24/03/2013 10:11 PM
Quan niệm xưa về ba việc quan trọng nhất của đời người là “làm nhà, cưới vợ và tậu trâu”. So với thời nay tính “trọng đại” của việc xây nhà cũng không khác trước. Khó là bởi tiền, bởi đất, bởi hộ khẩu, bởi giấy tờ, bởi thời gian… Nhưng tất cả điều đó đều không gian nan, khốn đốn bằng việc xin phép… hàng xóm.
Ngôi nhà 5 tầng của anh Nghĩa chưa thể hoàn thiện vì hàng xóm chưa... hòa giải. (Ảnh: H.N)

“Van lạy” hàng xóm

Anh Nguyễn Quang Nghĩa, nhà ở ngõ 89, Phùng Khoang, Hà Nội buồn ủ dột khi nhìn ngôi nhà anh đang xây dở đến tầng 3 thì bị đình chỉ không biết bao giờ mới được tiếp tục xây lại. Anh Nghĩa cho biết, nguyên nhân công trình của mình bị đình chỉ vì những người hàng xóm kiện tụng nhiều quá. Trước khi xây nhà, anh đã sang hết các nhà hàng xóm, từ liền kề cho đến đầu ngõ để “có nhời” xin được thông cảm vì những sự phiền hà có thể xảy ra trong quá trình xây dựng. Lời đề nghị của anh đã nhận được sự đồng cảm.

Thế nhưng, khi những người thợ chỉ vừa chạm búa, chạm đục phá ngôi nhà cũ được ít phút thì ngay lập tức, anh Nghĩa đã nhận được “kiến nghị” của bà hàng xóm liền kề yêu cầu việc phá nhà làm sao không được gây bụi và tiếng ồn. Ngay cả khi thợ đã cho bịt hết bạt xung quanh và phun nước lên tường để giảm bụi, giảm tiếng ồn thì tiếng búa, tiếng dùi đục vẫn khiến mấy hộ hàng xóm liền kề phát khùng. Họ gửi đơn lên phường yêu cầu công trình phải đình chỉ vì gây ô nhiễm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự công cộng. Cũng may khi cán bộ phường đến kiểm tra, thấy nhà anh che chắn cẩn thận, họ cũng đã ra về. Cuối cùng thì việc phá nhà cũ cũng hoàn tất.

Sau khi điều đình và thỏa thuận mãi với hàng xóm, chính quyền, cuối cùng ngôi nhà được thiết kế và xin được giấy phép xây dựng cao 5 tầng của anh Nghĩa cũng thi công được đến tầng thứ 3. Nhưng công trình chỉ được đến đây thì bị đình chỉ vì hàng xóm kiện tụng nhiều quá. Theo lời anh Nghĩa thì công trình của anh hiện nay có xây dựng được sớm hay muộn phụ thuộc hoàn toàn vào kết quả tự hòa giải với hàng xóm. Vì vậy, việc xây nhà của anh Nghĩa rơi vào bế tắc.

Không chỉ gây khó khăn bằng việc kiện tụng chủ hộ xây nhà ra chính quyền, nhiều người hàng xóm, vì không có lý do kiện tụng đã nghĩ ra những quái chiêu kỳ lạ nhằm gây khó dễ cho người xây nhà. Anh Bùi Thanh Hải nhà ở Đền Lừ (quận Hoàng Mai), bản thân cũng là một chủ thầu có tiếng ở Hà Nội kể: Anh và những thợ xây công trình đã phải chịu rất nhiều khốn khổ vì… hàng xóm. Theo lời anh Hải thì khi có ý định xây nhà, anh cũng đến có lời với từng hộ gia đình sống trong khu vực. Thế nhưng khi đào móng, anh đã bị ông hàng xóm, lại là tổ trưởng tổ dân phố kiện ra phường vì đã đào móng lấn sang đất nhà ông. Phường đã cho người xuống đo đạc và khẳng định: Nhà anh Hải đang làm trên đúng diện tích của mình. Bài một không xong, ông hàng xóm tiếp lá đơn thứ hai kiện về việc gây ô nhiễm và mất trật tự công cộng. Thêm một lần nữa phường xuống kiểm tra nhưng không phát hiện vấn đề nghiêm trọng như trong đơn. Bởi sắt thép, bê tông, cát sỏi, anh Hải đều làm ở nơi khác chuyển đến nên không gây ảnh hưởng nhiều đến môi trường hay an ninh khu vực. Lá đơn thứ ba của ông hàng xóm vẫn được khởi thảo và gửi tới phường. Nội dung lần này là kiện đơn vị đã cấp phép xây dựng cho anh Hải đòi đình chỉ ngay công trình xây dựng của anh Hải. Thế nhưng, cũng chính vì đơn kiện này, ông tổ trưởng dân phố đã bị chính quyền địa phương khiển trách Đảng vì tội vu khống.

