26/05/2013 8:52 AM
Kinh tế Việt Nam còn mới nên khả năng khi phục hồi sẽ mạnh mẽ hơn. Và chúng ta muốn làm tốt vấn đề này cần tạo một thị trường mua bán nợ minh bạch.

Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định 53 về việc thành lập Công ty Quản lý tài sản (VAMC) nhằm xử lý nợ xấu, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý cho nền kinh tế. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng đây là nợ xấu vậy tại sao VAMC lại phải mua theo đúng giá trị ghi sổ dù chỉ là trái phiếu. Hơn nữa, vốn điều lệ VAMC chỉ 500 tỉ đồng quá ít để xử lý nợ xấu.

Theo TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội, phương thức VAMC mua nợ xấu có hai điểm chính: Thứ nhất VAMC sẽ mua nợ xấu của các ngân hàng (NH) theo giá trị ghi sổ bằng trái phiếu đặc biệt do công ty này phát hành. Nghĩa là nợ xấu theo sổ chẳng hạn 1 tỉ đồng, VAMC sẽ phát hành mệnh giá trái phiếu 1 tỉ đồng để mua. Thứ hai, VAMC mua nợ xấu của NHTM theo giá thị trường bằng nguồn vốn chứ không bằng trái phiếu đặc biệt. Tuy nhiên, với vốn điều lệ 500 tỉ đồng, VAMC chủ yếu thực hiện cách thứ nhất.

Ngân hàng sẽ phải kéo cày trả nợ

. Phóng viên: Ông có thể nói rõ hơn về việc VAMC sẽ mua nợ xấu của các NH bằng trái phiếu đặc biệt?

+ TS Nguyễn Đức Thành: Theo nguyên tắc thị trường, giả sử khoản nợ xấu này là 1 tỉ đồng nhưng giờ khả năng đòi nợ rất thấp nên giá trị chỉ còn 100 triệu đồng, thậm chí là 10 triệu đồng. Nhưng theo sổ sách NH đã từng cho doanh nghiệp đó vay là đúng 1 tỉ đồng, bởi vậy trái phiếu đặc biệt này chẳng qua là một dạng giấy ghi rõ khoản nợ này là 1 tỉ đồng. NH có thể dùng trái phiếu này để đem lên NHNN vay tái cấp vốn. Số tiền vay được không phải để trích lập dự phòng rủi ro mà để tăng thanh khoản cho NH.

. Nhưng tại sao sau khi VAMC đã mua bằng mệnh giá trái phiếu, NH vẫn phải phát trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản này, thưa ông?

+ Trong khối nợ xấu có nợ nhóm 4, nợ nhóm 5 và thay vì việc phải trích lập dự phòng rủi ro 50%, thậm chí là 100% ngay lập tức thì nay mỗi năm NH chỉ phải trích lập dự phòng rủi ro 20%, tương đương 200 triệu đồng/1 tỉ đồng đó mà thôi. Và sau năm năm trích lập đủ 100% dự phòng rủi ro tương đương 1 tỉ đồng, lúc này khoản nợ xấu sẽ được xóa.

Sứ mệnh công ty VAMC nhằm xử lý nợ xấu để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong ngân hàng. Ảnh: HTD

. Vậy NHTM được lợi gì từ VAMC, thưa ông?

+ Trong thời gian VAMC nhận khoản nợ 1 tỉ đồng này, họ bán được bao nhiêu thì trả lại cho NH bấy nhiêu. Tuy nhiên, phía NH được hai cái lợi: Thứ nhất, thay vì các khoản nợ phải trích lập ngay lập tức rất khó cho NH, giờ khoản nợ này được trích lập từ từ. Nghĩa là tạo cho NH một ngân sách mềm. Thứ hai, khi có trái phiếu, VAMC được phép cầm giấy nợ này đến NHNN vay tái cấp vốn để tăng thanh khoản.

