Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư, đối với nhà có chiều cao từ 100m đến 150m cần phải bố trí tầng lánh nạn, gian lánh nạn. Các tầng lánh nạn cách nhau không quá 20 tầng. Không cho phép bố trí các căn hộ hoặc một phần căn hộ, văn phòng trên tầng lánh nạn. Không cho phép bố trí các hoạt động thương mại trên tầng lánh nạn.
Các gian lánh nạn bố trí ở tầng lánh nạn, phải được bảo vệ bằng bộ phận ngăn cháy có giới hạn chịu lửa không nhỏ hơn REI 150; gian lánh nạn phải có diện tích với định mức 0,3 m2/người, đảm bảo đủ chứa số người của tầng có gian lánh nạn, đủ chứa một nửa tổng số người của tất cả các tầng trên tính từ tầng có gian lánh nạn đến tầng có gian lánh nạn tiếp theo.
CHỦ ĐẦU TƯ KHÔNG MẶN MÀ
Thực tế, từ năm 2015, Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nhà ở đã dành riêng một mục yêu cầu an toàn cháy nhưng thực tế rất ít chủ đầu tư tuân thủ. Nhiều dự án nhà cao tầng trên 40 tầng nhưng không có tầng lánh nạn, không đảm bảo tiêu chuẩn tối thiểu về phòng cháy chữa cháy.
Lý giải điều này, nhiều chủ đầu tư cho rằng việc xây dựng tầng lánh nạn, gian lánh nạn đạt chuẩn không những tốn kém chi phí thiết lập mà còn mất thêm chi phí cơ hội tận dụng diện tích hình thành căn bộ bán. Trong khi đó, nếu tính giá thành tầng lánh nạn vào giá cấu thành căn hộ, giá nhà sẽ bị đẩy lên cao, càng làm khó thêm cơ hội tiếp cận nhà ở giá rẻ, nhà ở giá bình dân của người dân. Giá nhà ở hiện nay đã vượt quá thu nhập của người dân.
Thừa nhận quy định này là hết sức cần thiết, nhằm đảm bảo an toàn cho cư dân và khách vãng lai khi xảy ra cháy, trong lúc chờ được cứu hộ cứu nạn, tuy nhiên, Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM cho rằng, "tầng lánh nạn" có thể bao gồm "gian lánh nạn", không bố trí căn hộ, văn phòng, hoặc diện tích kinh doanh thương mại, sẽ dẫn đến làm tăng chi phí đầu tư, giảm số lượng căn hộ hoặc giảm diện tích kinh doanh, giảm "quy mô dân số" của dự án.
Từ đó, dẫn đến làm tăng giá bán căn hộ và làm tăng giá bán các diện tích kinh doanh khác, mà người tiêu dùng và nhà đầu tư thứ cấp phải gánh chịu khi mua nhà và diện tích kinh doanh của dự án.
Để giảm bớt thiệt hại cho chủ đầu tư dự án và người mua căn hộ nhà chung cư cao tầng, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA kiến nghị không tính diện tích sàn "tầng lánh nạn" vào tổng diện tích sàn xây dựng của dự án khi tính "hệ số sử dụng đất" và nên cộng thêm chiều cao "tầng lánh nạn" vào chiều cao tối đa của công trình.
TẦNG LÁNH NẠN CÓ AN TOÀN HƠN?
Trao đổi với VnEconomy, ông Nguyễn Văn Đính, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam lưu ý, những quy định này cuối cùng là để phục vụ lợi ích cho người dân, cộng đồng, xã hội. "Do đó, người dân phải đánh đổi, phải chấp nhận trả chi phí cao hơn để được đảm bảo tính an toàn tính mạng hơn, còn tất nhiên cơ quan chức năng, chủ đầu tư phải tính toán làm sao đảm bảo hài hoà được quyền lợi tất cả các bên là tốt nhất", ông Đính nói.
Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính - bất động sản Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, yêu cầu chủ đầu tư xây thêm tầng lánh nạn cuối cùng cũng để phục vụ sự an toàn cho khách hàng, người dân và dĩ nhiên, khách hàng và người dân phải chịu giá cao hơn, phục vụ cho quyền lợi của khách hàng.
"Tôi ở Mỹ bao nhiêu năm chưa thấy họ làm toà chung cư nào có tầng lánh nạn, việc đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy tốt nhất hiện nay là nên tập trung vào cửa thoát hiểm, lối thoát hiểm, cầu thang thoát hiểm và các thiết bị phòng cháy chữa cháy phải đảm bảo chất lượng. Chẳng hạn như cửa thoát hiểm, lối thoát hiểm hoàn toàn có thể xây ra bên ngoài chung cư, nếu xây ở trong toà nhà như hiện nay khi có hoả hoạn xảy ra thì sẽ rất khó để người dân thoát nạn và các phương tiện cứu tiếp cận dễ dàng", ông Hiếu nói.
Ngoài việc phải đảm bảo thiết kế đúng quy chuẩn quy định, theo ông Hiếu, việc phòng cháy chữa cháy của chung cư cũng cần được thường xuyên thực hành cuộc diễn tập chữa cháy để giáo dục cư dân về các quy trình thoát hiểm và cách thoát hiểm để an toàn cho chính họ trong quá trình sơ tán. Cơ quan quản lý nhà nước thường xuyên kiểm tra, giám sát việc lắp đặt trang thiết bị phòng cháy chữa cháy đúng quy định, chủ đầu tư nào không tuân thủ phải có biện pháp chế tài, xử phạt nghiêm khắc.
-
Quy định về tầng lánh nạn đối với nhà chung cư
“Để bảo đảm an toàn khi có sự cố, quy chuẩn mới về phòng cháy chữa cháy bắt buộc tất cả dự án nhà ở cao tầng phải bố trí tầng lánh nạn trong tòa nhà” – Đây là nhận định của ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng.
-
Từ vụ thang máy chung cư gặp sự số, thời hạn kiểm định thang máy là bao lâu?
Thang máy là phương tiện di chuyển quan trọng trong các tòa nhà cao tầng. Việc kiểm định kỹ thuật định kỳ giúp phát hiện sớm các hư hỏng tiềm ẩn, từ đó đưa ra các biện pháp sửa chữa, thay thế kịp thời, đảm bảo an toàn cho người sử dụng....
-
Vỡ mộng vì mua chung cư 'tự phong cao cấp'
Chi 3 tỷ mua nhà, chị Thủy thất vọng vì dự án được chủ đầu tư định vị "cao cấp" nhưng thiếu tiện ích, bãi rác sát vách.
-
Mắc kẹt trong thang máy do mất điện đột ngột, phải xử lý như thế nào?
Mất điện có thể khiến bạn có nguy cơ mắc kẹt trong thang máy, một tình huống có lẽ nhiều người chưa lường trước. Vậy, phải xử lý thế nào nếu rơi vào tình cảnh này?