Rất khó kêu gọi các nhà đầu tư tham gia xây dựng bến xe mới vì khả năng sinh lời, thu hồi vốn không cao.
UBND Tp.HCM vừa chấp thuận chủ trương cho Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco) làm chủ đầu tư dự án xây dựng Bến xe Suối Tiên tại quận 9 (thay thế Bến xe Miền Đông) và Bến xe Tân Quý Tây tại huyện Bình Chánh (thay thế Bến xe Miền Tây).


Bến xe Miền Đông hiện luôn trong tình trạng quá tải cả ở bên trong lẫn bên ngoài nhà ga. Ảnh: L.ĐỨC

Chạy đua “phí sức” với metro

Theo kế hoạch, đến năm 2015 hai bến xe mới phải được xây xong nhằm giải tỏa các bến hiện hữu trong nội đô (chuyển thành nhà ga cho xe buýt nội đô và xe buýt đi các tỉnh liền kề). Các bến mới sẽ được kết nối với các tuyến metro và xe điện mặt đất để đưa hành khách từ các tỉnh vào-ra trung tâm TP. Thời gian qua, UBND TP liên tục thúc Samco đẩy nhanh việc xây dựng hai bến xe mới nhằm bắt nhịp với tiến độ xây dựng tuyến metro và xe điện mặt đất.

Tuy nhiên, hiện tiến độ thực hiện các dự án metro và xe điện mặt đất chưa suôn sẻ. Cụ thể, dự án xây dựng tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên khởi động từ đầu năm 2008, dự kiến hoàn thành vào năm 2013 nhưng mới đây, Sở GTVT xác định phải đến sau năm 2016 mới có thể hoàn thành.

Ở phía tây TP, Công ty Cổ phần BOT Cầu Phú Mỹ (PMC) đã ký bản ghi nhớ với Sở GTVT về việc xây dựng tuyến xe điện mặt đất Sài Gòn-Bến xe Miền Tây, chạy dọc đại lộ Đông-Tây. Mới đây, một số đối tác lại đề xuất ý tưởng làm tuyến xe điện một ray chạy trên cao (monorail) dọc theo đại lộ Đông-Tây thay cho tuyến xe điện mặt đất của PMC. Cạnh đó, các nhà quy hoạch giao thông cũng đưa ra ý tưởng xây dựng Bến xe Miền Tây hiện tại thành depot và nhà ga chuyển tiếp của các tuyến đường sắt đô thị.

Theo một cán bộ của Samco, khi dự án metro lùi thời gian hoàn thành, xe điện mặt đất hoặc monorail chỉ mới là ý tưởng hoặc hợp đồng ghi nhớ thì việc “chốt” thời hạn (năm 2015) phải xây xong hai bến xe mới là không thực tế và có thể gây lãng phí (cho cả bến cũ và mới). Giả sử hai bến mới xây xong mà chưa có metro, xe điện mặt đất hoặc monorail kết nối thì hai bến này sẽ nằm bơ vơ, đói khách, đói xe…

Tiền đâu để có “đất sạch”?

Từ đầu năm 2007, UBND TP đã giao Samco nghiên cứu dự án xây dựng hai bến xe mới với cơ chế ưu đãi về vốn vay. Theo Quyết định 83/2006 của UBND TP, đầu tư vào bến bãi được hỗ trợ lãi vay 8%/năm, lúc đó lãi suất ngân hàng là 12%/năm. Nhưng đến nay, lãi suất ngân hàng đã lên đến 19,5%/năm nên nhà đầu tư phải chịu mức lãi suất đến 11,5%/năm.

Theo ông Phạm Quốc Tài, Phó Tổng Giám đốc Samco, tổng kinh phí đầu tư xây mới hai bến xe là 3.700 tỉ đồng, trong đó chi phí bồi thường, giải tỏa là 1.700 tỉ đồng. Do nhận thấy không thể kham nổi mức lãi suất hiện hành, Samco đã đề xuất TP xem xét hỗ trợ mức lãi vay, có thể là 4%/năm.

Một hướng tháo gỡ về vốn khác là TP (hoặc Samco) kêu gọi các nhà đầu tư bỏ vốn ứng trước làm hai bến mới để sau này được quyền khai thác đất ở hai bến cũ. Tuy nhiên, khi đó hai bến xe cũ phải được dùng vào mục đích khác (xây dựng thành trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng cho thuê…) thay vì thành bến xe buýt hoặc depot metro. Hướng gỡ này rất khó thực hiện vì trước hết TP phải xin Thủ tướng điều chỉnh lại quy hoạch đã được phê duyệt từ năm 2007.

Bỏ tiền tỉ, thu bạc cắc

Tháng 9, UBND TP yêu cầu Samco tự đầu tư xây dựng khai thác phần hạ tầng kỹ thuật chung của hai bến xe. Đồng thời, Samco có thể huy động nhiều nhà đầu tư khác tham gia các hạng mục cụ thể của dự án theo hướng xã hội hóa.

Theo ông Phạm Quốc Tài, để có khoảng 2.000 tỉ đồng xây dựng hai bến xe mới, Samco cũng phải đi vay và chịu mức lãi suất như khoản vay cho việc bồi thường, giải tỏa. Còn việc kêu gọi các nhà đầu tư khác tham gia xây dựng là rất khó vì khả năng sinh lời, thu hồi vốn từ khai thác bến xe không cao. Ông Nguyễn Ngọc Thừa, Giám đốc Bến xe Miền Đông, phân tích thêm: Hiện nay các bến xe chỉ có ba nguồn thu chính là hoa hồng bán vé (nếu được các doanh nghiệp ủy thác), phí dịch vụ xe qua bến và phí đậu xe qua đêm. Nếu dựa vào ba khoản thu này, không biết đến lúc nào mới thu hồi đủ vốn xây dựng bến xe.

Mô hình chung của hai bến xe mới là kết hợp với các khu vực thương mại, dịch vụ, văn phòng cho thuê, nhà nghỉ (cho lái xe và khách vãng lai). Thực tế của Bến xe Miền Đông hiện nay cho thấy dù đây là bến lớn, hiện đại nhất nước với nhà ga bên dưới, siêu thị và văn phòng bên trên nhưng hiệu quả kinh doanh không cao. Hiện chỉ có một số hãng xe khách thuê một ít diện tích ở đây để làm văn phòng điều hành.

Với Bến xe Suối Tiên, gần đây có một số hãng xe khách đánh tiếng hùn tiền làm bến nhưng theo đánh giá của Samco thì đó chỉ là cách đặt chỗ thuê văn phòng sau này. “Các doanh nghiệp, nhà đầu tư không mặn mà với việc bỏ tiền xây bến xe mới, lãi suất vay ngân hàng cao trong khi TP không bao cấp ngân sách để làm bến xe mới. Do vậy, chưa rõ bao giờ hai bến mới mới được xây dựng”- một lãnh đạo Samco cho biết.

Đến năm 2015, TP có bốn bến xe mới

Theo quy hoạch, đến năm 2015 TP sẽ xây dựng bốn bến xe với tổng diện tích khoảng 79 ha, gấp ba lần tổng diện tích các bến hiện nay. Ngoài Bến xe Suối Tiên (hơn 23,5 ha) và Bến xe Tân Quý Tây (14,8 ha), TP có chủ trương xây dựng bến xe xuyên Á, huyện Hóc Môn (24 ha) để phục vụ hành khách các tỉnh đi qua quốc lộ 22 và đi Campuchia. Còn Bến xe Long Trường-sông Tắc, quận 9 (15-19 ha) sẽ bám theo trục đường cao tốc Long Thành-Dầu Giây nhằm phục vụ hành khách đi các tỉnh ven biển miền Trung, Bà Rịa-Vũng Tàu và Đà Lạt, Lâm Đồng.
Cafeland.vn - Theo PL TPHCM
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland