Đó là thông tin được bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao của Công ty CBRE Việt Nam, đưa ra tại cuộc hội thảo “Hội nghị bất động sản Việt Nam 2018 - Vietnam Real Estate Summit 2018” do trang batdongsan tổ chức tại TP.HCM.
Sự gia tăng nhu cầu mua đầu tư sẽ có tác động tiêu cực lên khả năng đạt tỷ suất lợi nhuận của thị trường cho thuê. Ảnh: Thuận Nguyễn
Theo bà Dung, nếu như năm 2017 nhu cầu mua đầu tư ở phân khúc cao cấp và hạng sang chiếm 50%, thì sang năm 2018 nhu cầu mua đầu tư chiếm đến 61%, khách hàng mua để ở chỉ chiếm 26% và đầu tư ngắn hạn tầm 13%. Trong khi năm 2017 con số này lần lượt là 35 và 15%.
Sự gia tăng nhu cầu mua đầu tư sẽ có tác động tiêu cực lên khả năng đạt tỷ suất lợi nhuận của thị trường cho thuê và từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến sức tiêu thụ nhà ở. Cụ thể, năm 2018 thị trường đón nhận 40.000 căn được hoàn tất vào giao cho khách hàng, có đến 60-70% các dự án này nằm ở phân khúc trung và cao cấp. Đặc biệt khoảng 60% trong dòng cao cấp là dùng để cho thuê, bà Dung nói.
Vị chuyên gia này cũng nói thêm rằng, bước vào năm 2018 những dự án kỳ vọng có mức lợi tức cho thuê cao như khu vực Thảo Điền (quận 2), thì hiện tỷ suất lợi nhuận cho thuê đang trên đà giảm vì cạnh tranh quá nhiều.
Cụ thể tại quận 2, khu vực có tỷ suất lợi nhuận cho thuê cao nhất ghi nhận giảm từ 7,5% xuống khoảng 6,5-6,7%; Bình Thạnh từ mức 6,8% hiện chỉ còn khoảng 5,5% vì nguồn cung quá nhiều.
Bên cạnh sự sụt giảm của lợi tức từ việc cho thuê căn hộ, năm 2018 cũng ghi nhận sự thay đổi trong nhu cầu mua nhà của khách hàng, rõ nét nhất là khách ngoại. Nếu năm 2017, Việt kiều là đối tượng người nước ngoài chính mua bất động sản Việt Nam thì năm 2018, 70% lượng khách nước ngoài mua nhà là nhà đầu tư Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ.
Dù vậy, nhìn trên tổng thể, 2018 vẫn tiếp tục là năm số lượng nguồn cung mới chào bán trên cả nước duy trì mức cao. Tính đến hết tháng 11/2018, TP.HCM có 32.000 căn chào bán, tăng 1.000 căn so với 2017. Tại thị trường Hà Nội có khoảng 33.000 căn hộ mới chào hàng, tăng gần 2.000 căn so với năm 2017.
Về triển vọng thị trường, năm 2019-2020 thị trường dự kiến đón nhận nguồn hàng nhiều hơn. Các dự án đã trì hoãn mở bán trong năm 2018, sang năm 2019 các chủ đầu tư sẽ chào bán khi hoàn tất thủ tục pháp lý.
Tuy nhiên, việc hạn chế cấp phép các dự án trong khu vực trung tâm hoặc các khu vực chưa có hạ tầng phát triển có thể làm ảnh hưởng đến các dự án đang trong quá trình xin hồ sơ.
Từ thực tế này, ông Trương Anh Tú, Giám đốc kinh doanh của Phúc Khang Group, cho rằng rất khó để dự báo con số nguồn cung bất động sản trong tương lai. Động thái này khiến nhiều dự án đang trong quá trình hoàn thiện cấp phép hay triển khai trong khu vực quá tải hạ tầng sẽ khó hoàn thành mọi thủ tục để đưa ra thị trường. Bên cạnh đó vẫn còn nhiều biến số khác sẽ tác động đến nguồn cung ở giai đoạn 2019-2020.
Giới chuyên môn cũng cho rằng, thị trường đã trải qua giai đoạn bùng nổ về quy mô và số lượng nên các chủ đầu tư cần chú trọng hơn đến chất lượng và sự khác biệt để tạo sự cạnh tranh.