07/10/2020 3:08 PM
Việt Nam là quốc gia có chỉ số biển cao gấp sáu lần chỉ số biển trung bình toàn cầu. Biển đóng vai trò quan trọng trong đời sống của cư dân và phát triển kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, so sánh với nhiều quốc gia ven biển khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương thì nền kinh tế biển của Việt Nam còn nhỏ bé.

Đã đến lúc chúng ta cần có những tư duy đổi mới đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế biển, trong đó có vai trò của đô thị hoá khu vực ven biển và các đô thị biển Việt Nam.

Đà Nẵng nhìn từ trên cao... Ảnh: NLĐ

Sự hình thành các điểm định cư đô thị - nông thôn vùng ven biển

Theo các tài liệu khảo cổ và lịch sử, người Việt từ lâu đã lựa chọn hình thức định cư gắn với biển trên các đồng bằng châu thổ hay đồng bằng ven biển. Nhưng bởi tổ tiên của người Việt là những cư dân trồng lúa nước, nên dù tiến ra biển họ vẫn coi trọng trồng trọt và hình thành các làng nông hoặc làng TTCN.

ThS-KTS. Phạm Thị Nhâm.

Chính sách của Nhà nước phong kiến trước đây thường “trọng nông ức thương, bế quan toả cảng”, nên các vùng đồng bằng thường được “quai đê lấn biển” để tạo thêm nhiều đất đai làm nông nghiệp. Các đô thị trung tâm giao thương chủ yếu nằm bên trong đất liền. Việc giao thương chủ yếu trong nội vùng bằng giao thông thuỷ và bến cảng nhỏ trên các sông kênh rạch dày đặc trong vùng đồng bằng.

Các khu đất tiếp giáp với biển hay trên đảo có dân cư thưa thớt, điểm xuyết bởi một vài làng cá nhỏ. Nghề chính của ngư dân là đánh bắt cá gần bờ, nuôi trồng thuỷ hải sản hoặc làm muối, nước mắm, nên cuộc sống nhìn chung rất nghèo khó.

Trong quá khứ, một số cảng biển cổ gắn với những đô thị thương mại sầm uất một thời như Hội An, Vân Đồn do người ngoại quốc thành lập. Đến khi bối cảnh thay đổi thương nhân ngoại quốc đi khỏi, các đô thị thương cảng biển này tàn lụt hẳn và cư dân bản địa đã không duy trì phát triển tiếp nối các mối quan hệ giao thương buôn bán trên các tuyến hàng hải nữa.

Đến cuối thế kỷ 19, người Pháp đến khai thác thuộc địa đã xây dựng một loạt nhà máy điện, nhà máy nước nên thúc đẩy quá trình đô thị hoá ở vùng đồng bằng ven biển. Nhiều đô thị biển hình thành, như: Hồng Gai, Hải Phòng, Đà Nẵng, Đồng Hới, Nha Trang, Quy Nhơn, Phan Thiết, Vũng Tàu, v.v..

Bản đồ biến đổi mật độ dân cư giai đoạn 1996 - 2017. Nguồn WB

Sau khi thống nhất đất nước, nhất là thời kỳ sau đổi mới, dân số ở các vùng đồng bằng ven biển tăng lên nhanh chóng, thể hiện trong các bản đồ biến đổi mật độ dân cư giai đoạn 1996 - 2017 trên toàn lãnh thổ (tham khảo hình trên). Các điểm định cư nông thôn ven biển được mở rộng thêm để đáp ứng dân số đông hơn. Nhiều đô thị cũ được nâng cấp mở rộng, nhiều đô thị mới được hình thành và khá sầm uất.

Ngày nay đô thị biển không chỉ nhằm khai thác tiềm năng kinh tế biển, mà còn là cách thức thể hiện vị thế quốc gia trên biển Thái Bình Dương và bảo vệ chủ quyền đất nước.

Vùng đô thị hoá ven biển Việt Nam: tiềm năng cần được "đánh thức"

Vùng đô thị hoá ven biển đang diễn ra quá trình đô thị hoá nhanh chóng từ khi đổi mới. Miền Bắc và miền Nam đang dần hình thành hai vùng đô thị hoá ở đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và đồng bằng Đông Nam Bộ (ĐNB). Còn miền Trung và một phần vùng ĐBSCL bắt đầu lộ diện những dải đô thị hoá ven biển là: Thanh Hoá, Vinh, Huế - Đà Nẵng - Hội An, Tam Kỳ - Quảng Ngãi, Quy Nhơn/Bình Định, Tuy Hoà/Phú Yên, Nha Trang - Cam Ranh, Ninh Thuận, Phan Thiết, Rạnh Giá - Hà Tiên.

