Vốn lớn, chậm thu hồi vốn là lý do khiến nhiều DN đã phớt lờ việc xây dựng và quy hoạch bãi đỗ xe trong dự án của mình. Hà Nội đã phải bố trí bãi đỗ xe ở mọi nơi có thể, thậm chí cả lòng đường, bờ sông, dưới chân cầu vượt…
Bãi đỗ xe cao tầng tự động đầu tiên tại Hà Nội trên phố Nguyễn Công Trứ Ảnh: S.T

DN không hứng thú

Đánh giá của Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho thấy, mạng lưới bãi xe còn thiếu rất nhiều so với nhu cầu, hơn thế nữa chất lượng phục vụ yếu kém, nguyên nhân là do sự bùng nổ của phương tiện giao thông cá nhân. Theo thống kê, trên địa bàn Hà Nội hiện có 1.245 điểm, bãi đỗ xe có phép, với tổng diện tích 43,84 ha, chiếm khoảng 57,34% diện tích đất dành cho giao thông tĩnh. Tuy nhiên, các điểm, bãi đỗ xe công cộng được cấp phép chỉ mới đáp ứng khoảng 8 - 10% nhu cầu đỗ xe, còn lại khoảng 90 - 92% số phương tiện đang đỗ tại các điểm đỗ xe của chung cư, khu đô thị, vỉa hè...

Đặc biệt, trong quy hoạch và cấp phép xây dựng đều nêu rõ các nhà cao tầng chỉ cấp phép khi trong bản thiết kế xây dựng phải bố trí đầy đủ các điểm đỗ xe. Thế nhưng, qua kiểm tra đã phát hiện, nhiều tòa nhà trong quá trình thi công, quá trình sử dụng các chủ sở hữu đã cố tình thay đổi các bãi đỗ xe so với thiết kế ban đầu hoặc bị sử dụng sai mục đích.

Chính việc thiếu quy hoạch đồng bộ cùng với số lượng phương tiện tăng quá nhanh đã khiến các bãi đỗ xe ở Hà Nội rơi vào tình trạng quá tải và thiếu trầm trọng. Vì vậy, nếu không có lời giải kịp thời thì bài toán giao thông tĩnh của Hà Nội sẽ ngày càng trở nên nan giải hơn.

Để xây dựng một bãi trông giữ xe hiện đại, chưa kể đến việc thu xếp được nguồn vốn đất, các DN phải chi hàng chục tỉ đồng cho một bãi đỗ trong khi đó phải mất 15-20 năm sau mới có thể thu hồi được vốn. Vì vậy, đối với nhiều DN, mặc dù hiệu quả xã hội thì đã rõ nhưng hiệu quả về kinh tế vẫn còn rất mơ hồ nên hầu hết các DN đều không “mặn mà” với việc đầu tư xây dựng những bãi đỗ xe.

Theo ông Thạch Như Sỹ, Phó Chánh thanh tra Bộ Giao thông vận tải, để xây dựng một bãi đỗ xe cao tầng, mỗi dự án phải mất 1-2 năm để thực hiện đầy đủ thủ tục đầu tư như các dự án kinh doanh khác, sau đó là khâu giải phóng mặt bằng trong vài năm tiếp theo. Vì thế phải mất 3 năm mới có thể ra một dự án nếu phải giải phóng mặt bằng. Một vấn đề khiến các DN gặp khó khi thực hiện các dự án bãi đỗ xe là thiếu đất sạch (đất không phải giải phóng mặt bằng) để giảm mức đầu tư, thủ tục đầu tư và nguồn vốn. Ngoài ra một rào cản nữa khiến DN không hứng thú với đầu tư vào xây dựng các bãi đỗ xe là mức thu phí đỗ xe hiện đang được Nhà nước quy định vẫn còn quá thấp, DN không được quyền tự quyết giá trông xe, kéo dài thời gian thu hồi vốn của DN.

Giải pháp nào?

Để khắc phục tình trạng trên, nhiều DN đã được TP.Hà Nội tạo điều kiện về mặt bằng sạch (không phải đầu tư giải phóng mặt bằng), nguồn vốn được vay từ quỹ đầu tư phát triển thành phố với lãi suất 0% trong 15 năm… nhằm nhanh chóng triển khai các dự án bãi đỗ xe.

UBND TP.Hà Nội cũng đã giao cho một số đơn vị trực thuộc xây dựng các bãi đỗ xe cao tầng, hiện đại để phục vụ nhu cầu của người dân, trong đó có việc xây dựng giàn đỗ xe cao tầng bằng thép đầu tiên ở Hà Nội.

Kiến trúc sư Lưu Đức Hải, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, trong điều kiện hiện tại của Việt Nam, giàn đỗ xe cao tầng bằng thép là một giải pháp tương đối phù hợp. Quá trình thi công rất cơ động, xây dựng nhanh (khoảng 15 ngày), nếu cần điều chỉnh tháo dỡ cũng chỉ cần 5 ngày là xong. Hơn nữa, những bãi đỗ xe cao tầng này có thể triển khai ở những khu đất kẹt, hệ thống tiếp cận khớp nối tổ chức giao thông khu vực, đặt vài năm rồi di chuyển. Đây là một mô hình hoàn toàn có thể nhân rộng.

Tuy nhiên, theo tính toán của ông Vũ Hồng Trường - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội Transerco, để có 1 bãi đỗ xe cao tầng cho 30 vị trí đỗ, đơn vị này đã phải chi tới trên 13 tỉ đồng và phải đặt mua công nghệ hoàn toàn từ Hàn Quốc, Nhật Bản. Điều đáng nói ở đây là với mức phí trông giữ xe ngày, đêm từ 2-2,5 triệu đồng/xe/tháng và 30.000 đồng/xe/lượt 120 phút theo đúng quy định về mức giá trông giữ xe của UBND TP.Hà Nội thì dự kiến Transerco sẽ phải mất từ 15-50 năm mới có thể thu hồi vốn.

Đó là chưa kể dự án này được Hà Nội ưu tiên về vốn, mặt bằng. Nếu phải tự bỏ vốn đầu tư, tự đền bù giải phóng mặt bằng thì thời gian thu hồi vốn chắc hẳn phải mất cả 100 năm. Trong khi đó, tuổi thọ của một giàn thép cao tầng đạt được ít nhất là 20 năm về máy móc, 40 năm về khung thép và cần thường xuyên được duy tu, bảo dưỡng.

Trước những khó khăn trên, để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực này, có nên xem xét xây dựng ban hành giá trông giữ xe dành riêng cho các công trình có đầu tư nhằm đảm bảo cho nhà đầu tư có thể đẩy nhanh việc thu hồi vốn theo quy định của Nhà nước?

Theo Xuân Thảo (Báo Hải Quan)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.