27/10/2020 2:46 PM
Nghị định về giám sát, đánh giá đầu tư sẽ bớt một số hoạt động, nội dung, số lượng báo cáo giám sát, đánh giá với một số chủ thể theo hướng tạo điều kiện cho DN, nhà đầu tư.

Nghị định về giám sát, đánh giá đầu tư sẽ được xây dựng trên tinh thần tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia đầu tư.

Một số nội dung mới

Theo ông Tăng Ngọc Tráng, Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Dự thảo Nghị định quy định về giám sát và đánh giá đầu tư có một số nội dung mới. Trong đó, các nội dung về giám sát, đánh giá dự án đầu tư PPP tại Chương III được rà soát, sửa đổi phù hợp quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Qua rà soát, nhiều ý kiến cho rằng, quy định tại điểm C, khoản 2, Điều 52, Nghị định số 84/2015/NĐ-CP (Chi phí cho công tác giám sát, đánh giá đầu tư do chủ chương trình, chủ đầu tư, nhà đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết hợp đồng dự án tự thực hiện hoặc thuê tư vấn thực hiện bằng 20% chi phí quản lý chương trình/dự án và được tính trong tổng mức đầu tư chương trình/dự án) là chưa rõ ràng và hợp lý.

Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định đã tiếp thu và điều chỉnh tách riêng chi phí giám sát và đánh giá đầu tư. Theo đó, chi phí cho công tác giám sát đầu tư do chủ chương trình, chủ đầu tư, nhà đầu tư, cơ quan ký kết hợp đồng dự án PPP tự thực hiện bằng 10% chi phí quản lý chương trình/dự án.

“Trong trường hợp vận dụng định mức chi phí không phù hợp hoặc chương trình/dự án có quy mô lớn hoặc trường hợp cần phải thuê tư vấn nước ngoài thực hiện thì tổ chức lập dự toán để xác định chi phí. Các quy định mới được kỳ vọng tạo điều kiện cho các cơ quan/đơn vị huy động các nguồn lực thực hiện đánh giá đầu tư toàn diện hơn”, ông Tăng Ngọc Tráng cho biết.

Điểm mới nữa trong Dự thảo Nghị định là giảm bớt hoạt động, nội dung và số lượng báo cáo giám sát và đánh giá đối với một số chủ thể. Chẳng hạn, bỏ nội dung báo cáo về “việc lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án thành phần thuộc chương trình” của chủ chương trình/chủ dự án thành phần; bỏ nội dung theo dõi, kiểm tra về “tổng hợp tình hình thực hiện lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án thành phần thuộc chương trình và quyết định điều chỉnh dự án thành phần thuộc chương trình (nếu có)” của cơ quan chủ quản và người có thẩm quyền quyết định đầu tư chương trình.

Tại cuộc họp Ban soạn thảo Nghị định quy định về giám sát và đánh giá đầu tư do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chủ trì vào ngày 23/10, cho ý kiến về Điều 12, Dự thảo Nghị định về trách nhiệm giám sát đầu tư công, đại diện Cục Kế hoạch và Tài chính (Bộ Công an) ghi nhận, Dự thảo đã có sửa đổi quy định kiểm tra các dự án có thời gian thực hiện trên 12 tháng thành kiểm tra ít nhất một lần đối với các dự án có thời gian thực hiện trên 24 tháng.

Cũng tại Điều 12, Dự thảo yêu cầu kiểm tra khi điều chỉnh dự án, đại diện Bộ Công an kiến nghị, cần quy định rõ việc kiểm tra dự án theo hình thức kiểm tra thực tế hay kiểm tra qua hồ sơ. “Trong thời gian qua, chúng tôi điều chỉnh tới vài chục dự án, nên hầu như không có người đi kiểm tra thực tế, mà chỉ kiểm tra qua hồ sơ, bởi có những dự án điều chỉnh rất nhỏ”, vị đại diện Bộ Công an cho biết.

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, giám sát đầu tư là can thiệp của bên thứ ba vào quá trình đầu tư, hoặc có trường hợp bên thứ ba cũng chính là cơ quan quyết định chủ trương đầu tư thực hiện giám sát hoặc có thể có thêm thành phần thứ 3 là giám sát cộng đồng hay đơn vị giám sát độc lập đối với dự án đầu tư.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị, cần xây dựng quy định đánh giá và giám sát Dự án đầu tư khác biệt so với nội dung thanh, kiểm tra và kiểm toán.

“Sự can thiệp giám sát đánh giá với dự án đầu tư công không nảy sinh vấn đề gì, vì lâu nay chúng ta vẫn làm. Còn với các dự án không phải đầu tư công thì thực hiện giám sát ở mức độ nào, ở những đơn vị có đầu tư theo hình thức đặc biệt không phải đầu tư công thì thực hiện giám sát ra sao?”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nêu.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị, cần xây dựng quy định đánh giá và giám sát dự án đầu tư khác biệt so với nội dung thanh, kiểm tra và kiểm toán. Mục đích là đưa ra khuyến nghị điều chỉnh thực hiện dự án cho hiệu quả, chứ không phải bắt bẻ nhau. Trên cơ sở làm rõ nội hàm đó, sẽ làm rõ tần suất đánh giá cứng (theo quy định) và mềm (theo quyết định của người có thẩm quyền). Nhưng nhất thiết khi thực hiện dự án đầu tư, phải có đánh giá, ít nhất 1 lần trong vòng đời thực hiện dự án, đặc biệt là quy mô dự án từ nhóm B trở xuống.

Theo đó, tinh thần xây dựng Nghị định là tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia đầu tư. Giám sát và đánh giá đầu tư sẽ hướng đến xem dự án hiệu quả hay không. Ông Trần Quốc Phương cho rằng, với dự án đầu tư công, vốn nhà nước thì phải giám sát chặt chẽ; còn với đầu tư tư nhân, hướng tiếp cận đánh giá, giám sát cũng không nên quá chặt, nhưng dự án sử dụng đất của Nhà nước không hiệu quả thì phải có đánh giá và có thể xem xét thu hồi đất.

Quang Đăng (Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.