Cấu trúc vùng đô thị hoá gồm các đô thị hạt nhân tăng trưởng và các vùng nông thôn xung quanh đang trong tiến trình đô thị hoá cung cấp các dịch vụ hậu cần cho đô thị hạt nhân. Các điểm định cư đô thị nông thôn nằm trên đường bờ biển là cánh tay nối dài của các đô thị hạt nhân trong vùng đồng bằng, quy mô đô thị hạt nhân phản ánh năng lực kinh tế vùng đô thị đô thị hoá.

So với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, vùng đô thị hoá ven biển của ta nhỏ bé hơn nhiều, do xa đường hàng hải quốc tế và đang tích tụ dân số cũng như tiềm lực kinh tế. Bản đồ dưới đây phản ảnh bức tranh tổng thể về vùng đô thị hoá ven biển các quốc gia châu Á. Vùng đô thị hoá ven biển quy mô lớn lên đến hàng trăm triệu người dẫn đầu là các quốc gia Bắc Á, rồi đến Tây Á và sau cùng là Đông Nam Á đang còn rất khiêm tốn.

Bản đồ dân số đô thị giai đoạn 1950 - 2015, dự kiến đến 2050, qua đó thể hiện phân bố vùng đô thị hoá ven biển khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Vùng đô thị hoá ĐBSH, ĐNB và dải đô thị hoá miền Trung sau hơn 30 năm đổi mới đang hấp thu dòng vốn, hàng hoá, thông tin trên chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, các vùng đô thị hoá nước ta vẫn còn là tiềm năng, chưa thực sự phát huy lợi thế và cơ hội để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu trên biển Thái Bình Dương. Chúng ta chưa thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng này, bởi còn thiếu các điều kiện căn bản, như: các bến cảng vẫn chỉ là cảng sông pha biển quy mô nhỏ bé, không có nền công nghiệp đóng tài, công nghiệp dịch vụ hàng hải, nguồn nhân lực và đào tạo nghề cung ứng cho công nghiệp, thương mại biển còn rất hạn chế.

Trong những năm tới đây, khi đường cao tốc Bắc - Nam liên thông hai vùng đô thị hoá ven biển ĐBSH - ĐNB và các dải đô thị hoá ven biển miền Trung sẽ thúc đẩy nền kinh tế biển nước ta hình thành các đô thị biển quy mô tương xứng với tiềm năng mỗi khu vực.

Trong đó, vùng đô thị hoá ven biển ĐBSH có lợi thế về nguồn nhân lực dồi dào, được qua đào tạo; có cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) mới khánh thành năm 2018. Đô thị cảng cửa ngõ Hải Phòng phát triển phụ thuộc vào vùng hậu phương. Mặc dù xa đường hàng hải quốc tế nhưng cảng Hải Phòng có vùng hậu phương rộng lớn, nên vẫn có thể phát huy hiệu quả làm dịch vụ vận tải hàng hoá không chỉ khu vực Bắc Việt Nam mà cả Tây Nam Trung Quốc và Bắc Lào.

Chiến lược “một vành đai, hai hành lang” đem lại lợi ích cho vùng đô thị ven biển ĐBSH nhiều hơn. Nhưng vùng chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi hệ thống giao thông kết nối liên vùng hoàn thiện. Tuy nhiên đến nay, các tuyến cao tốc ven biển, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và hệ thống cảng nội vùng chưa hình thành.

Trong khi đó, vùng đô thị hoá ven biển ĐNB có TP.HCM nằm trong mạng lưới đô thị toàn cầu tiếp cận trực tiếp với biển, có hệ thống cảng nước sâu Thị Vải - Cái Mép gần đường hàng hải quốc tế, có diện tích đất đai rộng lớn thuận lợi tăng trưởng đô thị hoá có thể vươn từ biển vào sâu trong đất liền đến tận biên giới Campuchia và phía Nam Tây Nguyên. Vùng này cũng có nguồn lực lao động dồi dào, sẵn sàng chuyển đổi từ công nghiệp hoá cấp độ trung bình sang cấp độ cao hơn mang tính sáng tạo và áp dụng công nghệ số, có vùng hậu phương Tây Nguyên và ĐBSCL cung cấp nhiều nguồn liệu nông nghiệp phong phú.

Đã đến lúc chúng ta cần có những tư duy đổi mới đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế biển, trong đó có vai trò của đô thị hoá khu vực ven biển và các đô thị biển Việt Nam. Ảnh tư liệu: vietship

Điểm yếu của vùng này là tính cát cứ địa phương giữa TP.HCM với các tỉnh trong vùng, thiếu sự chia sẻ hợp tác liên vùng để kết nối các đô thị bằng hệ thống hạ tầng diện rộng, chưa kết nối tốt cảng nước sâu Thị Vải với các đô thị; các tài nguyên đang được khai thác và có dấu hiệu tăng quá mức, phát triển dàn trải, lấn biển công nghệ thấp, chặn các cửa sông, xâm lấn hành lang thoát lũ và đa dạng sinh thái...

Các dải đô thị hoá ven biển miền Trung có tiềm năng tự nhiên thuận lợi cho du lịch cao cấp và cảng nước sâu. Miền Trung vừa qua đã phát huy lợi thế về du lịch biển. Nhiều đô thị biển miền Trung đã tạo dựng được thương hiệu trên bản đồ du lịch thế giới như Đà Nẵng - Hội An, Nha Trang và du lịch đã làm tăng mức sống của dân cư vùng biển.

Dải đô thị hoá ven biển miền Trung với cấu trúc chuỗi đô thị biển, có thành phố Đà Nẵng phát triển nổi bật tạo động lực cho Trung bộ. Đà Nẵng cùng với các đô thị lớn dọc biển như Thanh Hóa, Vinh, Huế, Hội An, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Nha Trang hình thành liên kết Bắc - Nam làm điểm tựa để vùng Tây Nguyên vươn ra biển.

Tiềm năng của miền Trung sẽ phát huy hơn khi kết nối được với Tây Nguyên và hành lang kinh tế Đông Tây nối liền cửa khẩu với cửa biển. Hệ thống cảng biển nước sâu như Nghi Sơn (Thanh Hoá), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Hòn La (Quảng Bình), Chân Mây (Thừa Thiên Huế), Chu Lai (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi), Nhơn Hội (Bình Định), Vũng Rô (Phú Yên), Vân Phong (Khánh Hoà) dự kiến phát triển từ hàng chục năm trước với hàng loạt khu kinh tế ven biển được Nhà nước ban hành nhiều ưu đãi, đã bị thất bại khi tập đoàn Vinasin phá sản.

Mặt khác, việc kết nối Đông - Tây theo Chương trình hợp tác kinh tế Tiểu vùng sông Mekong mở rộng tỏ ra chưa tiến triển nhiều, vì nhiều quốc gia nghèo và thể chế chính trị các nước trong khu vực chưa thống nhất để thông thương qua cửa khẩu phía Tây Việt Nam. Nên chuỗi cung ứng thương mại logistics thông thương hàng hoá các nước trong Tiểu vùng sông Mekong với biển Đông qua các đô thị biển miền Trung Việt Nam bị gián đoạn.

Đặc thù đô thị biển, đảo

Bằng nhiều nguồn tài liệu thứ cấp cho thấy cả nước ta có 28 đơn vị hành chính cấp tỉnh có đường bờ biển, ngoại trừ tỉnh Ninh Bình không có đô thị biển, còn lại các tỉnh/thành phố khác đều có. Đô thị có ranh giới hành chính giáp biển có gần 60 đô thị, chiếm khoảng 8% số lượng đô thị cả nước [3], với dân số khoảng 19 triệu người và diện tích 56.048 km2, mật độ dân số gần 340 người/km2. Trong gần 60 đô thị biển đảo, có cả đô thị loại đặc biệt, loại 1,2,3,4,5.

Cả nước ta có khoảng 800 đô thị, đô thị vùng ven biển có khoảng 350 đô thị chiếm 66% dân số đô thị. Bản đồ phân bố hệ thống đô thị biển Việt Nam (nguồn VIUP).

Khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng: vùng núi Đông Bắc vươn ra biển Đông và cánh cung Đông Triều cùng lưu vực sông Thái Bình tạo nên quần thể vịnh Hạ Long và Bái Tử Long trên biển. Đường bờ biển chạy sát chân núi nên quỹ đất xây dựng hạn hẹp và chuỗi các đô thị bám dọc QL18 phải lấn biển mới đủ đất cho việc hình thành điểm dân cư đô thị. Văn hoá đô thị Quảng Ninh và Hải Phòng chịu ảnh hưởng của văn hoá Cái Bèo, Cái Bầu (chỉ còn sót lại ở Cát Bà và Vân Đồn). Hiện vẫn còn dấu vết còn xót lại của những khu định cư biển ở Vân Đồn, Tiên Lãng, Đầm Hà; Hải Phòng, Hồng Gai.

Các đô thị biển tỉnh Quảng Ninh có thành phố Móng Cái, thị trấn Hải Hà và Đầm Hà, thành phố Cẩm Phả, Hạ Long, thị xã Quảng Yên và đô thị đảo là thị trấn Cái Rồng (huyện Vân Đồn), thị trấn Cô Tô. Đô thị biển Hải Phòng có trung tâm đô thị Hải Phòng, Đồ Sơn, Cát Hải; đô thị đảo là thị trấn Cát Bà, huyện đảo Bạch Long Vỹ.

Trong khoảng 10 năm gần đây, đô thị biển Hải Phòng, Quảng Ninh phát triển mạnh liên kết thành chuỗi theo QL18 và QL5 nối với vùng thủ đô Hà Nội và vùng trung du Bắc Bộ tạo nên vùng đô thị hoá ven biển tiềm năng ở khu vực Bắc Bộ.

Một góc thị trấn Cái Rồng, Vân Đồn. Ảnh: Zing

Khu vực Nam ĐBSH: gồm ba tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình. Đường bờ biển giao thoa giữa châu thổ sông Hồng và biển Đông, là biển nông có nhiều đầm lầy phù sa, rừng phòng hộ biển và khu bảo tồn thiên nhiên. Ở đây đất đai thấp trũng, nhiễm mặn nên chỉ có hai thị trấn nhỏ (đô thị loại V, quy mô cấp xã) và chủ yếu vận hành theo cơ chế hành chính là thị trấn Diêm Điền (huyện Diêm Điền, tỉnh Thái Bình) và thị trấn Rạng Đông (huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định)

Khu vực Bắc Trung bộ: gồm các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế: Chuỗi các đồng bằng ven biển tiếp nối nhau từ vịnh Bắc bộ đến đèo Hải Vân, càng về phía Nam ảnh hưởng của phù sa ra biển giảm dần, nên dài ven biển có nhiều cát trắng hơn. Vùng Bắc Trung bộ đã hình thành chuỗi đô thị biển quy mô nhỏ như: thành phố Sầm Sơn (Thanh Hoá); hai thị xã Hoàn Mai và Cửa Lò (Nghệ An), thị trấn Thiên Cầm (Hà Tĩnh), thành phố Đồng Hới (Quảng Bình), thị trấn Cửa Tùng (Quảng Trị); thị xã Thuận An và thị trấn Lăng Cô (Thừa Thiên Huế).

Khu vực Nam Trung bộ: gồm thành phố Đà Nẵng, các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận chịu ảnh hưởng của nền văn hoá Sa Huỳnh. Chuỗi đồng bằng nhỏ hẹp, bờ biển là nơi giao thoa của biển và núi, bãi cát trắng đẹp, cảnh quan đa dạng nhiều vũng, vịnh, đầm phá và hải sản phong phú.

Khu vực Nam Trung Bộ hình thành được chuỗi đô thị biển quy mô lớn hơn so với Bắc Trung bộ, như: thành phố Đà Nẵng; thị xã Điện Bàn, thành phố Hội An, Tam Kỳ; thành phố Quảng Ngãi; thị xã Hoài Nhơn, thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định); thị xã sông Cầu, thành phố Tuy Hoà, thị trấn Hiệp Hoà Trung (tỉnh Phú Yên); thị trấn Vạn Giã, thị xã Ninh Hoà, thành phố Nha Trang và Cam Ranh (tỉnh Khánh Hoà); thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận); thành phố Phan Thiết, thị trấn Phan Rí Cửa, thị xã La Gi (tỉnh Bình Thuận).

