05/09/2011 2:46 PM
Theo kế hoạch, việc xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo trên địa bàn thành phố Hà Nội phải hoàn thành dứt điểm trong tháng 10 tới. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, việc triển khai xử lý ở nhiều quận, huyện vẫn ì ạch. Sở Xây dựng cho biết, trên địa bàn 13 quận, huyện gồm: Ba Ðình, Cầu Giấy, Ðống Ða, Hai Bà Trưng, Hà Ðông, Hoàng Mai, Long Biên, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hoài Ðức, Thanh Trì, Gia Lâm và Từ Liêm hiện có 632 trường hợp nhà, đất siêu mỏng, siêu méo (SMSM).

Xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo có kịp tiến độ đặt ra?

Nhà siêu mỏng trên phố Đào Tấn (quận Ba Đình). Ảnh: Đăng Khoa

Theo chỉ đạo của UBND thành phố, các quận, huyện phải hoàn thành công tác rà soát, thống kê, phê duyệt phương án nhà, đất SMSM trong tháng 8, xử lý dứt điểm trong tháng 10. Ðối với những trường hợp có thể hợp khối công trình, UBND các quận, huyện chủ động làm việc với Sở Quy hoạch - Kiến trúc để thống nhất biện pháp. Các trường hợp buộc phải thu hồi đất cần thực hiện theo đúng quy định về giải phóng mặt bằng, bồi thường hỗ trợ tái định cư.

Chỉ đạo là vậy, nhưng đến giữa tháng 8, mới có bốn quận gồm: Ðống Ða, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng và Hoàng Mai gửi hồ sơ phương án các trường hợp hợp khối sang Sở Quy hoạch - Kiến trúc thẩm định. Trên địa bàn thành phố mới có 21 trường hợp người dân tự thỏa thuận hợp khối thành công. Các ngành chức năng đang tiếp tục hướng dẫn, tạo điều kiện 68 trường hợp khác thỏa thuận hợp khối. Thành phố đã tiến hành phá dỡ 39 trường hợp, khôi phục hiện trạng ban đầu; đề nghị thu hồi 197 trường hợp. Tuy nhiên, tại một số địa bàn như quận Hà Ðông, huyện Hoài Ðức... việc triển khai chỉ đạo xử lý nhà, đất SMSM mới chỉ dừng lại ở công tác rà soát, thống kê số liệu.

Thực tế triển khai công tác này ở một số quận, huyện gặp phải một số khó khăn. Quận Ba Ðình là một trong hai đơn vị được thành phố chọn làm điểm về việc xử lý nhà, đất SMSM. Trên địa bàn quận hiện có 83 trường hợp nhà SMSM với diện tích 1.151 m2, thuộc địa bàn bốn phường: Cống Vị, Kim Mã, Ngọc Khánh và Liễu Giai. Tổng diện tích xây dựng là 2.445,7 m2, trong đó có 35 nhà xây dựng kiên cố từ hai đến năm tầng, 48 nhà một tầng. Phần lớn các ngôi nhà trong số này phát sinh từ những năm 2000 - 2001, là phần đất ở còn lại của các hộ dân sau khi thành phố thu hồi đất thực hiện các dự án xây dựng đường giao thông. Người dân đã tận dụng diện tích còn lại, cải tạo, xây dựng và sinh sống ổn định trong thời gian dài. Nhiều hộ tận dụng mặt bằng làm địa điểm kinh doanh, hoặc cho thuê. Chị Thu Hà, một trong tổng số 17 trường hợp có nhà SMSM tại phường Kim Mã cho biết, sau khi bàn giao đất thực hiện dự án mở rộng đường Kim Mã, gia đình còn lại hơn mười m2 đất, gia đình chị cải tạo thành nhà một tầng cho thuê kinh doanh. Ðây là nguồn thu nhập chính của gia đình chị, nên khi bị thu hồi đất sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống. Gia đình cũng được chính quyền vận động thỏa thuận với hộ liền kề để hợp khối, nhưng hai bên không thống nhất về mức giá. Vì vậy, gia đình đành chờ đợi phương án xử lý của quận đưa ra...

Theo đồng chí Nguyễn Thế Công, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Ðình, xử lý nhà SMSM là công việc khó khăn, phức tạp, vì những mảnh đất ở mặt tiền các tuyến đường mới mở, tuy diện tích nhỏ, nhưng khả năng sinh lợi rất lớn. Ðối với nhiều gia đình, việc kinh doanh hoặc cho thuê những ngôi nhà này là khoản thu nhập chính, nuôi sống cả gia đình, cho nên việc thu hồi cũng như thuyết phục họ chuyển nhượng, hợp khối ngôi nhà là vô cùng khó khăn. Hơn nữa, sự chênh lệch giữa mức giá đền bù theo quy định của thành phố với giá thị trường hay giữa hai gia đình khi thỏa thuận hợp khối... là những vấn đề nan giải trong quá trình xử lý nhà SMSM. Việc xử lý nhà SMSM đòi hỏi cần thấu tình đạt lý, bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người dân, bảo đảm sau khi thu hồi, chỉnh trang đường phố phải đẹp hơn. Qua rà soát, thống kê hiện trạng sử dụng đất, UBND quận đồng ý cho 15 trường hợp tự thỏa thuận hợp khối công trình; cải tạo kỹ thuật kết hợp chỉnh trang kiến trúc (hạ độ cao xuống hai tầng) đối với tám trường hợp; thu hồi sử dụng vào mục đích công cộng 52 trường hợp; hai trường hợp thu hồi theo dự án mới và sáu trường hợp hình thành sau ngày 15-3-2011 thuộc dự án mở đường Văn Cao - Hồ Tây đang thực hiện.

Một số trường hợp sau thu hồi đất SMSM đã được lập phương án xây dựng các công trình phục vụ các mục đích công cộng, như: mở rộng hè phố, làm bảng tin, làm trụ sở dân phòng, đặt máy ATM, mở rộng ngõ đi, làm điểm trông giữ xe... Theo kế hoạch, trong tháng 9, UBND các phường công bố phương án xử lý đối với từng trường hợp và cùng các tổ chức đoàn thể tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận, nghiêm chỉnh thực hiện. Trong tháng 10, các phường báo cáo UBND quận những trường hợp không thực hiện hợp khối, cải tạo kỹ thuật để thu hồi theo tiến độ quy định. Quận chuẩn bị khoản kinh phí hơn 77 tỷ đồng và 56 căn hộ, để đền bù GPMB và bố trí tái định cư cho các trường hợp có nhà, đất SMSM bị thu hồi.

Còn tại quận Ðống Ða, trong tổng số 73 trường hợp nhà, đất SMSM, có 23 trường hợp người dân tự thỏa thuận hợp khối công trình, 50 trường hợp buộc phải thu hồi. Quận phấn đấu từ nay đến tháng 10 sẽ xử lý xong những trường hợp hợp khối. Quận đang giao UBND các phường lập dự án đầu tư, sau đó sẽ đề nghị thành phố ra quyết định thu hồi. Vấn đề đang làm các cấp chính quyền và ngành chức năng của quận "đau đầu" đó là việc lập phương án sử dụng phần đất SMSM bị thu hồi như thế nào cho hiệu quả. Lãnh đạo quận Ðống Ða cho biết: Nhiều mảnh đất diện tích nhỏ hẹp, quận không biết bố trí để làm gì, không thể làm điểm trông giữ xe vì diện tích không đủ để dựng một chiếc xe máy, mà để làm các bảng tin cũng không được, vì không thể bố trí mấy chục bảng tin trên một tuyến đường. Nếu chỉ cải tạo khu vực đó thành hè đường thì bộ mặt đô thị của tuyến đường sẽ bị lồi lõm hình răng lược, trông rất xấu...

Xử lý nhà, đất SMSM là công việc khó khăn, phức tạp. Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố quán triệt các ngành chức năng và chính quyền các quận, huyện dù khó đến mấy, cũng phải tìm cách tháo gỡ. Theo kế hoạch, việc xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo trên địa bàn thành phố phải hoàn thành dứt điểm trong tháng 10. Thời gian tới, các ngành chức năng và chính quyền các quận, huyện cần tập trung tháo gỡ các khó khăn, bất cập trong việc xử lý nhà, đất SMSM, bảo đảm tiến độ công việc, lập lại trật tự trong lĩnh vực quản lý quy hoạch xây dựng, góp phần làm đẹp bộ mặt đô thị của Thủ đô.

Theo Nguyễn Minh (Nhân dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.