Nguyễn Đức Kiên cùng các đồng phạm đã làm Ngân hàng ACB thiệt hại hơn 1.405 tỷ đồng
Theo đó, VKSND Tối cao ủy quyền cho VKSND TP Hà Nội truy tố ra trước tòa án cùng cấp đối với Nguyễn Đức Kiên (SN 1964) – nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) về 4 tội danh “Kinh doanh trái phép”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Trốn thuế”.
Dính líu đến vụ án, Trần Ngọc Thanh (SN 1952), Nguyễn Thị Hải Yến (SN 1969) - nguyên Giám đốc và nguyên Kế toán trưởng Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội cùng bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; Trần Xuân Giá (SN 1939), Lê Vũ Kỳ (1956), Trịnh Kim Quang (SN 1954), Lý Xuân Hải (SN 1965), Phạm Trung Cang (SN 1954) và Huỳnh Quang Tuấn (SN 1958) - đều từng là lãnh đạo và cán bộ Ngân hàng ACB cùng bị đưa ra xét xử về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu nghiêm trọng”.
Quá trình điều tra chứng minh, Nguyễn Đức Kiên là cổ đông sáng lập của Ngân hàng ACB từ năm 1993. Ông ta và một số người thân trong gia đình sở hữu 9,03% vốn điều lệ của ngân hàng này. Trước và trong khi thực hiện hàng loạt hành vi phạm pháp, Nguyễn Đức Kiên giữ chức Chủ tịch Hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB, kiêm Phó chủ tịch HĐQT ACB. Đến cuối năm 2007, Nguyễn Đức Kiên xin thôi tham gia HĐQT Ngân hàng ACB, song đề nghị ngân hàng này ra quyết định thành lập Hội đồng sáng lập ACB và đảm nhiệm chức Phó chủ tịch hội đồng này.
Với vị thế đó, Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo và chi phối toàn bộ hoạt động quản trị, điều hành tại Ngân hàng ACB. Nguyễn Đức Kiên cũng đã thành lập, đồng thời là Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Hội đồng thành viên của 6 công ty, gồm: Công ty CP Phát triển sản xuất và Xuất nhập khẩu Thiên Nam; Công ty CP Đầu tư Thương mại B&B; Công ty CP Tập đoàn Tài chính Á Châu; Công ty CP Đầu tư ACB Hà Nội; Công ty CP Đầu tư Á Châu và Công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội. Thông qua việc chỉ đạo, điều hành hoạt động đối với các công ty này và lợi dụng vai trò chỉ đạo, chi phối toàn bộ hoạt động quản trị, điều hành Ngân hàng ACB, Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm đã thực hiện nhiều hành vi phạm tội.
Cụ thể, Công ty CP Đầu tư Thương mại B&B (gọi tắt là Công ty B&B) có vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng được phép kinh doanh nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, song thực tế chỉ kinh doanh vàng và không được phép kinh doanh tài chính. Mặc dù vậy, theo chỉ đạo của Kiên, từ tháng 9 đến tháng 10-2009, doanh nghiệp này đã bỏ ra 1.280 tỷ đồng để góp vốn vào Công ty CP Tập đoàn tài chính Á Châu (AFG) theo một hợp đồng chuyển nhượng cổ phần.
Ngoài ra, ngày 30-11-2010, Công ty B&B đã phát hành 10 triệu trái phiếu, trị giá 1.000 tỷ đồng và bán cho Ngân hàng ACB. Toàn bộ số tiền bán trái phiếu này, được Kiên chỉ đạo mua cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp, ngân hàng với những chiêu thức vô cùng lắt léo. Tương tự, cả 5 doanh nghiệp còn lại đều do Nguyễn Đức Kiên “đứng mũi chịu sào” cùng không được phép kinh doanh tài chính nhưng vẫn ký các hợp đồng góp vốn và mua bán cổ phần, cổ phiếu. Tổng số tiền cả 6 doanh nghiệp của Kiên dùng để kinh doanh trái phép lên tới hơn 21.490 tỷ đồng. Với các hành vi này, Cáo trạng số 10/VKSTC-V1, ngày 10-2-2014 của VKSND Tối cao xác định, Nguyễn Đức Kiên đã phạm vào tội “Kinh doanh trái phép”, quy định tại khoản 2, Điều 159-BLHS.
Cũng theo tài liệu đưa ra truy tố tại phiên tòa, với việc kinh doanh vàng tại Công ty B&B, Nguyễn Đức Kiên đã trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế doanh nghiệp cho Nhà nước với tổng số tiền 25 tỷ đồng. Về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cáo trạng xác định Công ty CP Đầu tư ACB Hà Nội (ACBI) vốn là chủ sở hữu, nhưng đã thế chấp 20 triệu cổ phần của Công ty CP Thép Hòa Phát để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ tại Ngân hàng ACB.
Thế nhưng với tư cách là chủ tịch HĐQT, đại diện theo pháp luật của ACBI, Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo Trần Ngọc Thanh (giám đốc) và Nguyễn Thị Hải Yến (kế toán trưởng) lập khống biên bản họp HĐQT và quyết định của HĐQT thể hiện chủ trương bán toàn bộ số cổ phần của Công ty CP Thép Hòa Phát nêu trên để tạo lòng tin đối với Công ty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát trong việc ký kết hợp đồng chuyển nhượng cổ phần để nhận về 264 tỷ đồng. Tuy nhiên, đối tác của ACBI sau đó đã không thể sở hữu được số cổ phần đã mua tại Công ty CP Thép Hòa Phát.
Đối với hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, cáo trạng thể hiện Nguyễn Đức Kiên cùng 6 cựu cán bộ cao cấp ở ngân hàng này đã ủy thác cho hàng chục nhân viên mang tiền huy động đi gửi tiết kiệm hòng lấy lãi và cấp vốn cho một doanh nghiệp nằm trong ACB để mua cổ phiếu của chính ngân hàng này. Việc làm trái pháp luật đó đã khiến Ngân hàng ACB bị thiệt hại tổng cộng hơn 1.405 tỷ đồng.