. Nhưng như vậy cùng một lúc NH vừa phải kiếm tiền bỏ vào 20% trích lập cho khoản nợ, vừa phải làm ăn để trả gốc và lãi cho khoản tái cấp vốn kia cho NHNN?

+ Đúng là NHTM phải kéo cày trả nợ suốt năm năm. Nhưng VAMC buộc đưa NH vào kỷ luật, phải làm theo. Hơn nữa, tiền NH cũng không phải bỏ ra, việc trích lập vẫn nằm ở túi NH chứ không đi đâu hết. Giống như việc ông bố bắt con mình ăn hết bát cơm vậy.

Trong trường hợp năm năm sau VAMC không bán được đồng nào từ cục nợ này thì NH đã trích đủ dự phòng rủi ro 100% rồi. Đến lúc này trái phiếu cũng được xóa đi. Và VAMC lại bưng toàn bộ tài sản đó trả lại cho NH.

. Như vậy có phải là VAMC đang “ép” NH thương mại?

+ Về nguyên tắc thì VAMC không vi phạm luật pháp, không lạm dụng tài sản công gì cả. VAMC chỉ thực hiện luật của thị trường, đó là cái lý của luật chơi. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ hiệu quả của chính sách này đến đâu, nhiều hay ít mà thôi.

VAMC hiệu quả sẽ không cao?

. Vậy thưa ông, toàn bộ chính sách của VAMC này hiệu quả có cao không?

+ Sứ mệnh công ty này nhằm xử lý nợ xấu để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Để đánh giá tiêu chí hiệu quả trong việc thực sự xử lý vấn đề nợ xấu, có một số biểu hiện như sau: Về mặt vĩ mô, tỉ lệ nợ xấu trong hệ thống nền kinh tế hạch toán bất kỳ cách nào cũng phải giảm xuống. Thứ hai, lãi suất chênh lệch giữa đầu ra và đầu vào phải giảm xuống. Thứ ba, trên cơ sở đó hệ thống tín dụng trở lại hoạt động nhịp nhàng. Nghĩa là NH huy động được tiền gửi, doanh nghiệp tiếp cận được vốn và biên độ cho vay và huy động càng thấp càng tốt... Tuy nhiên, với cách chúng ta đang làm kết quả sẽ không cao.

. Không cao vì sao, thưa ông?

+ Vì trong thời gian giải quyết nợ xấu, lãi suất cho vay cứ nhấm nhẳng 13%, 14% mà không thấp hẳn. Mà kéo dài thời gian xử lý nợ xấu thì doanh nghiệp sẽ mệt mỏi. Hơn nữa, đề án này chưa giải quyết được phần trọng yếu của nợ xấu. Xét cho cùng NH cũng phải tự đi kiếm tiền trả nợ. Vì khoản nợ này không được bán vì chưa có quy định dù khuyến khích được bán. Nhưng làm sao thúc đẩy việc bán thì chưa có quy chế.

. Nghĩa là việc mua bán nợ vẫn chưa được giải quyết và muốn giải quyết cần một quy chế pháp lý?

+ Đúng vậy, cần có nghị định khác để tạo lập thị trường mua bán nợ này. Chẳng hạn như vốn ở đâu, trong hay ngoài, định giá ra sao. Trong đó đống nợ xấu này chủ yếu lại là bất động sản. Chứ như VAMC hiện nay chỉ mới giải quyết giữa các chủ nợ với nhau mà chưa giải quyết các con nợ. Trong khi đó, con nợ là người tạo ra nợ xấu. Sau năm năm cái cục nợ này vẫn còn nguyên dù NH đã trích lập đủ 100%. Trong nghị định này cũng nói sẽ tái cơ cấu nhưng rất mờ nhạt. Giải pháp căn cơ là phải tăng được khả năng trả nợ của con nợ.

Phải có chiến lược hồi sinh doanh nghiệp

. Sau khi chuyển nợ qua VAMC, doanh nghiệp đó sẽ được vay vốn. Tuy nhiên, thực ra DN vẫn đang có nợ xấu. Sẽ ra sao nếu khoản vay mới của doanh nghiệp sẽ tiếp tục thành nợ xấu, nghĩa là nợ xấu đè nợ xấu?

