06/06/2023 3:36 PM
Cuối năm 2022, Xi măng Xuân Thành có nợ phải trả là 16.372 tỷ đồng, bao gồm hơn 2.100 tỷ đồng dư nợ trái phiếu.

Mới đây, CTCP Xi măng Xuân Thành vừa có thông báo đính chính thông tin định kỳ về tình hình tài chính năm 2022. Theo đó, doanh nghiệp này báo lỗ hơn 30,6 tỷ đồng, trong khi năm trước vẫn có lãi 296 tỷ đồng. Con số này cao hơn so với mức lỗ 27 tỷ đồng mà doanh nghiệp này công bố trước đó.

Tại thời điểm cuối năm 2022, vốn chủ sở hữu của Xi măng Xuân Thành tăng thêm 9% lên mức 6.836 tỷ đồng. Nợ phải trả gấp 2,4 lần vốn chủ sở hữu, tương ứng tới mức 16.406 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trái phiếu chiếm 2.119 tỷ đồng, tương ứng 0,31 lần vốn chủ sở hữu.

Một số chỉ tiêu cơ bản trong năm 2022 của Xi măng Xuân Thành

Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Xi măng Xuân Thành đã thanh toán xong lãi trái phiếu năm 2022 cho lô hai trái phiếu XTCCH2136001 và XTCCH2136002.

Lô trái phiếu XTCCH2136001, XTCCH2136002 đều được phát hành thành 4 đợt với tổng giá trị theo mệnh giá phát hành lần lượt là 980 tỷ đồng và 1.160 tỷ đồng. Điểm chung của hai lô trái phiếu này đều có kỳ hạn 15 năm, cùng đáo hạn vào ngày 6/2/2036. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo và được bảo lãnh thanh toán, không phải nợ thứ cấp của công ty.

Lãi suất áp dụng cho 4 kỳ tính lãi đầu tiên tính từ ngày phát hành là 10,5%/năm. Sau đó, lãi suất sẽ bằng lãi suất tham chiếu (bình quân lãi suất huy động 2 năm của MBBank, TPBank) của kỳ tính lãi đó cộng với biên độ lãi suất (3,5%/năm hoặc tối thiểu 4,5%/năm). Trái phiếu được đảm bảo bằng toàn bộ tài sản, bất động sản gắn liền với đất liên quan đến dự án nói trên.

Nhà máy Xi măng Xuân Thành

Được biết, toàn bộ số tiền thu được từ đợt phát hành lô trái phiếu này được dùng để tài trợ chi phí xây dựng, lắp đặt và mua sắm máy móc, thiết bị dây chuyền sản xuất clinker thuộc dự án đầu tư xây dựng dây chuyền số 3 với công suất 4,5 triệu tấn/năm của nhà máy Xi măng Xuân Thành tại xã Thanh Nghị và xã Thanh Tân, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.

Theo tìm hiểu, CTCP Xi măng Xuân Thành được thành lập từ tháng 2/2012. Gần cuối tháng 11/2020, công ty tăng vốn điều lệ từ 4.517 tỷ đồng lên 6.168 tỷ đồng. Ông Nguyễn Xuân Thuỷ (sinh năm 1988) hiện đang là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc và người đại diện pháp luật của Xi măng Xuân Thành. Được biết, ông Thuỷ chính là em trai của ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy), Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank).

Hiện nhà máy Xi măng Xuân Thành Hà Nam có công suất 5,5 triệu tấn xi măng/năm. Trong đó, dây chuyền 2 nhà máy Xi măng Xuân Thành công suất 4,5 triệu tấn xi măng/năm đã được đưa vào vận hành từ năm 2017 với tổng mức đầu tư 10.500 tỷ đồng.

Dây chuyền số 3 đang được doanh nghiệp huy động vốn qua trái phiếu, dự án được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030 cuối năm 2016.

Theo dự kiến, khi dây chuyền số 3 đi vào vận hành đủ 100% công suất, tổng công suất của nhà máy Xi măng Xuân Thành sẽ lên trên 10 triệu tấn/năm.

Thúy Hà
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.