Bến cảng 5 vạn tấn được THACO đầu tư xây dựng với tổng vốn đầu tư là 2.600 tỷ đồng ở Khu Kinh tế mở Chu Lai. Ảnh: T.Dũng

Khu vực Đông Nam bộ: gồm Vũng Tàu và TP.HCM nằm trong lưu vực sông Đồng Nai đổ ra biển. TP.HCM là đô thị lớn bậc nhất cả nước, thành phố trong mạng lưới đô thị toàn cầu. Đô thị biển TP.HCM có thị trấn Cần Giờ. Ngoài ra có thị trấn Phước Hải, Long Hải, thành phố Vũng Tàu, thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Khu vực ĐBSCL: gồm các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang. Là hạ lưu sông Mekong - một trong 12 sông lớn của thế giới. Bờ biển vùng ĐBSCL phía Nam giống ĐBSH vùng đa dạng sinh học, rừng phòng hộ. Cư dân tập trung ở khu vực đồng bằng khai thác trồng lúa nước. Đô thị biển quy mô nhỏ chức năng hành chính, như thị trấn Vàm Láng (tỉnh Tiền Giang), huyện Bình Đại (tỉnh Bến Tre); thị xã Duyên Hải, thị trấn Mỹ Long (tỉnh Trà Vinh); thị trấn Trần Đề, thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng); thành phố Bạc Liêu, thị trấn Gành Hào (tỉnh Bạc Liêu); thị trấn Rạch Gốc, Cái Đôi Vàm, Sông Đốc (tỉnh Cà Mau); thành phố Hà Tiên, Rạch Giá, các thị trấn Sóc Sơn, Kiên Lương, thị trấn đảo Dương Đông và An Thới (Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang).

Phân loại đô thị biển theo chức năng, đô thị biển đảo có bốn loại chức năng cơ bản là: đô thị tổng hợp, đô thị hành chính, đô thị du lịch và đô thị công nghiệp - cảng.

Đô thị biển có chức năng tổng hợp, thường là các đô thị lớn cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh, vừa có chức năng cảng, công nghiệp, thương mại, du lịch và hành chính như TP. HCM, Hải Phòng, Vũng Tàu, Quy Nhơn, Đà Nẵng,

Đô thị du lịch biển là Hạ Long, Nha Trang, Hội An, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Cát Bà, Dương Đông và An Thới (Phú Quốc), Đồng Hới, Cửa Tùng, Cửa Lò. Đô thị du lịch biển thường lựa chọn ở vị trí có cảnh quan đẹp, cao ráo và an toàn để phát triển. Hình thái không gian đô thị biển đều có xu hướng tiến ra biển, rồi kéo dài dọc theo bờ biển.

Tỉnh Kiên Giang đã gửi tờ trình Chính phủ về việc thành lập thành phố Phú Quốc với diện tích hơn 575 km2, dân số 177.540 người. Ảnh: Vnexpress

Đô thị cảng biển - công nghiệp là Hải Phòng, Phú Mỹ, Cẩm Phả, Quảng Yên. Tương lai, các khu kinh tế biển sẽ phát triển thành đô thị cảng công nghiệp. Đô thị hành chính biển, hầu hết là các thị trấn/đô thị loại V đảm nhận vai trò trung tâm hành chính huyện lỵ, ít có liên kết và khai thác tiềm năng biển.

Về hình thái không gian đô thị biển, cấu trúc đô thị gồm ba khu vực là trung tâm đô thị, khu vực nội thị/nội thành và ngoại thị/ngoại thành. Một số đô thị có khu vực nội thị/nội thành giáp biển và trung tâm đô thị hướng ra biển hình thành các phố biển, như: Hạ Long, Cẩm Phả, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Phan Rang - Tháp Chàm, Phan Thiết, Vũng Tàu. Một số đô thị có khu vực nội thị/nội thành giáp biển nhưng trung tâm đô thị không hướng ra biển; ví dụ: Hải Phòng, Quảng Yên. Đa số các đô thị phần nội thị/nội thành nằm trong đất liền như Móng Cái, TP.HCM.