Nhà thầu... thầu cả hòa giải

15 năm làm chủ thầu xây dựng, anh Hải không những đã trở thành một chủ thầu giàu kinh nghiệm xây dựng mà còn là một “thuyết khách”, một “cán bộ hòa giải” tài ba. Vì nghề của anh chỉ kiếm ăn được khi chủ nhà và hàng xóm của họ “hòa bình”...

Anh Hải kể, cách đây không lâu anh nhận xây nhà cho một gia đình trong một con ngõ trên phố Nguyễn Như Đổ (Hà Nội). Khu vực anh nhận xây nhà là một khu vực quần tụ của nhiều thành phần đầu gấu, bất hảo. Ông chủ nhà mà anh nhận thầu khi ấy vốn là một công chức, sống khép kín và không được lòng mấy ông hàng xóm, nhất là những người sống liền kề. Trước đó, nhiều chủ thầu xây dựng cũng đã đến nhận công trình nhưng khi nghe chủ nhà kể chuyện về những người hàng xóm, họ đã bỏ đi, không nhận xây nữa.

Vì vậy, khi anh Hải nhận lời xây nhà, ông rất mừng, giao hết việc thỏa thuận với hàng xóm cho anh Hải lo, chi phí hết bao nhiêu ông cũng chịu. Sau khi chấp nhận thỏa thuận với ông chủ, anh Hải leo lên nóc nhà để đánh giá mức độ ảnh hưởng với các hộ liền kề có thể xảy ra trong quá trình phá nhà cũ và xây nhà mới. Đánh giá tình hình xong, anh Hải sang nhà hàng xóm, vốn là một tay anh chị đề nghị bồi thường hẳn một mái nhà mới, mong hàng xóm tạo điều kiện cho anh xây dựng và cho mượn phần không gian phía trên.

Thế nhưng, nói chưa hết ý, ông hàng xóm đã nói như muốn đuổi: “Muốn làm gì thì làm, nhưng rơi cái gì sang đây thì đừng bao giờ nghĩ đến xây tiếp nữa”. Không thỏa thuận được với hàng xóm, nhưng việc xây dựng thì không thể không tiến hành. Vì vậy, trước khi động thổ, anh Hải đã lên công an phường báo cáo tình hình. Song, anh cũng biết rằng, nếu tình huống xấu quá mà đợi đến khi công an can thiệp thì việc xây dựng của anh không biết đã thiệt hại như thế nào. Vì thế, để đối phó với người hàng xóm đầu gấu, anh Hải “lấy độc trị độc”, nhờ một “đại ca” có tiếng đến nhà tay hàng xóm anh chị kia nói chuyện phải trái và cả chuyện giá cả bồi thường. Sau cuộc nói chuyện ấy, công việc xây dựng của anh tiến triển rất tốt. Thay vì phải đền cả mái nhà trị giá mấy chục triệu, anh chỉ mất mấy triệu tiền đi lại…

Sau nhiều năm, anh Hải rút ra kinh nghiệm, với bất kỳ chủ xây dựng nào, việc kiện cáo của hàng xóm vẫn là điều kinh hãi nhất. Bởi sau kiện cáo là nộp phạt, sau nộp phạt có thể sẽ là đình chỉ thi công.

Đảo Lê (Báo Hải Quan)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.