20/02/2014 9:02 PM
Chưa bao giờ ngành xi măng Việt Nam lại đối mặt với nhiều mâu thuẫn nội tại như giai đoạn hiện nay. Một trong những nghịch lý đang làm “khổ” các nhà quản lý, doanh nghiệp sản xuất xi măng là mặc dù cung vượt cầu, đầu ra khó khăn nhưng các nhà máy mới vẫn tiếp tục được ra đời.

Cung vượt cầu

Kết thúc năm 2013, tổng sản lượng xi măng tiêu thụ đạt khoảng 61 triệu tấn, trong đó tiêu thụ nội địa là hơn 47 triệu tấn. Dù lượng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu tăng hơn so với cùng kỳ và vượt kế hoạch đề ra, nhưng ngành xi măng vẫn tồn kho hơn 2,5 triệu tấn. “Hiện cả nước có hơn 100 nhà máy xi măng đang hoạt động với tổng công suất hơn 70 triệu tấn/năm. Trong năm nay, dự kiến sẽ có thêm 5 nhà máy có tổng công suất hơn 7 triệu tấn/năm sẽ đi vào hoạt động. Với nguồn cung lớn như hiện nay, cộng với tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn, giao dịch bất động sản trầm lắng, ngành xi măng sẽ tiếp tục đối mặt với tình trạng cung vượt cầu”, ông Trương Phú Cường, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và vật liệu xây dựng TP Hồ Chí Minh, dự báo.

Vận chuyển xi măng đi tiêu thụ ở Công ty cổ phần xi măng Tân Quang (Tập đoàn Công nghiệp Than -Khoáng sản Việt Nam).

Hướng tới xuất khẩu được coi như là giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp khơi thông đầu ra. Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành xây dựng, việc xuất khẩu xi măng cũng không dễ dàng. Nguyên nhân do nhiều đối tác nhập khẩu xi măng hiện đã tự túc được nguồn hoặc giảm đơn hàng. Cụ thể, Indonesia đã xây dựng xong hai nhà máy với công suất 60 triệu tấn/năm nên nhiều khả năng sẽ không tiếp tục nhập khẩu xi măng. Việc mở những thị trường tại Bangladesh, Đông Nam Á… vẫn còn khó khăn. Theo thông tin từ Bộ Tài chính, nhằm kích cầu giải phóng lượng hàng tồn kho, các doanh nghiệp đang thực hiện giảm giá sản phẩm từ 30.000 - 40.000 đồng/tấn, cá biệt có trường hợp như xi măng Tam Điệp đã “mạnh tay” giảm sâu hơn 140.000 đồng/tấn so với trước đó một tháng.

Theo ông Cường, để giải quyết tình trạng cung vượt cầu, từ nay đến năm 2018 không được để phát sinh thêm nhà máy mới. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, những dự án nhà máy sản xuất xi măng vẫn đang trên đà tiến độ hoàn thành. “Bộ Xây dựng đã đưa 9 dự án xi măng có công suất dưới 2.500 tấn clinker/ngày ra khỏi quy hoạch. Ngoài ra, bộ cũng thực hiện giãn tiến độ 7 dự án khác có công suất trên 2.500 tấn clinker/ngày nhưng tình hình vẫn chưa cải thiện được bao nhiêu. Chúng tôi dự báo, công suất xi măng cả nước năm nay có thể lên hơn 80 triệu tấn/năm, nhưng lượng tiêu thụ trong nước không tăng, chỉ ở mức khoảng 45-48 triệu tấn/năm”, ông Cường bày tỏ lo ngại.

Bất cập quản lý

Thuộc nhóm công nghiệp nặng, đầu tư xây dựng các nhà máy xi măng cần nguồn vốn lớn với suất đầu tư trung bình từ 120-140 USD/tấn sản phẩm/công suất thiết kế. Do hạn chế về nguồn vốn đầu tư, hiện đa số các doanh nghiệp sản xuất xi măng trong nước phải vay vốn từ các tổ chức tín dụng nước ngoài, lãi suất cao. Khi thị trường trầm lắng, đầu ra khó khăn… không ít doanh nghiệp xi măng rơi vào tình thế khó khăn. Trong khi đó, theo các chuyên gia trong ngành, do công tác quy hoạch ngành xi măng chưa được kiểm soát tốt nên đã xảy ra tình trạng địa phương nào có đá vôi là có nhà máy, không nằm trong quy hoạch vẫn được cấp phép xây dựng, có nhà máy được cấp phép dây chuyền công suất nhỏ lại nâng công suất lớn hơn… Những bất cập này dẫn đến việc tài nguyên bị khai thác bừa bãi.

Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội xi măng Việt Nam cho rằng, hướng tới xuất khẩu được xem như giải pháp tình thế tháo gỡ khó khăn. Tuy nhiên, các ngành chức năng cũng nên hoạch định chiến lược phát triển ngành xi măng bài bản. Theo đó, công tác xuất khẩu phải được chọn lọc ở những doanh nghiệp có lợi thế gần vùng nguyên liệu, gần cảng biển… chứ không phải mạnh ai nấy làm. Để hỗ trợ cho xuất khẩu, ngành giao thông cần rà soát, điều chỉnh và có kế hoạch triển khai quy hoạch giao thông, trong đó có cảng bốc xếp clinker và xi măng cho phù hợp. Ngoài ra, các doanh nghiệp trong ngành cũng phải nâng cao năng lực quản lý, kinh doanh, cùng nhau liên kết trong sản xuất và xuất khẩu, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, tự mình làm hại nhau.

Lê Nghĩa (Báo Tin tức)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.