+ Đúng là vẫn có khả năng này xảy ra. Cách đây 10 năm, ở Trung Quốc có nợ xấu rất nhiều, sau khi Chính phủ cắt nợ xấu ra một bên để cho vay mới, lúc đó nợ xấu lại mọc trở lại.

. Các nước trên thế giới giải quyết vấn đề này phải làm thế nào, thưa ông?

+ Ở Trung Quốc sau đó cũng phải tái cơ cấu doanh nghiệp. Tuy nhiên, nợ xấu của Trung Quốc chủ yếu là khu vực nhà nước, vì chính phủ nước này cũng phải tái cấu trúc và bù lại từ khu vực doanh nghiệp tư nhân.

Nhật Bản làm bằng cách chính phủ cũng để các doanh nghiệp kinh doanh tốt vào mua cổ phần. Nói chung là phải tái cơ cấu để làm doanh nghiệp tốt lên. Tuy nhiên, kinh tế của Nhật già cỗi nên việc hồi sinh không mạnh mẽ. Kinh tế Việt Nam còn mới nên khả năng khi phục hồi sẽ mạnh mẽ hơn. Và chúng ta muốn làm tốt vấn đề này cần tạo một thị trường mua bán nợ minh bạch. Nếu VAMC mua cục nợ xấu thì mới nảy sinh vấn đề định giá. Rõ ràng là VAMC có quyền lực vì nó có tiền và là người mua nên nó có lợi.

. Với vốn điều lệ là 500 tỉ đồng, VAMC muốn mua nợ xấu của NHTM theo giá thị trường bằng nguồn vốn chứ không bằng trái phiếu đặc biệt thì tiền ở đâu, thưa ông?

+ VAMC sẽ kêu gọi nguồn vốn, có thể từ những NHTM thặng dư tiền. Vì hiện nay có loại NH thừa tiền và ít nợ xấu. Sau khi mua, thị trường ấm lên thì có thể bán. Tôi nghĩ sẽ có nhiều người đóng góp kể cả đối tác nước ngoài. Nên cuối cùng vẫn cần văn bản pháp quy để tạo dựng thị trường mua bán nợ một cách minh bạch và rõ ràng.

. Khi NH lên vay tái cấp vốn ở NHNN, cùng với việc NHNN đang bơm tiền ra các gói hỗ trợ khác, liệu có tác dụng lên lạm phát?

+ Giả sử nợ xấu 200.000 tỉ đồng tương đương là 10 tỉ USD. Trong năm năm thì mỗi năm bơm ra không đến 2 tỉ USD cộng với các khoản khác cũng không phải là khoản lớn vì các khoản đưa ra rải rác trong năm năm. Và bản thân đó cũng là tín dụng và tín dụng cũng đang cần đưa ra.

. Khối lượng nợ xấu này đa số là bất động sản. Nghĩa là muốn làm hồi sinh doanh nghiệp thì phải giải quyết được thị trường bất động sản, thưa ông?

+ Tôi nghĩ NHNN đang nhìn vào chính sách lớn hơn, sau khi khi kiểm soát được được thị trường USD, vàng… Với chính sách này, ba năm nữa NHNN sẽ lái được dòng tiền vào bất động sản và lúc này thị trường sẽ ấm trở lại. Nhưng quan trọng hơn nữa là mọi cái vào đúng giá trị của nó.

. Liệu có lợi ích nhóm trong chính sách?

+ Theo nghị định đi vay tái cấp vốn, NHNN tùy từng thời điểm sẽ quyết định cho vay bao nhiêu trên giá trị cổ phiếu. Và mức lãi suất cho vay trong từng thời kỳ do NHNN và Thủ tướng quyết định. Theo tôi, nên quy định rõ cho vay khoảng bao nhiêu, giả sử là 70% lãi suất tái cấp vốn trên mệnh giá. Lãi suất tối thiểu thấp hơn lãi suất tái cấp vốn khoảng 10%.

