Thật khó tin khi có sự quản lý của nhiều cơ quan, đơn vị nhưng diện tích đất lâm nghiệp ở đây vẫn bị các đối tượng lấn chiếm, ngang nhiên đưa các loại xe cơ giới vào tác động, làm thay đổi hiện trạng trong thời gian dài. Cách xa hiện trường hàng cây số, những “vết sẹo” nham nhở trên các quả đồi đã lộ ra chằng chịt.
Theo người dân địa phương, từ nhiều tháng qua, gần chục máy múc, xe ben được các đối tượng “tập kết” về khu vực này hối hả khoét vào lòng đất, làm thay đổi, biến dạng hoàn toàn địa hình đồi núi, có nguy cơ gây sạt lở, trượt núi nhưng không được ngăn chặn, xử lý.
Vị trí đất lâm nghiệp bị tác động nằm ngay đầu nguồn suối Cát đổ ra sông Đại Lào (xã Đại Lào, TP Bảo Lộc). Từ ngay chân dốc suối Cát, một con đường rộng thênh thang vừa được mở đâm xuyên qua phá vỡ hiện trạng nhiều quả đồi lớn.
Xe cơ giới múc, san gạt đất trên đỉnh một quả đồi.
Thấy có người lạ xuất hiện, một người đàn ông tên Bình lập tức tới ngăn cản, khẳng định rừng này “đã có chủ”, khi chưa được ông cho phép thì không ai được đặt chân vào. Sau khi thuyết phục, bằng lý do chính đáng là đi khám phá, du lịch rừng, chúng tôi được người đàn ông trên cho vào bên trong. Một con đường dài khoảng 2km vừa được mở, hàng chục hec-ta đất lâm nghiệp, trong đó có nhiều diện tích vẫn còn cây rừng cũng bị đào xới, “xẻ thịt” tan hoang.
Thời điểm PV có mặt, công trường này đang có 2 máy múc và 5 xe ben mang biển số TP Hồ Chí Minh liên tục đào xới, múc đất san gạt trên một quả đồi rộng khoảng 2ha.
Tiếp tục đi sâu vào bên trong, xuất hiện thêm con đường lớn đã được mở xẻ ngang lưng chừng các quả đồi, xuyên qua những cánh rừng hướng thẳng lên một quả đồi khác. Phía trên đỉnh quả đồi này đã được đào xới san phẳng hoàn toàn. Bên cạnh đó, hàng loạt đường nhánh trong khu vực cũng đã được mở, đấu nối, phá vỡ hoàn toàn cấu trúc địa hình và hiện trạng rừng núi.
Theo tìm hiểu của PV, diện tích đất lâm nghiệp đang bị các đối tượng đưa xe cơ giới vào tác động trước đây được UBND tỉnh Lâm Đồng giao cho Công ty Hùng Lộc Tiến triển khai dự án quản lý, bảo vệ và trồng rừng, với tổng diện tích hơn 400ha (thuộc tiểu khu 473 xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm và tiểu khu 474, xã Đại Lào, TP Bảo Lộc).
Tuy nhiên, do dự án này hoạt động không hiệu quả nên UBND tỉnh Lâm Đồng đã thu hồi giấy phép, đồng thời bàn giao toàn bộ diện tích dự án cho các địa phương quản lý. Phần diện tích đất lâm nghiệp thuộc địa giới hành chính huyện Bảo Lâm được UBND huyện bàn giao Ban Quản lý rừng phòng hộ Đam Bri quản lý, bảo vệ, với diện tích khoảng 300ha, gồm đất có rừng, đất lâm nghiệp trống và đất lâm nghiệp bị người dân lấn chiếm trồng cà phê.
Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ Đam Bri, toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp tại tiểu khu 473 đang được UBND huyện Bảo Lâm bàn giao cho đơn vị quản lý, bảo vệ. Mọi tác động san gạt, đào múc lên diện tích đất lâm nghiệp tại đây đều vi phạm các quy định quản lý, bảo vệ rừng.
Hơn 1 tháng trước, khi phát hiện vụ việc này, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đam Bri đã phối hợp với UBND xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm kiểm tra, xử lý. UBND xã Lộc Tân cũng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 2 triệu đồng đối với ông Huỳnh Hiếu Bình (ngụ tại Tiền Giang).
Tuy nhiên, sau khi bị xử phạt vi phạm hành chính, ông Bình vẫn tiếp tục thi công, ngang nhiên xẻ đồi bạt núi nhưng các cơ quan chức năng vẫn không ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định khiến sự việc vi phạm ngày càng nghiêm trọng.
Đại diện UBND xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm thừa nhận đã có sự chủ quan, không kiểm tra sau khi xử phạt vi phạm hành chính khiến ông Bình vẫn tiếp tục thi công trên đất lâm nghiệp.
Theo điều tra của PV Báo CAND, gần 40ha đất lâm nghiệp tại khu vực này do một người ở TP Hồ Chí Minh mua lại bằng giấy viết tay của người tên Phương, ngụ tại TP Bảo Lộc. Hiện tại, người này đang bàn giao việc quản lý, thi công mở đường, san gạt lại cho ông Huỳnh Hiếu Bình. Bên cạnh những quả đồi đã được đào múc, san gạt thì nhiều diện tích cây rừng cũng đã bị cạo trọc được mở đâm xuyên qua các vạt rừng dài nhiều kilomet.
Ông Nguyễn Ngọc Nhi, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm cho biết, đã chỉ đạo các ngành chức năng lập biên bản ghi nhận hiện trường và đình chỉ mọi hoạt động tại tiểu khu 473, xã Lộc Tân. UBND huyện Bảo Lâm cũng đã chỉ đạo tạm giữ toàn bộ các phương tiện tiến hành san gạt, đào múc tại đây, giao cơ quan chức năng xác minh, làm rõ sự việc.
-
Dự án khu công nghiệp đua nhau san lấp trái phép
Liên tục trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh Hưng Yên và Hải Dương nở rộ việc các doanh nghiệp ngang nhiên san lấp mặt bằng trái phép tại các dự án khu công nghiệp với quy mô hàng chục ha dù chưa được giao đất.