Theo thống kê của Bộ Xây dựng, sản xuất xi măng năm 2010 đạt 53,20 triệu tấn, tiêu thụ 50,85 triệu tấn, dư thừa thực tế khoảng 2 triệu tấn so với nhu cầu. Năm 2011, dự báo lượng xi măng dư thừa sẽ vào khoảng 10 triệu tấn.

Điệp khúc tăng giá

Từ 1-2, TCty Công nghiệp xi măng VN (Vicem) đã có văn bản gửi Chính phủ và các ngành chức năng đề nghị được tăng giá bán xi măng so với giá hiện hành. Mức tăng giá này so với các lần tăng giá trong năm 2010 chỉ khoảng 5-6% giá bán.

Trong khi đó, nếu xét về tốc độ tăng giá đầu vào của xi măng là giá điện, than, xăng dầu, vật tư, nguyên liệu... thì từ quý I-2008 đến quý IV-2010 đã tăng tới 150%, (tốc độ tăng giá xi măng chỉ vào khoảng 15%). Riêng giá than bán cho xi măng từ 1-1-2010 đã theo giá thị trường (tương đương 90% giá than XK) khiến giá than cho xi măng bị đội lên khoảng 106,06%.

Bởi vậy, dù giá xi măng hiện đã tăng thêm 60.000đ/tấn, nhưng xem chừng vẫn chưa thấm vào đâu so với tốc độ tăng giá đầu vào của xi măng.

Theo ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), trong ba năm, giá xi măng chỉ tăng khoảng 13% đến 15%, tùy từng khu vực và nhà máy. Ðây là một cố gắng lớn của các doanh nghiệp sản xuất xi măng nói chung và của Vicem nói riêng trong việc hợp lý hóa sản xuất, phân phối lưu thông hiện nay.

Ông Lê Văn Chung, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vicem nhận định, trước tình hình giá vật liệu đầu vào như điện, than tăng mạnh thì khả năng một số dây chuyền sản xuất xi-măng lò đứng lạc hậu và đang trong quá trình chuyển đổi sang lò quay sẽ khó phát huy được nên áp lực cạnh tranh có suy giảm đôi chút. Tuy nhiên, dự báo sắp tới lượng xi măng còn tăng cao, phân bố không đồng đều, đặc biệt mức độ cạnh tranh tập trung tại miền Bắc (tỷ lệ tiêu thụ xi măng, miền Bắc 50%, miền Trung 18%, miền Nam 32%) cùng với cung vượt cầu khoảng 10 triệu tấn/năm nên sự cạnh tranh sẽ diễn ra khốc liệt.


Bộ Xây dựng đã và đang tập trung đẩy mạnh kích cầu xi măng bằng nhiều phương án nhằm ổn định thị trường xi măng

Cạnh tranh khốc liệt

Nếu cân đối nhu cầu sản xuất - tiêu thụ xi măng trong nước hiện nay thì có thể nói là đã bão hòa. Dự báo, năm 2011 sản lượng tiêu thụ xi măng cả nước vào khoảng 54- 55 triệu tấn, trong khi đó tổng công suất các nhà máy đã đạt 65 triệu tấn, điều đó đồng nghĩa với việc lượng dư thừa sẽ tăng vào khoảng 10 triệu tấn. Nhưng vấn đề cần đề cập ở đây là các dự án xi măng thường được đầu tư bằng ngoại tệ, sau thời gian khủng hoảng tài chính, lãi suất ngân hàng tăng, cộng thêm trượt giá nên công tác thu hồi vốn, trả nợ sẽ là một thách thức không nhỏ, riêng Vicem với bảy dự án đưa vào sản xuất trong năm 2011 dự kiến sẽ phải trả khoản nợ khoảng 3.200 tỷ đồng, tương đương đầu tư mới một nhà máy xi măng lớn. Hiện nay, một số dự án xi măng không đủ sức trả nợ, có khả năng phải sáp nhập.

Bên cạnh đó, một số nhà máy xi măng đã buộc phải dừng lò dài ngày sửa chữa hoặc tiết giảm công suất để duy trì hoạt động do thực tế năm 2010, lượng điện, than cung cấp cho xi măng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong những lúc cao điểm mùa xây dựng, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất kinh doanh của nhiều đơn vị và tình hình này khó được cải thiện trong năm 2011.

Nhằm ổn định thị trường xi măng trước bối cảnh cạnh tranh khốc liệt thời gian tới, Bộ Xây dựng đã và đang tập trung đẩy mạnh kích cầu xi măng bằng nhiều phương án như sử dụng xi măng làm các công trình giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, đồng thời rà soát tình hình cung cầu gạch ốp lát và xuất nhập khẩu.

Mặt khác nhằm “giảm tải” cạnh tranh trong nước, một số Cty đã tìm đường xuất khẩu, vừa qua Cty CP Xi măng Thăng Long xuất khẩu lô hàng 25.000 tấn xi măng đầu tiên trong hợp đồng xuất khẩu 50.000 tấn sang thị trường châu Phi. Đây là lô hàng xuất khẩu lớn nhất từ trước đến nay của một nhà máy xi măng Việt Nam sang thị trường nước ngoài. Trong năm 2011, Cty CP Xi măng Thăng Long dự kiến sẽ xuất khẩu 300.000 tấn xi măng bao và 200.000 tấn xi măng sang thị trường các nước: Singapore, Brunei, thị trường châu Phi, châu Mỹ và Trung Đông...

Cafeland.vn - Theo Pháp luật Việt Nam
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland