Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/10/2020, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 23,48 tỷ USD, bằng 80,6% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn giải ngân ước đạt 15,8 tỷ USD, bằng 97,5% so với cùng kỳ.
Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 10,7 tỷ USD, chiếm 45,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 4,8 tỷ USD, chiếm 20,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ ba với tổng vốn đăng ký gần 3,5 tỷ USD, bán buôn bán lẻ xếp thứ tư với 1,4 tỷ USD.
Cụ thể, có 2.100 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giảm 32,1% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký mới đạt 11,66 tỷ USD, giảm 9,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Về vốn điều chỉnh, có 907 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, giảm 20,8% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 5,71 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ. Vốn điều chỉnh trong 10 tháng tăng do có Dự án tổ hợp hoá dầu Miền Nam Việt Nam tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Thái Lan) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 1,386 tỷ USD và dự án Khu Trung tâm đô thị tây hồ Tây (Hàn Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 774 triệu USD.
Đặc biệt, đã có 109 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam , trong đó Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 7,51 tỷ USD, chiếm 31,9% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 3,42 tỷ USD, chiếm 14,6% tổng vốn đầu tư. Trung Quốc đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,17 tỷ USD, chiếm 9,2% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan,...
Nhìn vào số liệu trên cho thấy, vốn trước kia vị trí quán quân trong danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư lớn vào Việt Nam luôn là Hàn Quốc hay Nhật Bản. Nhưng năm nay, Singapore đã bất ngờ vượt lên và có một cú "soán ngôi ngoạn mục".
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung (thứ hai từ trái sang) trao chứng nhận cho nhà đầu tư - Công ty TNHH Delta Offshore Energy Pte. Ltd (DOE, Singapore).
Trên thực tế, Singapore chính thức soán ngôi ngay từ hồi tháng 2/2020, sau khi Dự án Điện khí Bạc Liêu, vốn đầu tư 4 tỷ USD, được cấp chứng nhận đầu tư. Vào thời điểm đó, COVID-19 đã bắt đầu xuất hiện và trong khi một số nhà đầu tư bắt đầu trì hoãn việc ra các quyết định đầu tư, thì chủ đầu tư của Điện khí Bạc Liêu vẫn quyết tâm theo đuổi dự án này.
Kể cả sau này, khi đại dịch COVID-19 đã lan rộng, các cuộc làm việc online với các cơ quan chức năng Việt Nam vẫn tiếp tục được Delta Offshore Energy Pte. Ltd thực hiện. Mục tiêu của chủ đầu tư là đàm phán và ký kết hợp đồng mua bán điện trước tháng 10/2020.
Theo kế hoạch, Dự án sẽ hoàn thành việc chuẩn bị đầu tư vào cuối năm nay, để có thể sớm khởi công xây dựng và đưa giai đoạn I của Nhà máy vận hành vào năm 2024.
Thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong làn sóng đầu tư đang dịch chuyển hậu COVID-19, các nhà đầu tư Singapore cũng đang tìm kiếm các cơ hội đầu tư ở khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam. Các lĩnh vực mà họ tập trung là logistics, năng lượng, tài chính, thực phẩm và đồ uống, giáo dục, y tế, đặc biệt là các start-up trong lĩnh vực công nghệ…
Theo địa bàn đầu tư, vốn FDI đã rót vào 59 tỉnh, thành phố, trong đó tỉnh Bạc Liêu vẫn tiếp tục dẫn đầu với 1 dự án lớn có vốn đầu tư 4 tỷ USD, chiếm 17% tổng vốn đầu tư đăng ký. Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký đạt 3,4 tỷ USD, chiếm 14,6% tổng vốn đầu tư. Thành phố Hà Nội đứng thứ ba với 3,13 tỷ USD, chiếm 13,3% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, thành phố Hải Phòng.…
Nếu xét theo số lượng dự án mới thì TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu với 776 dự án, Hà Nội đứng thứ hai với 438 dự án, Bắc Ninh đứng thứ ba với 125 dự án…
-
Nhà đầu tư Singapore tăng vốn vào tài chính, công nghệ
Ngoài lĩnh vực bất động sản, gần đây, Việt Nam được xem là thị trường trọng điểm của nhiều doanh nghiệp tài chính, công nghệ đến từ Singapore.