23/10/2020 3:41 PM
Từ châu Mỹ sang châu Âu, châu Á… đều ghi nhận xu hướng tăng giá bất động sản, bất chấp bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu do Covid-19.

Giá nhà và giao dịch đều… tăng

Theo The Economist, kinh tế thế giới đang rơi vào thời kỳ suy thoái sâu nhất kể từ cuộc khủng hoảng những năm 1930. Thông thường, giá bất động sản sẽ giảm theo, ít nhất 10% nhưng bối cảnh hiện tại lại ghi nhận xu hướng “leo dốc” bất ngờ của giá nhà tại các châu lục.

Mỹ, Canada, Đức, Anh, Trung Quốc, Hàn Quốc đến Việt Nam… từ châu Âu, châu Á đến châu Mỹ - giá bất động sản vẫn tiếp tục tăng. Phát biểu trên CNBC, chuyên gia tài chính Sean Darby, Trưởng bộ phận chiến lược toàn cầu tại Jefferies đánh giá, giá nhà tăng đang đóng vai trò hậu thuẫn rất lớn với các nhà hoạch định chính sách: “Hệ thống ngân hàng nhờ vậy ít bị ảnh hưởng do giảm phát tài sản", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Giá bất động sản vẫn tiếp tục tăng.

Cụ thể, tờ The Guardian dẫn số liệu từ Hiệp hội xây dựng Anh cho biết, giá nhà ở nước này đã tăng 5% trong tháng 9/2020, mức cao nhất kể từ sau cuộc bỏ phiếu Brexit vào năm 2016. Giá bất động sản trung bình ở London đã đạt mức cao kỷ lục là gần 481.000 bảng, cao hơn 57% so với mức năm 2007 - ngay trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Đắt đỏ là vậy nhưng số lượng nhà ở giao dịch thành công tại xứ sở sương mù trong tháng 8 vừa qua cao hơn 76% so với mức trung bình 5 năm. Giá nhà tại Đức tháng 8/2020 thậm chí còn tăng tới 11% so với cùng kỳ.

Ở Mỹ, tốc độ tăng giá trung bình trên mỗi foot vuông trong quý II/2020 nhanh hơn bất kỳ quý nào trước cuộc khủng hoảng tài chính hơn 10 năm trước. Còn tại Toronto (Canada), nơi có trung tâm tài chính lớn thứ hai ở Bắc Mỹ sau New York, giá nhà biệt lập tăng 13% trong năm.

Tại Trung Quốc, doanh số bán bất động sản cơ bản ở nước này đã tăng đột biến trong 6 tháng đầu tiên sau khi Covid-19 xuất hiện. Sean Darby cho rằng, thị trường bất động sản đang trở thành "vật cách nhiệt" cho nền kinh tế Trung Quốc - động lực chính trong sự phục hồi của nền kinh tế số hai thế giới.

Ở Hàn Quốc, tờ Foreign Policy nhận định, Tổng thống Moon Jae-in đang phải đối mặt giá nhà tăng sốc “còn nan giải hơn cả vấn đề Triều Tiên”. Kể từ năm 2017, giá nhà trung bình ở Seoul đã tăng 50%, tốc độ nhanh nhất thế giới.

Theo báo cáo của UBS Group AG, bất động sản tăng giá là thực trạng chung của rất nhiều các thành phố lớn trên thế giới như: New York, Munich, Sydney, Frankfurt, Hồng Kông, Paris, Amsterdam, Zurich Los Angeles, San Francisco, Stockholm, Geneva, Tel Aviv, Israel, Moscow…

Công thức đầu tư bất động sản mùa dịch

Việc đảo chiều tăng giá bất động sản giữa bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế có thể gợi mở kênh đầu tư an toàn trong thời điểm hiện tại. Ngay cả khi Covid-19 kết thúc, thị trường cũng khó đảo chiều. Nguyên nhân là do khủng hoảng kinh tế đang khiến việc đầu tư bị chậm lại, dẫn đến sự thiếu hụt nguồn cung. Tại Mỹ, hoạt động xây dựng nhà đã giảm 17% do Covid-19. Kinh nghiệm từ cuộc suy thoái trước đây cho thấy, ngay cả khi nền kinh tế phục hồi, hoạt động xây dựng vẫn chưa thể bắt kịp.

Điều đó đồng nghĩa, nguồn cung bất động sản ở nhiều nước sẽ trở nên khan hiếm, kéo theo giá nhà đất sẽ có xu hướng đi lên thêm nữa, tờ The Economist cho hay.

“Mua sớm để lợi lớn” là lời khuyên được nhiều chuyên gia gợi ý cho đầu tư bất động sản ở thời điểm hiện tại. Tờ Foreign Policy dẫn lại câu chuyện kinh điển về đầu tư bất động sản ở Seoul, Hàn Quốc để nói về kênh đầu tư đang rất được quan tâm này. Khi nền kinh tế nước này bắt đầu phát triển bùng nổ, năm 1977, một chung cư rộng 1.000 foot vuông ở Apgujeong-dong, nằm ở trung tâm Gangnam, có giá khoảng 14.000 USD. Đến năm 2020, cùng diện tích như vậy có giá hơn 2 triệu USD, tăng 143 lần, tương đương 330% lợi tức hàng năm trong 43 năm.

“Lợi nhuận lớn lý giải vì sao 85% tài sản của các hộ gia đình tại Hàn Quốc đều không phải tiền mặt hay cổ phiếu, mà chủ yếu là đầu tư bất động sản”, Foreign Policy viết.

Tờ Foreign Policy rút ra ba công thức để đầu tư bất động sản thành công tại Hàn Quốc: Một là vị trí trung tâm hoặc có thể đi lại thuận tiện bằng phương tiện công cộng, hai là đầu tư vào chỗ có nhiều người giàu và ba là các khu đô thị phức hợp, có căn cứ pháp lý rõ ràng.

Công thức này được xem phù hợp với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Giá nhà ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM tiếp tục tăng trong quý III/2020. Tại Hà Nội, so với quý trước giá tăng từ 3 - 5%, thậm chí tại TP.Hồ Chí Minh mức giá tăng từ 15 - 20%. Trong đó, giới đầu tư cũng dồn tiền về những siêu đô thị đồng bộ tiện ích ở các trung tâm mới của hai đầu tàu kinh tế đất nước, trở thành kênh đầu tư an toàn trong mùa dịch.

T.T (Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.