Sau khi việc mua bán nhà ở dành cho người có thu nhập thấp bị phát hiện, các cơ quan chức năng mới vào cuộc. Đáng tiếc là, động thái này chỉ có tác dụng “chữa cháy”.


Dự án CT1 Ngô Thì Nhậm (Hà Đông, Hà Nội) thu hút sự quan tâm của nhiều người có thu nhập thấp. Ảnh: Hà Quang

Từ giữa tháng 3/2011, trên mạng Internet, sàn giao dịch, đã xuất hiện hành vi rao bán các căn hộ dành cho người thu nhập thấp CT1 Ngô Thì Nhậm (quận Hà Đông, Hà Nội), do Công ty cổ phần Bê tông Vinaconex Xuân Mai làm chủ đầu tư. Những căn hộ này được rao bán với mức chênh lệch giá tới 500 - 700 triệu đồng/căn.

Sau khi sự việc xảy ra, Thành ủy Hà Nội đã có công văn yêu cầu UBND TP. Hà Nội kiểm tra ngay việc thực hiện chủ trương bán nhà dành cho người thu nhập thấp. Theo đó, nếu phát hiện trường hợp mua bán sai quy định, phải kiên quyết thu hồi. Đồng thời, có biện pháp ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân lợi dụng, có hành vi tiếp tay, làm sai chủ trương của Thành phố. Kết quả kiểm tra báo cáo Thường trực Thành ủy trước ngày 15/4/2011.

Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã đề nghị Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an Hà Nội điều tra xử lý.

Còn đơn vị chủ quản là Bộ Xây dựng tuy chậm, nhưng cũng có văn bản đề nghị UBND TP. Hà Nội tổ chức kiểm tra các trang web, sàn giao dịch bất động sản, cá nhân đã đăng tin hoặc rao bán lại các căn hộ thu nhập thấp CT1 Ngô Thì Nhậm và nếu phát hiện có người đã ký hợp đồng mua căn hộ thu nhập thấp nay rao bán lại thì cần thu hồi căn hộ ngay.

Tuy nhiên, những động thái trên cũng chỉ là biện pháp mang tính tình thế. Về lâu dài, những quy định về quản lý, sử dụng, chuyển nhượng nhà ở xã hội phải được “luật hoá”.

Nhà ở dành cho người thu nhập là loại hình phát triển nhà ở mà Nhà nước dành để hỗ trợ cho người có thu nhập thấp có khó khăn về nhà ở. Cũng vì lẽ đó, doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp được hưởng các ưu đãi đặc biệt, như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn tiền sử dụng đất, được tăng tỷ lệ và mật độ xây dựng, được vay vốn ưu đãi… Trong khi đó, cơ chế chính sách để phát triển loại hình nhà ở hiện chưa hoàn thiện và chỉ nằm rải rác ở các văn bản khác nhau, như Nghị định 71/2010/NĐ-CP ngày 23/6/2010 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, hay Quyết định số 34/2010/QĐ-UBND do UBND TP. Hà Nội ban hành quy định việc bán, cho thuê, cho thuê mua và quản lý sử dụng nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị.

Sở dĩ xuất hiện hành vi trục lợi nhà giá thấp là do chưa “luật hóa” các quy định trên thành một văn bản riêng để điều chỉnh toàn bộ cơ chế, chính sách về phát triển, quản lý cũng như các chế tài, hình phạt xử lý chủ đầu tư, đối tượng trục lợi nhà ở xã hội.

Chính vì vậy, cần nhanh chóng khắc phục bất cập này để đưa loại hình nhà ở xã hội đi vào quỹ đạo, đúng định hướng, tạo tiền đề để chương trình phát triển nhà giá thấp trở thành loại hình nhà ở chủ đạo trong tương lai như “Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030” mà Bộ Xây dựng đang xây dựng.

Cafeland.vn - Theo Đầu Tư
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland