06/01/2015 9:37 PM
Cả trăm cây cổ thụ (cùng khoảng 13.000 m2 đất) ở Công viên Gia Định sẽ bị đốn hạ để mở đường nối thông sân bay Tân Sơn Nhất đến vòng xoay Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm - Phạm Văn Đồng…
“Theo yêu cầu của Sở GTVT, chúng tôi đang chuẩn bị đốn hạ một số cây xanh tại Công viên Gia Định trong phạm vi dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (gọi tắt là đường vành đai Tân Sơn Nhất). Tới giữa tháng 1 sẽ bàn giao mặt bằng phục vụ việc xây dựng tuyến đường” - ông Ngô Bá An, Phó Giám đốc Khu Quản lý Giao thông đô thị số 1 (thuộc Sở GTVT TP.HCM), thông tin.

Nhiều cây cổ thụ đã bị đốn

Những ngày qua, tuyến đường Hồng Hà (quận Tân Bình) ở khu vực trước sân bay Tân Sơn Nhất đang được giải phóng mặt bằng. Dù còn một số căn nhà chưa bị đập bỏ song từ bây giờ đã có thể ước lượng được độ rộng của tuyến đường sau khi mở rộng. Từ vị trí cuối tuyến đường hiện hữu, phóng thẳng tầm mắt là hình ảnh những tán cây xanh rợp trong Công viên Gia Định…

Đi vòng qua cổng phía đường Hoàng Minh Giám, chúng tôi vào sâu vào trong Công viên Gia Định và ghi nhận được các mốc lộ giới của dự án kéo dài từ bờ tường công viên phía đường Hồng Hà (quận Tân Bình) đến góc đường Hoàng Minh Giám - Bạch Đằng (quận Gò Vấp). Nằm trong lộ giới của tuyến đường là những hàng cây cổ thụ xanh um tùm, cao ngút, chủ yếu là các loài cây sao đen, bạch đàn… và một số ít cây xà cừ. “Việc đốn hạ đã diễn ra từ trước, nhiều cây cổ thụ đã bị đốn. Số còn lại chủ yếu là các cây nhỏ và số lượng bao nhiêu thì tôi chưa rõ” - ông Ngô Bá An cho hay.

Vị trí mở đường xuyên Công viên Gia Định và nối thêm đường Bạch Đằng đến sân bay Tân Sơn Nhất. Đồ họa: MP

Vì sao lại chặt cây, xẻ công viên?

Theo ghi nhận của chúng tôi, số cây được xác định trong ranh đốn hạ phải lên đến hàng trăm cây. Trong đó có những cây dù một người là có thể ôm trọn thân cây nhưng theo các nhân viên chăm sóc cây xanh, chúng đều hơn 30 năm tuổi. Đặc biệt, trong số này có một số cây xà cừ phải hơn bốn người mới ôm hết được thân cây chứ hoàn toàn không phải là “cây nhỏ”.

Theo Sở GTVT, chiều dài đoạn đường vành đai Tân Sơn Nhất đi qua Công viên Gia Định là 650 m, bề rộng 20 m, tức cần sử dụng khoảng 13.000 m2 đất công viên để làm đường. Vậy tại sao lại đốn hạ cây xanh, xẻ đất công viên để làm đường trong khi diện tích mảng xanh ở TP.HCM lại thiếu và đang không ngừng bổ sung?

Một lãnh đạo Sở GTVT giải thích hướng tuyến của đường vành đai Tân Sơn Nhất đoạn từ Trường Sơn đến Nguyễn Thái Sơn (theo quy hoạch rộng 60 m) đã được phê duyệt từ năm 1999. Tuy nhiên, do gặp sự phản ứng gay gắt của người dân quận Tân Bình nên UBND TP đã có chủ trương nghiên cứu thêm phương án thay thế nhằm giảm tối đa số hộ dân bị giải tỏa trắng.

“Chính vì vậy sau đó TP mới điều chỉnh hướng tuyến, từ một nhánh rộng 60 m ban đầu thành hai nhánh (mỗi nhánh rộng 20 m), một đi theo đường Hồng Hà và xuyên qua công viên, một đi theo đường Bạch Đằng hiện hữu. Phương án này đã giảm chi phí đầu tư cả về giải phóng mặt bằng và xây dựng công trình do tận dụng được một phần đường Hồng Hà, Bạch Đằng hiện hữu” - Sở GTVT cho hay.

Trên thực tế, việc điều chỉnh hướng tuyến vẫn gặp phản ứng từ một số người dân. Sau khi vào cuộc tìm hiểu, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị cho TP.HCM được tiếp tục thực hiện theo hướng tuyến điều chỉnh. Sau đó tháng 3-2011, Thủ tướng đã chấp nhận kiến nghị này.

Năm 1950, vị trí của Công viên Gia Định hiện hữu được quy hoạch làm sân golf đầu tiên của Sài Gòn. Sau năm 1975, khu đất này bỏ trống một thời gian và đến tháng 12-1978, TP.HCM có quyết định xây dựng Công viên Gia Định.

Diện tích ban đầu của công viên khá lớn nhưng sau đó bị thu hẹp dần và đến năm 2005, công viên còn khoảng 32 ha và duy trì theo hiện trạng như hôm nay. Hiện công viên có khoảng 1.000 cây xanh thuộc nhiều chủng loại như sọ khỉ, lim xẹt, bò cạp nước, me tây…; hơn 63.000 m2 diện tích thảm cỏ. Trong công viên có hơn 12.000 m2 đường gạch, đường nhựa, 5.200 m2 vỉa hè, nhà chòi nghỉ chân. Trong công viên còn có các khu trò chơi trẻ em rộng khoảng 4.000 m2 với 30 trò chơi phục vụ miễn phí cho các bé từ 11 tuổi trở xuống.

Với diện tích ấy, Công viên Gia Định được ví như buồng phổi xanh của thành phố, mỗi ngày thu hút khoảng 5.000 lượt người đến tham quan, thư giãn, luyện tập thể dục.

Chậm giải tỏa, dự án bị ì

Theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) giữa UBND TP.HCM và Công ty GS E&C (Hàn Quốc), dự án đường vành đai Tân Sơn Nhất được thi công trong vòng bốn năm (từ tháng 8-2008 đến tháng 8-2012). Sau đó thời hạn hoàn thành được điều chỉnh đến cuối năm 2014.


Một trong những cây cổ thụ sắp bị đốn hạ và những hình ảnh lãng mạn này chỉ còn trong ký ức. Ảnh: MP

Tuy vậy, hiện vẫn còn hơn 7 km của tuyến đường chưa được đưa vào khai thác, trong đó có điểm đầu từ nút giao Nguyễn Thái Sơn đến nút giao Trường Sơn (trước sân bay Tân Sơn Nhất) dài khoảng 1,5 km. Nguyên nhân xuất phát từ việc công trình bị kẹt mặt bằng. Do vậy, Sở GTVT cho biết dự kiến đến ngày 30-4 sẽ hoàn thành xong đoạn cuối từ cầu Gò Dưa đến nút giao Linh Xuân. Riêng đoạn đầu từ nút giao Nguyễn Thái Sơn đến nút giao Trường Sơn sẽ được hoàn thành vào giữa tháng 4-2016.

Minh Phong (Pháp Luật TP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.