sản xuất kinh doanh, hàng hóa tồn kho, công trình đầu tư dở dang, thị trường bất động sản suy giảm. Do đó xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng bao gồm TCTD tự xử lý, giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô, xử lý hàng tồn kho, "phá băng" thị trường bất động sản, kích thích đầu tư, tiêu dùng và hệ thống cơ chế, chính sách kèm theo.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế chính sách để hỗ trợ TCTD và doanh nghiệp như: cho phép các TCTD giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản nợ được điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ nếu TCTD đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng có chiều hướng tích cực và có khả năng trả nợ tốt sau khi điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ; các ngân hàng hỗ trợ DN bằng cách tiếp tục xem xét cấp tín dụng đối với các dự án lớn có hiệu quả tiến hàng mua bán nợ... Đồng thời, quản lý chặt chẽ hơn và mở rộng phạm vi tài sản có tiềm ẩn rủi ro tín dụng phải phân loại và trích lập dự phòng rủi ro để phản ánh đầy đủ hơn thực trạng nợ xấu và hạn chế nợ xấu gia tăng..

Đặc biệt, một trong những giải pháp được trông đợi nhất là thành lập Công ty quản lý tài sản thuộc NHNN (VAMC). Đây được xem là giải pháp căn cơ, hữu hiệu nhất, xuất phát từ nhu cầu cần phải có một tổ chức độc lập, chuyên nghiệp, có khả năng tiếp nhận và xử lý tập trung các khoản nợ xấu của các TCTD với quy mô lớn để tối đa hóa giá trị thu hồi vốn.

VAMC là một doanh nghiệp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ thành lập, được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn Nhà nước, hoạt động theo nguyên tắc lấy thu bù chi, không vì mục tiêu lợi nhuận và chịu sự quản lý, giám sát trực tiếp của NHNN.

Theo đó, VAMC thực hiện mua, tiếp nhận các khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm bằng tài sản, chủ yếu là bất động sản. TCTD bán nợ được thanh toán bằng trái phiếu hoặc bằng công cụ nợ đặc biệt do VAMC phát hành.

Bên canh đó, không thể bỏ qua trách nhiệm của các TCTD đối với nợ xấu. Các ngân hàng cần đánh giá và cùng với khách hàng vay để cơ cấu lại nợ, giãn thời gian trả nợ và xem xét miễn, giảm lãi suất một cách hợp lý cho khách hàng có triển vọng tốt sau cơ cấu lại nợ để khách hàng giảm bớt khó khăn tài chính tạm thời và nâng cao hiệu quả kinh doanh, tạo nguồn thu mới trả nợ TCTD.

Song song với đó, cần xử lý tài sản bảo đảm, bán nợ để thu hồi vốn, giảm nợ xấu, tiếp tục đầu tư, cho vay đối với khách hàng có nợ xấu do khó khăn tạm thời nhưng có triển vọng phục hồi và phát triển tốt; Chuyển nợ thành vốn góp, cổ phần của doanh nghiệp vay, đồng thời tham gia cơ cấu lại doanh nghiệp; Tăng cường trích lập, sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu theo quy định của pháp luật; Bán nợ cho các tổ chức, đặc biệt là bán nợ cho các công ty mua bán nợ và công ty quản lý tài sản.

Để xử lý nợ xấu, một phần quan trọng là phải tháo gỡ các điểm tắc nghẽn của sản xuất kinh doanh hiện nay như BĐS, sản xuất kinh doanh.

Thời gian qua, thị trường bất động sản suy giảm và đóng băng đã ảnh hưởng xấu đến khả năng thu hồi các khoản tín dụng đầu tư, kinh doanh bất động sản và các khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản.

Hiện nay, NHNN đã nới lỏng cho vay đầu tư, kinh doanh bất động sản thông qua việc loại trừ khỏi dư nợ cho vay bị hạn chế đối với một số nhu cầu vay vốn để đầu tư, kinh doanh bất động sản...

Trong thời gian tới, Nhà nước sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản bao gồm: miễn giảm thuế VAT cho cá nhân, hộ gia đình mua nhà xã hội và mua nhà thương mại để ở lần đầu; ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp đầu tư nhà xã hội, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chuyển đổi nhanh cơ cấu các dự án bất động sản; đẩy mạnh xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, lao động ở khu công nghiệp và các đối tượng chính sách khác.

Đối với DN sẽ có các giải pháp xử lý hàng tồn kho và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh

Ngoài các giải pháp chính của NHNN đã thực hiện tích cực và bước đầu mang lại hiệu quả trong thời gian qua, các giải pháp khác mang tính hỗ trợ của Chính phủ và các bộ ngành theo Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 của Chính phủ; Triển khai các biện pháp kích thích đầu tư, tiêu dùng, đẩy mạnh đầu tư phát triển cho các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia, hệ thống giao thông nông thôn, hạ tầng kinh tế - xã hội; bố trí đầy đủ vốn thanh toán cho các công trình, dự án đầu tư để xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản...

Theo Ngọc Sơn (VEF)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.