01/07/2013 9:18 PM
Tình trạng xây dựng không phép ở TPHCM tăng nhanh trong thời gian vừa qua và có dấu hiệu tiếp tay của các cán bộ trật tự đô thị, thanh tra xây dựng (TTXD), đặc biệt tại huyện Bình Chánh.

20 ngày, 443 nhà không phép

Thông tin từ Thanh tra xây dựng TP (TTXD - thuộc Sở Xây dựng TPHCM) cho biết, từ ngày 15-5 đến đầu tháng 6-2013, đoàn TTXD đã phát hiện, lập biên bản 238 căn nhà xây dựng không phép trên đất nông nghiệp ở huyện Bình Chánh.

Tuy nhiên, đến ngày 20-6, tổng số vụ vi phạm xây dựng trên địa bàn huyện Bình Chánh là 681 căn nhà. Như vậy, chỉ trong vòng 20 ngày, trên địa bàn huyện Bình Chánh đã phát sinh 443 căn nhà không phép, trong đó các xã có vi phạm nhiều nhất là Vĩnh Lộc A (303 căn - phát sinh 159 căn), Vĩnh Lộc B (218 căn - phát sinh 135 căn) và Bình Hưng (64 căn - phát sinh 51 căn).

TTXD phối hợp với UBND, Đội Trật tự đô thị huyện Bình Chánh và các đơn vị liên quan đã tổ chức tháo dỡ 126 trường hợp. Lãnh đạo huyện Bình Chánh đã giao cho các xã giải quyết dứt điểm các trường hợp vi phạm vào ngày 20-9. Cụ thể, 2 xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B chậm nhất ngày 20-9-2013 phải hoàn thành việc tháo dỡ công trình vi phạm, riêng các xã khác phải giải quyết dứt điểm vào ngày 20-7-2013.

Dỡ bỏ một căn nhà không phép.

Bên cạnh “điểm nóng” vi phạm xây dựng trên, TTXD cho biết từ ngày 15-5 đến ngày 26-6, đoàn TTXD đã phát hiện 156 trường hợp xây dựng nhà không phép tại khu vực Ấp Doi phường 15, quận Gò Vấp. Ông Huỳnh Lê Công Trường, Tổ trưởng đội cơ động TTXD, cho biết quận Gò Vấp có kế hoạch cưỡng chế các trường hợp vi phạm từ ngày 20-6, nhưng nay đã dời qua tháng 7-2013.

“Việc để xây nhà không phép trên đất nông nghiệp, san lấp ao thành nền đất là do UBND quận Gò Vấp và phường 15 xử lý chưa nghiêm, kéo dài thời gian nên một số trường hợp người dân vẫn lén lút hoàn thiện căn nhà sau khi đã bị đình chỉ thi công. Hiện có khoảng 20 TTXD cùng đội quản lý trật tự đô thị quận-huyện, phường-xã và các cơ quan đã dựng chốt chặn và kiểm ta thường xuyên nhằm tránh việc người dân tiếp tục xây dựng” - ông Trường cho biết.

Ngoài ra, quận Thủ Đức có 126 trường hợp vi phạm xây dựng, trong đó có 40 trường xây dựng không phép, sai phép và đã cưỡng chế 30/40 trường hợp không phép, sai phép; quận Bình Thạnh có 40 trường hợp vi phạm nhưng đã xử lý dứt điểm; quận 9 có 9 trường hợp và đã cưỡng chế 2 trường hợp; quận 8 có 51 trường hợp.

Có dấu hiệu tiếp tay

Theo lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị huyện Bình Chánh, số vụ vi phạm xây dựng trên địa bàn huyện thời gian qua tăng nhanh và tình hình xây dựng diễn ra phức tạp do thời điểm Sở Xây dựng và UBND huyện đang kiện toàn cơ cấu tổ chức và hoạt động của lực lượng TTXD mới cũng như Đội quản lý trật tự đô thị quận-huyện, phường-xã theo Nghị định 26 của Chính phủ. Một vị lãnh đạo TTXD Sở Xây dựng cho biết tình hình rất phức tạp, các đối tượng vi phạm ngang nhiên xây dựng nhà không phép trên đất nông nghiệp một cách rầm rộ, có dấu hiệu cho thấy một số trường hợp vi phạm là do có “đầu nậu” cầm đầu, tự ý phân lô bán nền trên đất nông nghiệp trái pháp luật.

Báo cáo với UBND TP về việc này, Sở Xây dựng cũng cho rằng, các trường hợp vi phạm không được phát hiện và xử lý cho thấy có khả năng cán bộ quản lý xây dựng thuộc UBND các xã và TTXD tiếp tay cho xây dựng không phép hoặc thiếu trách nhiệm. “UBND xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B và Bình Hưng đã buông lỏng quản lý và có dấu hiệu mất kiểm soát trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn vì tất cả các căn nhà xây dựng không phép đều được lắp đặt điện, nước và biển số nhà” - ông Phan Đức Nhạn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, nói.

Theo ông Phan Đức Nhạn, Nghị định 180/CP về xử lý vi phạm trật tự đô thị quy định rõ để xảy ra tình trạng xây dựng không phép, sai phép, trách nhiệm chính thuộc UBND các xã-phường, quận-huyện. Theo ông Nhạn, cần tăng cường sự giám sát của hệ thống chính trị, giám sát cộng đồng, giám sát nhân dân.

Thực tế cho thấy, với sự vào cuộc của hệ thống chính trị như quận 9, quận Bình Thạnh để kiên quyết xử lý ngay sau khi phát hiện sai phạm thì các trường hợp vi phạm sẽ nhanh chóng xử lý.

“Nếu để sau khi xây dựng xong, người dân vào ở thì sẽ phải kéo thời gian xử lý vì phải thực hiện theo quy trình, đồng thời tạo tiền lệ xấu để các đầu nậu dùng chiêu, gây khó cho công tác quản lý của Nhà nước” - ông Nhạn nói. Liên quan đến các đầu nậu tiếp tay, Sở Xây dựng đã có buổi làm việc với PC 46 (Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ) để đề nghị điều tra và làm rõ vụ việc có sự cầm đầu của các đầu nậu hay không để chuyển sang xử lý hình sự theo quy định.

Đỗ Trà Giang (Sài Gòn đầu tư tài chính)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.