Sáng nay 29-9, UBND TP.HCM đã tổ chức cuộc họp với các sở ngành và quận huyện về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội và thu chi ngân sách tháng 9 và chín tháng đầu năm 2016.
Tại buổi họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết trong những ngày vừa qua, cá nhân ông và các phó chủ tịch đã đi kiểm tra các vị trí lấn chiếm hệ thống thoát nước trên địa bàn các quận huyện. Ông Phong yêu cầu báo cáo lại.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa chia sẻ rằng ngập nước đúng là điều bức xúc lớn của TP. Để giải quyết căn cơ, TP đã có các giải pháp lâu dài, đang triển khai như thoát nước đã có dự án nạo vét kênh rạch, dự án thoát nước…
“Vừa qua, chúng tôi đi xuống thực tế kiểm tra các vị trí lấn chiếm hệ thống thoát nước, nổi lên nguyên nhân là do chủ quan của chúng ta về quản lý khiến cho việc ngập càng nặng hơn. Hầu hết cống xả, hố gas thoát nước bị chiếm dụng, xây nhà lên chỗ đó làm ngăn dòng chảy” - ông Khoa nói.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa đi kiểm tra các vị trí lấn chiếm hệ thống thoát nước sáng 28-9 trên địa bàn quận 9 và Thủ Đức.
Ông Khoa cho rằng vấn đề nằm ở chỗ các quận huyện quản lý thế nào mà không biết chuyện lấn chiếm như thế. Nếu chúng ta quản lý tốt thì không đến nỗi ngập như vừa qua.
“Hôm qua đi kiểm tra các vị trí lấn chiếm hệ thống thoát nước trên địa bàn quận 9 và Thủ Đức, tôi đã yêu cầu từ nay trở đi quận huyện, xã phường nào để xảy ra tình trạng lấn chiếm hệ thống thoát nước thì bị kỷ luật trước UBND TP” - ông Khoa nói.
Theo ông Khoa, nếu cán bộ địa bàn quản lý lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng chiếm đất, chiếm rạch, thu hẹp dòng chảy thì sẽ rất xứng đáng để bị kỷ luật.
Ông Khoa cũng kể một câu chuyện tự quản trên địa bàn khu phố 4, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức.
Dưới sự điều hành của ông Lê Hoàng Sang, Trưởng ban Điều hành khu phố, người dân ở đây đã giữ sạch con rạch chạy qua địa bàn. Hằng năm, bà con trong khu phố đã tự góp vốn để nạo vét kênh rạch định kỳ ba lần trong năm, ý thức của người dân trong khu phố rất cao, không có chuyện tự ý xả rác xuống rạch.
“Tôi đã đề nghị UBND quận khen thưởng ông Lê Hoàng Sang” - ông Khoa nói và cho rằng cần phải nhân rộng mô hình này trên địa bàn các khu phố, quận huyện khác.
Ngoài ra, ông Lê Văn Khoa cũng đề nghị Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP trong thời gian tới triển khai giải pháp thông báo cho người dân tình hình ngập như hình thức thông tin kẹt xe qua radio (như kênh VOV giao thông) và đặc biệt là tin nhắn qua điện thoại di động. Biện pháp này, theo ông Khoa là để giảm bớt sự phiền hà cho người dân.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho rằng có đi thực tế chúng ta mới thấy đủ các nguyên nhân gây ngập. Ngập nước không chỉ do mưa, triều cường, mà còn do sự quản lý của con người. “Công tác quản lý của chúng ta kém ở một số nơi” - ông Phong khẳng định.
Ông Phong cho biết thời gian tới sẽ có cuộc họp để đánh giá lại quá trình chống ngập nước, từ đó đưa ra được các giải pháp trước mắt và lâu dài hiệu quả hơn.
“Với các vị trí lấn chiếm hệ thống thoát nước, TP sẽ phải di dời một số hộ dân đến nơi khác để giải tỏa cho dòng chảy. Mặc dù chúng ta không bồi thường nhưng chúng ta phải hỗ trợ người dân bị giải tỏa. Hậu quả cho sự quản lý yếu kém là chúng ta phải bỏ ngân sách ra để xử lý” - ông Phong nói.
-
Nhà giàu Sài Gòn cũng khổ vì ngập lụt
Những khu vực vốn được coi là sang trọng, cao cấp ở Sài Gòn cũng không thể tránh khỏi cảnh ngập lụt vì mưa lớn.