03/03/2018 12:48 PM
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TPHCM, cho biết qua rà soát 1.283 dự án về tình trạng sử dụng đất, xác định 280 dự án có dấu hiệu chậm tiến độ. Trên cơ sở rà soát, Sở TN-MT và các quận - huyện sẽ tập trung phân loại, đối chiếu quy định pháp luật để xử lý các dự án chậm tiến độ.

Khu vực dự án khu dân cư - trung tâm thương mại - cao ốc văn phòng (phường 13, quận Bình Thạnh) của Công ty Tân Thuận đã bị “treo” hàng chục năm

Những dự án “treo” hàng chục năm

Dự án khu dân cư - trung tâm thương mại - cao ốc văn phòng tại phường 13 - quận Bình Thạnh do Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng Tân Thuận làm chủ đầu tư, có quy mô 8ha, được bao quanh bởi đường Phạm Văn Đồng - Nơ Trang Long. Dù có chủ trương đầu tư hàng chục năm nay, nhưng hiện vẫn chưa triển khai được do vướng đền bù giải tỏa (còn diện tích 2,5ha với hơn 200 hộ dân). Một ngày của tháng 2-2018 chúng tôi trở lại nơi này, vẫn những con đường ngoằn ngoèo với hàng trăm căn nhà nhỏ, thấp, tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Ông Ngọc (nhà ở số 141, tổ 10 đường Nơ Trang Long) cho biết: “Bà con sống trong dự án rất khổ, nhà cửa xuống cấp không được sửa chữa, không được làm giấy chủ quyền, trong khi dự án không biết khi nào triển khai. Nhiều hộ dân ở đây đã ủy quyền cho một luật sư để theo đuổi vụ việc với mong muốn phải công khai minh bạch để người dân sớm ổn định cuộc sống, chứ không thể sống mãi trong tình cảnh thế này”.

Ông Trần Công Thiện, Tổng giám đốc Công ty Tân Thuận, cho biết đơn vị đang thương lượng với người dân để đền bù theo giá thị trường nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án. Nhưng thương lượng đã 1 năm qua, đến thời điểm này, người dân vẫn sống chung với dự án treo cùng bao nỗi phiền toái.

Nhiều người dân tại khu phố 7 phường Linh Đông (quận Thủ Đức) cho biết, khu vực này được quy hoạch là khu dân cư - trung tâm thương mại - cây xanh… Do đó, nhiều năm nay, người dân chỉ được cấp phép xây dựng tạm, muốn xây dựng kiên cố cũng khó, nhà cửa muốn bán thì mất giá…

Cách đó không xa, dự án Ga Bình Triệu tại phường Hiệp Bình Chánh đã được phê duyệt vào tháng 3-2002 với diện tích khoảng 41ha. Đến nay đã hơn 14 năm, dự án vẫn còn nằm trên giấy, khiến cuộc sống của hơn 3.000 hộ dân, hơn 15.000 nhân khẩu đến giờ vẫn bị treo theo dự án.

Dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa được UBND TPHCM phê duyệt từ năm 1992. Năm 2004, Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn được giao làm chủ đầu tư. Đến năm 2010, chủ đầu tư chuyển đổi, Tập đoàn Bitexco được giao lập đồ án quy hoạch phân khu (1/2000) của khu vực này.

Đến năm 2015, đồ án quy hoạch 1/2000 của Bitexco được chính thức phê duyệt với quy mô dự án là 450ha, dân số 45.000 người. Tuy nhiên, sau đó đối tác nước ngoài liên doanh với Bitexco xin rút lui, từ đó đến nay, dự án không có gì thay đổi. Do dính “treo” hơn 20 năm, khu Bình Quới - Thanh Đa được ví như một “nông thôn” thu nhỏ giữa lòng TPHCM.

Chỉ cách trung tâm quận 1 chưa đến 10km, nhưng nơi đây chẳng khác gì một vùng quê nghèo nàn, nhà cửa lụp xụp. Người dân vẫn làm ruộng, chăn nuôi, cố “bám” vào đất để chờ đền bù. Bên cạnh những dự án treo, trên trục đường Phạm Văn Đồng còn có những dự án do Công ty cổ phần Địa ốc Đất Xanh làm chủ đầu tư chậm triển khai, kéo dài nhiều năm nay, cỏ mọc um tùm làm tuyến đường thêm nhếch nhác.

Kiên quyết xóa dự án không khả thi

Trong 5 năm gần đây, chính quyền TPHCM đã thu hồi 576 dự án chậm triển khai, gây lãng phí đất đai, với tổng diện tích khoảng 5.900ha; đồng thời tiếp tục rà soát hàng ngàn dự án để xử lý, thu hồi, nhằm hạn chế tình trạng dự án chậm tiến độ, kéo dài gây lãng phí. Sở TN-MT đang chủ trì việc rà soát này.

Dự kiến, sau khi thu hồi dự án, UBND các quận - huyện sẽ niêm yết công khai thông tin dự án thu hồi hoặc dự án được gia hạn để người dân giám sát, đồng thời giải quyết quyền lợi của người dân theo quy định của pháp luật.

UBND TPHCM cũng đã ban hành Chương trình Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2020, trong đó có nội dung sẽ quyết liệt xử lý và tăng cường chống thất thu ngân sách nhà nước bằng giải pháp thực hiện tiết kiệm từ khâu quy hoạch. Các dự án không nằm trong quy hoạch sẽ cắt giảm. Dự án đã được cấp phép đầu tư nhưng quá thời hạn quy định không triển khai thực hiện theo cam kết hoặc theo giấy phép cũng sẽ bị thu hồi.

Theo Luật Đất đai, nếu sau 3 năm đưa vào kế hoạch sử dụng đất mà dự án chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì phải điều chỉnh, hủy bỏ. Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cho biết, lãnh đạo TP vừa có văn bản xin ý kiến Chính phủ về vấn đề này.

Tại kỳ họp HĐND TP mới đây, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng yêu cầu UBND TP rà soát, xem xét lại những dự án không khả thi hoặc chậm tiến độ, thì phải hủy bỏ hoặc kêu gọi lại nhà đầu tư mới theo tinh thần Nghị quyết 16 của HĐND TP.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng cho biết, để tạo quỹ đất thực hiện các dự án BT, sắp tới TPHCM sẽ thu hồi những dự án ì ạch, đem đấu giá để tạo nguồn lực phát triển.

Đỗ Trà Giang (SGGP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.