. Xin cảm ơn ông.

TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia:

Xử lý tài sản nhìn vào thị trường bất động sản

Cách chúng ta đang lựa chọn là thành lập Công ty Quản lý tài sản hay còn gọi là Công ty Mua bán tài sản Quốc gia (VAMC). Công ty này phần lớn sẽ xử lý phần lớn các loại nợ của doanh nghiệp (DN) từ 3 tỉ đồng trở lên và với cá nhân là 1 tỉ đồng trở lên. Ngay lập tức nợ xấu của NHTM sẽ được chuyển toàn bộ qua VAMC. Như vậy DN không còn nợ NH nữa mà chỉ còn nợ VAMC. Quan hệ nợ lúc này là giữa DN với VAMC chứ không phải NH.

VAMC được thành lập sẽ chuyển cục nợ từ kho này sang kho khác. Chứ bản chất DN ấy vẫn đang có nợ nên việc vay vốn NH cũng không dễ dàng gì. Hay nói cách khác khi nợ xấu được giải quyết rồi nhưng khuôn mặt các DN này cũng không thể đẹp được vì lịch sử tín dụng xấu. Nên VAMC đồng thời cũng sẽ bảo lãnh cho DN nào có khả năng phát triển và dự án nào có hoạt động tiếp để NH tiếp tục cho vay.

Các khoản nợ xấu này chủ yếu là bất động sản nên việc giải quyết tài sản nợ sẽ nhìn vào thị trường bất động sản để quyết định bán ra các tài sản từ công ty mua bán nợ này. Và như thế nghĩa là chúng ta phải vừa làm vừa chờ đợi thị trường bất động sản phục hồi chứ không thể bán tống bán tháo như là đổ đi các tài sản đó.

Với số nợ xấu khổng lồ, VAMC đáng ra sẽ tốn hàng trăm người nên VAMC cũng sẽ giao cho các NH tiếp tục quản lý. NH hoặc sẽ bán giùm, phát mại hay tái cấu trúc như thế nào… đều theo lệnh của VAMC.

TS Nguyễn Trí Hiếu,chuyên gia tài chính NH:

Nước Mỹ tái cấp vốn bằng trái phiếu ưu đãi

Năm 2008, NH Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã chủ trì và quản lý một chương trình giải tỏa tài sản xấu dưới tên TARP với số tiền khởi đầu là 700 tỉ USD được QH Mỹ thông qua để mua nợ xấu của các NHTM và tái cấp vốn cho NH. Việc tái cấp vốn này không phải dưới dạng cổ phiếu phổ thông mà cổ phiếu ưu đãi. Nghĩa là người nắm cổ phiếu ưu đãi được trả một cổ tức cố định đã được thỏa thuận từ trước. Tuy nhiên, họ lại không được tham dự vào hội đồng quản trị NH đó.

TS Nguyễn Ngọc Huy, Trường ĐH Kinh tế-Luật TP.HCM:

Phải biết chính xác con số nợ xấu bao nhiêu thì mới xử lý hiệu quả

Những kỳ vọng và sự tính toán để cho ra đời VAMC hiện nay chú trọng về kỹ thuật vận hành hơn là lượng hóa các yếu tố về mặt tài chính. Vì thế để VAMC hoạt động hiệu quả về mặt cơ chế và kỹ thuật thì phải biết chính xác con số nợ xấu là bao nhiêu. Mới đây trong phiên họp Quốc hội một chuyên gia nói nợ xấu hiện nay là 450.000 tỉ đồng, trong khi đó tổng dư nợ toàn ngành kinh tế chỉ khoảng 2,6 triệu tỉ đồng. Nếu con số nợ xấu này là đúng thì VAMC khó phát huy được hết hiệu quả của nó.

Yến Trang (PLTPHCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.