Xu hướng phát triển đô thị trong tương lai lựa chọn khu vực giáp biển. Xây dựng các trung tâm đô thị mới gắn với hệ thống cảng và nền kinh tế hàng hải. Tạo dựng môi trường sống có trách nhiệm với nước, từ đó hình thành văn hoá đô thị biển Việt Nam văn minh, hiện đại.

Để phát triển đô thị biển trong giai đoạn tới

Biển Đông sở hữu một nguồn tài nguyên to lớn (hải sản, dầu khí, giao thông vận tải biển và du lịch...), là nguồn sống của hàng trăm triệu dân xung quanh nó. Nhiều quốc gia xung quanh Biển Đông như Hàn Quốc, Hongkong, Singapore, Đài Loan đã tranh thủ lợi thế của biển để trở thành các “con rồng châu Á”.

Chúng ta có chiều dài biển trên 3260km, diện tích vùng lãnh hải thuộc chủ quyền rộng lớn, tạo nên lợi thế địa - kinh tế - chính trị đặc biệt quan trọng. Động lực kinh tế phát triển đô thị biển trước đây mới chỉ dựa vào nguồn lợi hải sản, dầu khí để phát triển công nghiệp - dịch vụ và khai thác chế biến dưới dạng thức sơ cấp; hoặc khai thác tài nguyên thiên nhiên cảnh quan cho du lịch nghỉ dưỡng chất lượng chưa cao nên nhiều nơi đã ảnh hưởng đến môi trường đa dạng sinh thái vùng cửa sông, ven biển.

Sở hữu địa thế đắt giá bao gồm núi, biển cùng rất nhiều danh thắng đẹp, Đà Nẵng hiện là điểm đến du lịch nổi tiếng tại Việt Nam và được đánh giá là một trong những thành phố đáng sống bậc nhất châu Á. Ảnh: Nguyễn Minh Tú

Đột phá mới trong tư duy phát triển kinh tế biển là tranh thủ cơ hội của thời đại bùng nổ phát triển của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặt ra yêu cầu mới về mô hình tăng trưởng kinh tế các vùng đô thị hoá ven biển và mô hình đô thị biển của nước ta hiện nay nhằm khai thác hiệu quả mặt tiền Biển Đông. Cụ thể, cần liên kết chuỗi đô thị biển đảo thành hệ thống đô thị biển liên kết hợp tác và chia sẻ chức năng cảng - dịch vụ - công nghiệp - du lịch, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Để liên kết chuỗi đô thị biển hiệu quả, đòi hỏi nghiên cứu toàn đánh giá tiềm năng các vùng biển đảo, giải quyết các xung đột mâu thuẫn đang tồn tại hiện nay giữa các ngành.

Cần tập trung phát triển hai vùng đô thị hoá ven biển trọng điểm quốc gia là vùng ĐNB và ĐBSH đạt tầm vóc khu vực và quốc tế, cạnh tranh với các vùng đô thị lớn khu vực biển châu Á - Thái Bình Dương. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, đào tạo và ứng dụng công nghệ thai thác lợi thế vận tải biển, các tài nguyên nằm ẩn sâu dưới đại dương. Trong đó các đô thị có tiềm năng về cảng nước sâu quy mô lớn như Hải Phòng, TP.HCM, Vũng Tàu cần được đổi mới mô hình đô thị thúc đẩy nền kinh tế hàng hải, lĩnh dịch vụ - công nghiệp cảng, hình thành đầu mối giao thương quốc tế gắn với cảng nước sâu hoặc sân bay quốc tế ven biển.

Ngoài ra, cần tạo điều kiện doanh nghiệp tư nhân và sự tham gia của tầng lớp trí thức nghiên cứu khai thác sức mạnh biển Việt Nam phát triển hàng hải, thương mại và quốc phòng phù hợp với trình độ kinh tế xã hội đất nước cho mỗi giai đoạn. Tạo nên động lực xây dựng hệ thống đô thị du lịch biển - đảo.

Rà soát tổng thể cấu trúc không gian các đô thị biển - đảo, liên kết không gian núi - biển - đô thị tạo dựng lối sống đô thị văn minh gắn với nước; phát huy hiệu quả khai thác kinh tế biển và thích ứng với biến đổi khí hậu.

ThS-KTS. Phạm Thị Nhâm - Phó viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia.

Phạm Thị Nhâm (Người Đô Thị)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.