Chưa bao giờ thị trường bất động sản “đóng băng” dày và rắn chắc như bây giờ. Bởi vì dưới lớp băng đá này còn “chôn” một khoản nợ xấu rất lớn ước tính hơn 1 triệu tỷ đồng. Phá tảng băng này không đơn giản như “khoan cắt bê tông” mà cần những giải pháp hết sức căn cơ, bài bản, tính toán kỹ lưỡng. Nếu không chỉ là kiểu “bóc ngắn cắn dài”, giải thoát tạm thời cho một số doanh nghiệp, nhà đầu tư trong tình thế đường cùng, thì sẽ để lại hậu quả còn bế tắc hơn hiện tại.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, hiện nay Chính phủ, Bộ Xây dựng đang tập trung xây dựng các văn bản pháp quy về kinh doanh bất động sản để tăng cường kiểm soát chặt chẽ, tập trung rà soát các dự án, yêu cầu dừng dự án thiếu khả thi, chưa giải phóng mặt bằng. Yêu cầu chủ đầu tư phải cơ cấu lại dự án, sản phẩm bất động sản như tăng các loại nhà ở cho người thu nhập thấp thuộc các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội. Ngân hàng Nhà nước mở rộng cho vay đối với nhà đầu tư, nhất là người mua nhà.

Bộ Xây dựng đã có một cú đột phá tảng băng bất động sản, giải quyết hàng tồn kho: khuyến khích các doanh nghiệp điều chỉnh nhà ở thương mại sang xây nhà ở xã hội, đồng thời “bật đèn xanh” cho phép “xé” những căn hộ lớn thành những căn hộ diện tích nhỏ 25-30m2, vừa túi tiền người mua. Đương nhiên “bức tranh” bất động sản hết sức méo mó. Thừa nhà cao cấp, thiếu nhà giá rẻ, diện tích nhỏ. Bộ trưởng Xây dựng phát biểu trước Quốc hội cho biết, hiện cả nước có 2.399 dự án và khoảng 71.000ha đất cho bất động sản. Riêng Hà Nội có 368 dự án với khoảng 20.000ha. Tồn kho cả nước lên tới 16.469 căn hộ chung cư, hơn 4.000 nhà tầng thấp. Chủ trương “xé” nhỏ căn hộ, theo ý kiến của một số chuyên gia, nhà đầu tư, cần phải cân nhắc thận trọng.

Khảo sát trên thị trường cho thấy, hàng tồn kho chủ yếu là những căn hộ lớn với giá hàng tỷ đồng, trong khi căn hộ nhỏ dễ bán, dễ mua. Từ bài học “căn hộ lớn”, các doanh nghiệp bất động sản chuyển hướng xây căn hộ nhỏ, thậm chí có những dự án căn hộ lớn đang xây cũng phải điều chỉnh theo hướng chia thành những căn hộ nhỏ. Theo Giám đốc một công ty, khi chia nhỏ thành những căn 25-30m2, tất yếu dân số sẽ tăng lên, gây áp lực về hạ tầng. Vì thế những nhà diện tích nhỏ, giá rẻ nên làm nhà ở cho thuê thì tốt hơn là để bán. Đã xây căn hộ giá rẻ, chất lượng thường kém, cuộc sống người dân không đảm bảo, dẫn đến người tiêu dùng quay lưng. Lúc đó, những khu nhà này sẽ bị bỏ hoang, gây lãng phí lớn và làm cho bộ mặt đô thị “nhem nhuốc”.

Bởi thế, giải pháp của Bộ Xây dựng cần có tiêu chí về giá cả, chất lượng để quản lý tốt, làm sao nhà ở giá rẻ vẫn đảm bảo chất lượng sống. Muốn vậy phải chuyển thành mô hình nhà ở cho thuê, doanh nghiệp được nhà nước tạo điều kiện về đất đai, hạ tầng, cho vay lãi suất thấp để “trói” doanh nghiệp, chứ khi bán rồi chủ đầu tư hết trách nhiệm, gây rắc rối cho quản lý. Việc “xé” nhỏ căn hộ lớn là giải pháp trước mắt để phá băng bất động sản, song cần cân nhắc hết sức cụ thể.

Theo thống kê, Hà Nội và TP.HCM tồn đọng 70.000 căn hộ, chủ yếu là loại cao cấp. Số căn hộ này có thể chứa 20-25 vạn người. Nếu “xé” nhỏ căn hộ lớn sẽ đẩy dân số lên tới 60-80 vạn người nữa, sẽ “chất tải” lên hạ tầng giao thông, dịch vụ vốn đã vượt quá sức chịu đựng.

Theo Đan Thanh (ANTĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.