Trong ngày đầu, giá vàng trong nước giảm 300.000 đồng nhưng độ vênh với giá thế giới vẫn chênh nhau khoảng 1,3 triệu đồng.
Xả 6 tấn vàng
Để có một giải pháp dài hơi, cơ quan chức năng nên tạo
lòng tin cho người dân vào tiền đồng, phát hành kỳ phiếu vàng để rút
vàng trong dân về chống hiện tượng vàng hóa gia tăng
Ông Trần Thanh Hải - Tổng giám đốc VGB
Sự can thiệp nguồn cung trên thị trường vàng ngay tức thì tác động mạnh đến giá vàng. Khoảng 8 giờ 10 ngày 6.10, SJC công bố giá vàng miếng tăng lên 44,1 - 44,5 triệu đồng (tăng 150.000 đồng/lượng so với chiều 5.10). Trong khi đó giá vàng thế giới tăng 34 USD/ounce (tương đương 880.000 đồng/lượng) so với ngày 5.10, lên 1.642 USD/ounce. Giá thế giới liên tục tăng trong buổi sáng và đạt mức cao nhất 1.650 USD/ounce vào buổi trưa, tăng 41 USD/ounce so với ngày 5.10. Thế nhưng giá vàng SJC lại quay đầu giảm, đến chiều giá mua bán còn 43,65 - 44,05 triệu đồng/lượng (giảm 450.000 đồng/lượng so với đầu ngày và giảm 300.000 đồng/lượng so với ngày 5.10). Thay vì cao hơn giá SJC như những ngày trước đây, giá vàng SJC trong hệ thống NH ngày 6.10 tranh bán với giá thấp hơn 10.000 đồng/lượng. Giá vàng thế giới tăng, giá trong nước giảm khiến mức chênh lệch giá trong nước cao hơn kéo từ 2,5 triệu đồng/lượng xuống còn 1,3 triệu đồng/lượng trong ngày 6.10.
Người dân thấy giá vàng xuống sát 44 triệu đồng/lượng đã đổ xô đi mua vàng trong ngày 6.10. Tại hội sở SJC trên đường Nguyễn Công Trứ, Q.1, TP.HCM, dòng người xếp hàng chờ mua vàng kín cả tầng trệt. Đại diện SJC cho biết công ty đã bán ra khoảng 20.000 lượng vàng, mua vào không bao nhiêu. Bà Nguyễn Thị Cúc - Phó tổng giám đốc Công ty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho biết chỉ trong sáng 6.10, công ty đã bán ra 2.000 lượng vàng, trong đó ở khu vực Hà Nội bán được 800 lượng. Trong ngày 6.10, PNJ bán được khoảng 4.000 lượng vàng. Riêng buổi sáng 6.10, 5 NH cùng SJC đã bán ra hơn 4 tấn vàng và cả ngày 6.10 bán gần 6 tấn.
Thị trường USD tự do ngày 6.10 giảm hơn 100 đồng/USD so với ngày 5.10, xuống 21.500 - 21.550 đồng/USD trong khi tỷ giá USD trong hệ thống NH tăng từ 10 - 20 đồng/USD so với ngày 5.10, giá mua bán USD lên 20.850 - 20.854 đồng/USD.
Rủi ro 2 chiều
Có nên mua vàng lúc này? “Người dân không nên mua vàng vào thời điểm hiện nay khi các
đơn vị đang thực hiện mục tiêu đưa giá vàng trong nước cao hơn thế giới từ 2,5
triệu đồng xuống còn 400.000 đồng/lượng trong vài ngày tới. Trong trường hợp
giá thế giới có tăng hay giảm mạnh, giá trong nước đứng yên và khả năng giảm để
kéo ngắn khoảng cách này. Khi lực mua trên thị trường giảm, giá trong nước sẽ
bám sát giá thế giới”, một phó tổng giám đốc công ty kinh doanh vàng khuyên.
Theo ông Trần Thanh Hải - Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư và kinh
doanh vàng VN (VGB), giải pháp can thiệp thị trường vàng không được báo
trước tạo ra một hiện tượng nguy hiểm. Đó là giá thế giới tăng hơn 40
USD/ounce, nhưng giá trong nước lại giảm. Sự phán đoán giá thế giới đã
khó, nay càng khó hơn khi người mua vàng phải đối phó với giá trong
nước. Những người ôm vàng ở mức giá quanh 45 triệu đồng/lượng cách đây
vài ngày khi căn cứ vào dự báo giá thế giới tăng, giá trong nước cao hơn
2 triệu đồng/lượng đã "ăn đòn" khi “5+1” triển khai bán vàng.
Ông Hải cho rằng thị trường vàng hiện nay đang “giật cục” nên người muốn mua vàng cần thận trọng. Hơn nữa khả năng cung ứng vàng ra thị trường của các đơn vị có hạn nên việc bán ra bất cứ giá nào mà không xem xét thị trường cũng là điều nguy hiểm cho chính các đơn vị thực hiện. Trong trường hợp lực bán vàng của các đơn vị diễn ra một chiều, người dân mua vàng rồi cất giữ không bán, lúc này công ty, NH lấy vàng đâu ra mà bán nếu không muốn nói đến nhập khẩu. Theo ông Hải, trước giờ xem vàng “bà con” với tỷ giá nhưng vàng là phần ngọn và tỷ giá là phần gốc. Không thể xem việc giải quyết vàng để ổn định tỷ giá. Để có một giải pháp dài hơi, cơ quan chức năng nên tạo lòng tin cho người dân vào tiền đồng, phát hành kỳ phiếu vàng để rút vàng trong dân về chống hiện tượng vàng hóa gia tăng.