20/12/2013 9:53 AM
Quận Tân Bình có hai công trình xây lố hàng trăm mét vuông nhưng cơ quan chức năng chưa cưỡng chế tháo dỡ được do chủ đầu tư thường xuyên vắng mặt.

Công trình số 2/2 Hồng Hà, phường 2, quận Tân Bình (TP.HCM) do bà DTL làm chủ đầu tư. Trong quá trình thi công, bà L. xây dựng không đúng giấy phép xây dựng (GPXD) do quận cấp năm 2009 nên bị Thanh tra xây dựng quận lập biên bản vi phạm và yêu cầu ngừng thi công vào tháng 5-2010.

Xử phạt xong, vi phạm thêm gấp bốn lần

Theo quyết định xử phạt của quận, công trình phải tháo dỡ phần diện tích sai phép với diện tích gần 71 m2. Bà L. đã nộp 7,5 triệu đồng tiền phạt nhưng không tháo dỡ phần sai phép, sau đó lại tiếp tục vi phạm. Đến tháng 11-2013, đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện công trình lúc này xây lố GPXD hơn 307 m2. Ngoài ra, cột đà lầu một vi phạm chỉ giới xây dựng. Từ kết quả kiểm tra này, Thanh tra Sở Xây dựng đã lập biên bản vi phạm và UBND quận Tân Bình ra quyết định xử phạt, buộc chủ đầu tư tháo dỡ toàn bộ phần diện tích sai phép.

Công trình số 18 Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình do ông TVN làm chủ đầu tư cũng vi phạm tương tự. Tháng 10-2009, công trình này bị Thanh tra xây dựng quận lập biên bản vi phạm, quận ra quyết định xử phạt buộc tháo dỡ phần diện tích lố GPXD là 161,09 m2. Ông N. nộp tiền phạt nhưng cũng không tháo dỡ phần sai phép mà tiếp tục vi phạm. Đến tháng 10-2013, đoàn kiểm tra liên ngành của Sở Xây dựng phát hiện nhà xây dựng vượt GPXD đến bốn tầng (6, 7, 8, 9). Tổng diện tích sai phép tại công trình này là 458,42 m2. Thanh tra Sở Xây dựng đã lập biên bản vi phạm, sau đó UBND quận Tân Bình ra quyết định xử phạt, buộc tháo dỡ toàn bộ phần diện tích sai phép.

Công trình số 18 Phổ Quang xây lố tới bốn tầng nhưng việc xử lý đang gặp khó khăn. (Ảnh chụp ngày 19-12) Ảnh: HTD

Tuy nhiên, đến nay cả hai công trình trên vẫn chưa bị tháo dỡ. Thậm chí công trình 18 Phổ Quang đã hoàn thiện.

Khó cưỡng chế tháo dỡ vắng mặt

Nói về hai công trình trên, ông Đinh Khắc Huy, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình, khẳng định: “Quan điểm của quận là kiên quyết xử lý vi phạm vì chủ đầu tư nhiều lần vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, tạo dư luận xấu”.

Tuy nhiên, ông Huy cho biết việc cưỡng chế tháo dỡ hai trường hợp này chưa thực hiện được vì gặp vướng mắc. Cụ thể, việc lập biên bản vi phạm hai công trình này đã được thực hiện theo thủ tục vắng mặt người vi phạm dưới sự chứng kiến của chính quyền địa phương. Quận cũng niêm yết biên bản vi phạm, quyết định xử lý vi phạm hành chính tại nơi công trình vi phạm và trụ sở UBND phường nơi công trình vi phạm. Nhưng thủ tục cưỡng chế vắng mặt chủ đầu tư thì lại gặp khó khăn.

Quận này cho hay Điều 33 Nghị định 37/2005 quy định về thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế để thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định: “Quyết định cưỡng chế phải được gửi đến cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế”. Tuy nhiên, hai trường hợp trên quận không thể giao hoặc gửi quyết định đến cá nhân người bị cưỡng chế.

“Cơ quan chức năng đã nhiều lần gửi thư mời đến tận nhà và địa chỉ thường trú nhưng chủ đầu tư không đến. Hiện công trình 2/2 Hồng Hà đóng cửa không có người trông coi” - ông Huy cho biết. Trong khi đó, chủ công trình 18 Phổ Quang cũng thường xuyên vắng mặt.

Theo ông Huy, Điều 34 Nghị định 37/2005 quy định “trường hợp tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế vắng mặt thì vẫn tiến hành cưỡng chế”. Tuy nhiên, thủ tục này kèm theo nhiều yêu cầu như phải có đại diện chính quyền, người chứng kiến, đặc biệt thủ tục xử lý tài sản không thuộc diện cưỡng chế. Bên cạnh đó, cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế phải chịu chi phí vận chuyển, trông giữ bảo quản tài sản. Tuy nhiên, trong hai trường hợp tại quận Tân Bình thì người bị cưỡng chế không nhận được quyết định cưỡng chế, không có người đại diện. Phía chính quyền thì không biết tài sản trong nhà có hay không.

“Việc cưỡng chế trong trường hợp này có thể gây thiệt hại lớn cho công trình nên cần thiết phải có mặt của chủ đầu tư để chứng kiến, xác định khối lượng, diện tích cưỡng chế cũng như tiếp nhận công trình sau khi bị tháo dỡ phần vi phạm. Trình tự thủ tục xử lý cưỡng chế trong trường hợp này vô cùng phức tạp do chưa được quy định chi tiết tại Nghị định 37” - ông Huy phân tích.

Do tính chất phức tạp của vụ việc, UBND quận Tân Bình đã gửi công văn báo cáo các sở, ngành để được hướng dẫn cách xử lý nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Cẩm Tú (Pháp Luật TP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.