Trong khi Nhà nước, các cơ quan chức năng đang rốt ráo hoàn thiện khung pháp định cho ngành xây dựng nói chung, BĐS nói riêng, liên tiếp thời gian gần đây cho thấy thực trạng đáng buồn liên quan tới cá nhân, doanh nghiệp vi phạm pháp luật quản lý.
Nhượng thầu hay "bán cái"?
Liên quan tới gói thầu số 9 (dự án Xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn qua Đăk Lăk) được Bộ GTVT chỉ định thầu cho liên danh Tổng công ty CP Sông Hồng – Công ty Xây dựng TM Sài Gòn thi công, vừa qua đã có đề nghị của Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông với Bộ GTVT về việc chấm dứt hợp đồng đối với TCT CP Sông Hồng.
Theo thông tin từ cơ quan chức năng, với giá trị lên tới hơn 110 tỷ đồng, gói thầu lại không được TCT CP Sông Hồng trực tiếp thi công, mà lại cho Công ty CP Sông Hồng 36, tiếp tục "qua tay" 2 doanh nghiệp khác là Công ty Tân Việt Bắc và Công ty TNHH Xây dựng Thành Đô. Sự việc được lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm chất lượng, hợp đồng xây dựng (bao gồm cả vụ lình xình của TCT CP Sông Hồng). Hệ quả: Công ty Sông Hồng 36 bị "Tổng" đình chỉ thi công, miễn nhiệm lãnh đạo doanh nghiệp (!)
Sau cơ cấu, là sai phạm
Cuối tháng 5/2014, sau khi người dân tại tòa nhà N04B2 (Cầu Giấy, Hà Nội) phản ánh liên tục về nhiều sai phạm trong quá trình thi công dự án tòa nhà chung cư N04B1 (do Công ty CP Phát triển Đô thị Từ Liêm – Lideco làm chủ đầu tư), UBND Q.Cầu Giấy đã kiểm tra, xử phạt hành chính Lideco 40 triệu đồng và đình chỉ thi công, vì lỗi khởi công không có GPXD.
Cũng như nhiều dự án trọng điểm về phát triển hạ tầng đô thị - giao thông, dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội cũng mắc căn bệnh phổ biến - chậm tiến độ và "đội" chi phí
Trước đó, theo nhiều cư dân tại tòa nhà N04B2, việc Lideco thi công mở rộng diện tích xây dựng tòa nhà N04B1 gần như áp sát hai tòa nhà (có chỗ chỉ 2m) – vi phạm quy định về khoảng lưu không giữa hai công trình theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam 01:2008/BXD (khoảng trên dưới 10m). Sau khi được Bộ Xây dựng trả lời rõ ràng về yêu cầu đối với khoảng lùi xây dựng công trình cao tầng N04B1 vào năm 2010, tới đầu năm 2014, Lideco cấp tập thực hiện thi công với quy mô 17 tầng và không treo biển báo, công bố thông tin về dự án.
"Ông lớn" cũng… ra rìa
"Thương hiệu mạnh" Vinaconex chính thức bị "rớt đài" tại dự án cầu Thủ Thiêm 2, vì tốc độ thi công "siêu rùa bò" (5 năm). UBND Tp.HCM vừa chỉ định chủ đầu tư mới cho dự án giao thông trọng điểm này là Công ty CP Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT). Cầu Thủ Thiêm 2 nằm trong quy hoạch xây dựng 4 cầu Thủ Thiêm để kết nối hạ tầng khu đô thị mới (Q.2) và khu đô thị cũ (Q.1) với thiết kế 6 làn xe chạy, tốc độ thiết kế tối đa 80km/h. Năm 2008, Vinaconex được UBND Tp.HCM giao nghiên cứu đầu tư xây dựng, nhưng sau 5 năm, doanh nghiệp vẫn chưa thể xác định thời gian xây dựng (!)
Thiên Thanh và "Thanh Thiên"
Trở thành tâm điểm của doanh nghiệp BĐS lẫn giới thạo tin nhờ vị trí, vai trò trong gói 50.000 tỷ đồng chưa lâu, mới đây Tập đoàn Thiên Thanh bị lãnh đạo Tp.Đà Nẵng đích danh "bêu tên" liên quan tới hoạt động đầu tư dự án Khu trung tâm thương mại thuộc khu đất số 209 đường Trường Chinh. Được biết, thời điểm 2011, Tập đoàn Thiên Thanh được Tp. Đà Nẵng cấp phép đầu tư dự án xây dựng khu thương mại tại khu đất số 209 đường Trường Chinh (QL1A), diện tích 2,2 ha.
Được tạo thuận lợi về chính sách đối với mảnh đất có vị trí đắc địa bậc nhất Đà thành, doanh nghiệp Thiên Thanh lại "quên" cam kết ban đầu với chính quyền và tự ý thay đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng và khai thác trái phép tại khu đất bằng các hình thức: mở dịch vụ làm sân đá bóng, ki-ốt, cho thuê làm bãi đậu đỗ xe khách, xe tải… Tp.Đà Nẵng buộc DN này phải tháo dỡ các hạng mục công trình xây dựng trái phép.
Ngổn ngang đường sắt đô thị
Là một trong những dự án trọng điểm về phát triển hạ tầng đô thị của Hà Nội, dự án Đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội cũng mắc "căn bệnh" phổ biến – chậm tiến độ. Liên tiếp ì ạch nhiều năm sau khởi công, dự án tăng chi phí tư vấn khoảng 27,3 triệu Euro so với kế hoạch ban đầu. Theo tính toán của chủ đầu tư và Tư vấn Systra, thời gian sẽ kéo dài đến tháng 11/2018. Đầu tháng 6/2014, đích thân lãnh đạo Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư làm rõ trách nhiệm của các bên trong quá trình triển khai dự án, đối với các lỗi chính: GPMB và tiến độ thi công. Thậm chí, BQL dự án Đường sắt đô thị Hà Nội còn bị... phê bình vì chậm đôn đốc nhà thầu thi công.
UBND Tp.Hà Nội xác định nguyên nhân của chậm tiến độ là do tuyến thí điểm đầu tiên, lại là dự án lớn, kỹ thuật phức tạp, vốn đầu tư đa dạng, với 4 nhà tài trợ. Bên cạnh đó sự phối hợp giữa BQL với các đơn vị chưa chặt chẽ, chưa quyết liệt tháo gỡ vướng mắc, khó khăn. Còn về phần "phụ trội" do chủ đầu tư gia hạn dịch vụ tư vấn với Systra (lên tới hàng chục triệu euro), dư luận vẫn chưa nhận được câu trả lời chính thức.