Tình hình vi phạm diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là tại các quận, huyện vùng ven, nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh. Để chấn chỉnh tình trạng này, tháng 7/2019, Thành ủy TP HCM ban hành Chỉ thị 23 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng.
Vi phạm trật tự xây dựng là "vấn nạn" nhức nhối tại TP HCM.
Sau khi Thành ủy TP HCM ban hành Chỉ thị 23, các quận, huyện trên địa bàn đã tổ chức triển khai lập lại trật tự xây dựng và đạt được kết quả tích cực. Số vụ vi phạm bình quân còn 5,4 vụ/ngày (giảm 36,9%) so với trước đây. Tính cả năm 2019, TP HCM phát hiện 2.560 trường hợp vi phạm, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, có 910 trường hợp xây dựng sai phép (chiếm 35,5%), xây dựng không phép là 1.054 trường hợp (chiếm 41,2%) và 596 trường hợp vi phạm khác (chiếm 23,3%).
Một huyện vùng ven nổi cộm với tình trạng vi phạm trật tự xây dựng thời gian qua là huyện Bình Chánh. Nửa đầu năm, huyện phát hiện hơn 1.400 trường hợp vi phạm, trong đó đã khắc phục xử lý hậu quả 673 trường hợp. Vi phạm chủ yếu là xây dựng công trình không phép trên đất nông nghiệp. Các đối tượng đầu nậu tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, phân lô bán nền không phép, tập trung ở các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Tân Quý Tây… Sau ba tháng thực hiện Chỉ thị 23, trung bình một tháng còn 6 trường hợp vi phạm (giảm 5 vụ/tháng, tỷ lệ giảm 45%).
Ông Trần Phú Lữ, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho biết qua thanh tra tại các xã, huyện đã xử lý 48 cán bộ, công chức, viên chức để xảy ra vi phạm trong việc chậm cưỡng chế, lập hồ sơ xử lý vi phạm, buộc thôi việc 3 trường hợp, củng cố hồ sơ chuyển cơ quan điều tra 5 trường hợp tái vi phạm. Để chấn chỉnh trật tự xây dựng trên địa bàn, theo ông Lữ thì huyện đã tập trung tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý công trình vi phạm ngay từ đầu. Các hành vi nghiêm trọng hoặc tái phạm sẽ bị xử lý hình sự, bên cạnh đó cũng sẽ nâng cao hiệu quả thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức.
"Chúng tôi tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, qua đó kịp thời phát hiện các hành vi bao che, tiếp tay của cán bộ, nếu phát hiện được sẽ xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Chúng tôi cũng sẽ tăng cường tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân, các cơ quan có liên quan và xử lý tốt các tin nhắn này, cuối cùng là để kịp thời phát hiện", ông Lữ cho hay.
Còn tại quận Thủ Đức, thời gian qua địa phương này cũng rộ vi phạm xây dựng. Theo thống kê, trên địa bàn quận còn hơn 360 công trình vi phạm xây dựng. Sau khi triển khai Chỉ thị 23, số lượng công trình xây dựng không phép là 75 công trình, chiếm 0,63 vụ/ngày (giảm 0,7 vụ/ngày so với trước khi có Chỉ thị 23).
Tuy nhiên, dư luận cũng đặt câu hỏi về việc quán triệt và thực hiện Chỉ thị 23 của quận Thủ Đức có thực sự nghiêm túc hay không, bởi những tháng cuối năm, báo chí liên tiếp phản ánh tình trạng vi phạm tại địa phương này. Đáng chú ý là việc ông Lê Hữu Thành, nguyên Phó Chủ tịch HĐND quận Thủ Đức cùng người nhà xây dựng không phép 7 công trình tại phường Hiệp Bình Chánh. Các công trình này xây dựng trên đất nông nghiệp, thuộc quy hoạch ga Bình Triệu. Được bắt đầu xây dựng từ năm 2012, mặc dù bị phát hiện, lập hồ sơ nhưng việc xử lý các công trình này rất chậm khiến dư luận bức xúc. Chỉ đến khi Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân trực tiếp xuống thị sát và làm việc với Ban Thường vụ Quận ủy Thủ Đức vào tháng 10/2019 thì việc tháo dỡ vi phạm mới được triển khai, sau đó ông Lê Hữu Thành xin thôi chức vụ đang nắm giữ.
