13/08/2019 8:12 AM
CafeLand – Việc sử dụng các vật liệu tái chế trong xây dựng có thể giúp các nhà đầu tư tiết kiệm chi phí, từ khâu khai thác tài nguyên sản xuất vật liệu mới, chi phí trong quy trình sản xuất, chi phí về năng lượng đến nhiên liệu và chi phí lao động. Hơn hết, vật liệu tái chế sẽ làm giảm những tác động xấu, ảnh hưởng tới môi trường.

Phế liệu sắt thép

Sản xuất thép từ sắt thép vụn là công nghệ giúp bảo vệ môi trường vì đây là nguồn nguyên liệu tái tạo. Dùng sắt thép phế liệu để sản xuất ra thép, các nhà sản xuất có thể giảm mức năng lượng tiêu thụ và giảm 1/5 phát thải khí nhà kính so với sản xuất thép từ nguồn nguyên liệu quặng sắt.

Đây cũng là một xu thế ở nhiều nước trên thế giới vì sản xuất thép từ phế liệu giúp tiết kiệm được tài nguyên, đảm bảo phát triển bền vững. Trong bối cảnh các dự báo mới nhất cho thấy trữ lượng quặng sắt của thế giới chỉ đủ đáp ứng được cho sản xuất trong vòng 70 năm nữa, sử dụng sắt thép vụn là giải pháp cần được xem xét.

Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam, năm năm gần đây, Việt Nam nhập khẩu khoảng 18 triệu tấn thép vụn. Sắt thép vụn được coi là nguồn nguyên liệu dồi dào và dự báo tăng khoảng 1 tỉ tấn vào năm 2030 và tăng thêm 1,3 tỉ tấn đến năm 2050. Căn cứ vào năng lực sản xuất của các nhà máy, hiệp hội dự báo Việt Nam cần khoảng 31,6 triệu tấn sắt thép vụn giai đoạn 2018 – 2020, trong đó nhập khẩu chiếm gần 19 triệu tấn.

Tuy nhiên, để không ảnh hưởng đến môi trường và không để Việt Nam thành bãi rác thải phế liệu, cần có quy định và chế tài xử lý nghiêm đối với các đơn vị nhập khẩu sắt thép vụn vi phạm quy định, gây tác động không tốt với môi trường.

Sử dụng chai nhựa

Ý tưởng này không những phổ biến trên thế giới mà một vài công trình ở Việt Nam cũng đã áp dụng. Thực tế cho thấy, một bức tường được xây dựng từ chai nhựa cứng hơn gấp 20 lần so với các khối kết dính bê tông thông thường. Không chỉ vậy, những ngôi nhà như vậy có khả năng chống chịu thời tiết khắc nghiệt.

Ngôi nhà độc đáo làm từ 8.800 chai nhựa ở Hà Nội

Bên cạnh đó, chi phí xây dựng nhà từ chai nhựa ước tính chỉ bằng 1/3 chi phí xây dựng nhà làm từ bê tông và gạch. Chi phí đổ đầy chai nhựa đã qua sử dụng bằng cát rẻ hơn nhiều so với mua vật liệu khác. Do đó, những ngôi nhà làm từ chai nhựa sẽ rẻ hơn nhà thông thường nên chủ nhà có thể đầu tư thêm vào các công trình phụ, bày trí, trang trí thêm.

Gạch từ gỗ vụn

Loại gạch này được pha trộn tổng hợp từ phế liệu ở các xưởng gỗ, xi măng, cát, chất kết dính, phụ gia không độc hại. Hỗn hợp vật liệu sau khi được chuyển đổi thành gạch, khối, tấm không chỉ được sử dụng trong các dự án xây dựng công nghiệp, thương mại, nhà ở mà còn dùng cho thiết kế cảnh quan. Vật liệu này có thể được đúc theo các kích cỡ, hình dạng, màu sắc và kết cấu khác nhau với chất lượng có thể so sánh với gạch và xi măng thông thường.

Gạch từ gỗ vụn có khả năng kháng lửa, mối mọt, nấm mốc, có thể được cắt bằng công cụ tiêu chuẩn của trong nghề mộc. Các khối cách nhiệt được thêm vào giúp giảm nhiệt và chi phí làm mát.

Gạch tái chế từ gỗ đem lại hiệu quả về mặt chi phí khi xây dựng các bức tường đơn lẻ hay dùng để phủ lên các bức tường hiện có trong quá trình cải tạo công trình. Ngoài ra, loại gạch này có thể được sử dụng để xây dựng hàng rào, tường chắn, nhà để xe khi được kết hợp cùng vật liệu lót như thép, gang hoặc gạch đất nung.

Phế thải xây dựng

Thực tế, lượng phế thải vật liệu xây dựng rất nhiều từ những công trình chung cư, công sở, nhà cửa phá bỏ, chủ yếu được người dân chôn lấp, vất bừa bãi hay đổ trộm ra môi trường vừa tốn diện tích đất, có nguy cơ gây nguy hại cho môi trường và gây lãng phí chi phí xử lý.

Quy trình tái chế tận dụng những phế liệu xây dựng thành vật liệu khá đơn giản. Phế liệu xây dựng sẽ được chuyển đến một bãi tập trung, cho vào máy nghiền và loại bỏ tạp chất cho ra cốt liệu thô làm đá bê tông thay thế cho đá xây dựng. Cốt liệu này sau khi trộn với cát, xi măng và nước sẽ cho ra bê tông thành phẩm.

Vật liệu xây dựng tái chế này có thể sử dụng cho các công trình hạ tầng giao thông công cộng. Đối với những dự án làm đường giao thông cần giải phóng mặt bằng, phế thải xây dựng sau khi xử lý có thể sử dụng làm vật liệu lót nền cho ngay tuyến đường đó.

  • Xu hướng sử dụng vật liệu xanh trong xây dựng hiện đại

    Xu hướng sử dụng vật liệu xanh trong xây dựng hiện đại

    CafeLand – Cùng với sự phát triển của đô thị thông minh, vật liệu xanh, thân thiện với môi trường, tiêu tốn ít năng lượng và giúp tiết kiệm được điện năng tiêu thụ đang là xu hướng mà các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) hướng tới.

Châu An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.