Cuối tháng 11/2019, vụ việc các đối tượng ồ ạt mua bán đất, xây dựng không phép trên đất có quy hoạch thuộc Trường Đại học Nông Lâm TP HCM (phường Linh Trung, quận Thủ Đức) mà VOV đã phản ánh, gây tác động mạnh đến dư luận, tới mức Bí thư Nguyễn Thiện Nhân phải lên tiếng tại Hội nghị lần thứ 34 Ban chấp hành Đảng bộ TP HCM. Vụ việc này diễn ra công khai, thế nhưng những người phải chịu trách nhiệm là chính quyền địa phương, cán bộ địa chính, lực lượng quản lý đô thị và cảnh sát khu vực lại không hay biết gì. Thậm chí còn có dấu hiệu chung chi, bảo kê cho xây dựng không phép với số tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng/m2. Hiện công an đang vào cuộc điều tra, xác minh để xử lý nếu có vi phạm.
Ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM cho biết, ngày 12/8/2019, UBND TP HCM ban hành Kế hoạch 3333 để triển khai các biện pháp chấn chỉnh vi phạm xây dựng. Sở Xây dựng cũng ký kết Kế hoạch liên tịch với chính quyền 24 quận, huyện trên địa bàn, đây là cơ sở để triển khai đội thanh tra địa bàn về chịu sự điều hành trực tiếp của UBND 24 quận, huyện. Ông Bình cho rằng, cần phải tăng cường cải cách hành chính, để người dân thực hiện thủ tục hành chính cấp phép xây dựng nhanh hơn, đơn giản hơn, tạo thuận lợi cho người dân, không vướng vào chuyện vi phạm xây dựng. Ngoài ra, thời gian tới, sở cũng tăng cường kiểm tra hoạt động hành nghề từ tư vấn thiết kế, giám sát thi công, nhà thầu xây dựng…nhằm răn đe, có chế tài mạnh như rút giấy phép, chứng chỉ hành nghề nếu tái phạm nhiều lần.
Theo ông Bình, một khó khăn là việc tổ chức thực hiện dứt điểm các quyết định xử phạt vi phạm còn chậm, do còn vướng mắc liên quan đến chi phí cưỡng chế. Để làm tốt hơn công tác này, thành phố đã có văn bản phân cấp cho các quận, huyện thực hiện nhiệm vụ.
"UBND TP đã ban hành Quyết định 3580 để phân công cho các cấp, những quyết định do cấp nào ban hành thì cấp đó sẽ thực hiện việc cưỡng chế, như sẽ chủ động hơn trong việc phát hiện vi phạm và thực hiện các hoạt động xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thực hiện quyết định xử phạt", ông Bình nói.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, qua thời gian triển khai thực hiện Chỉ thị 23, cấp ủy và chính quyền thành phố đã rút ra được nhiều bài học. Việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý và lãnh đạo trên lĩnh vực xây dựng là một quá trình không thể làm ngay, do đó kết quả bước đầu có ý nghĩa hết sức quan trọng. Theo ông Nhân, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật. Cấp ủy các đơn vị có vi phạm trật tự xây dựng cần rà soát ngay để kéo giảm tình trạng vi phạm, phải vào cuộc quyết liệt và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sai phạm.
Vi phạm xây dựng có thể khắc phục được nếu cả hệ thống chính trị vào cuộc, xử nghiêm các đối tượng làm sai. Quan trọng là tăng hiệu quả thanh tra, giám sát. "Để thanh tra, giám sát có hiệu quả thì phải làm sao áp đảo những người làm sai, bằng các lực lượng liên thông: thanh tra xây dựng, tài nguyên môi trường, thanh tra về quy hoạch, liên kết lại có thể làm được”, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân nói.
Quyết tâm lập lại trật tự xây dựng cần được lãnh đạo TP HCM đẩy mạnh hơn nữa bằng những giải pháp mạnh tay và đồng bộ. Có như thế thì pháp luật mới được thực thi nghiêm minh, loại bỏ những cán bộ thoái hóa, biến chất, trục lợi bất chính. Quan trọng hơn là đẩy lùi vấn nạn vi phạm xây dựng cũng là biện pháp để đảm bảo quy hoạch nhà ở đáp ứng được nhu cầu của người dân, không làm méo mó, biến dạng bộ mặt đô thị và tận dụng được tối đa nguồn lực đất đai./.
-
Vi phạm xây dựng ở Bình Tân vẫn tiếp diễn
Hàng chục công trình xây dựng không phép, sai quy hoạch vẫn đua nhau mọc lên trên địa bàn quận Bình Tân. Hầu hết các công trình vi phạm này được chính quyền địa phương, ngành chức năng lập biên bản, nhưng việc xử lý thì không rõ ràng.