Báo cáo cho rằng, dù môi trường toàn cầu còn chưa khởi sắc, kinh tế Việt Nam vẫn ổn định nhờ nhu cầu trong nước cao và ngành sản xuất chế tạo chế biến định hướng xuất khẩu. GDP năm nay được dự báo tăng 6%, thấp hơn so với ước tính năm ngoái 6,7% và dự báo 2017 đạt 6,3%.
Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra, tăng trưởng của Việt Nam giảm nhẹ xuống 5,9% trong ba quý đầu năm, chủ yếu do đợt hạn hán nghiêm trọng khiến sản lượng nông nghiệp thấp, sản lượng dầu thô bị cắt giảm và nhu cầu bên ngoài chững lại.
“Ổn định kinh tế vĩ mô ở Việt Nam là môi trường thuận lợi để các nhà hoạch định chính sách đẩy mạnh tái cơ cấu, đây là điều kiện thiết yếu để tiến tới mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất. Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, vừa được Quốc hội thông qua, sẽ xử lý được một số bất cập phát sinh trong quá trình tăng trưởng kinh tế”, ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá.
Báo cáo cũng cho biết bội chi ngân sách của Việt Nam đang ở mức cao và đang tiến sát ngưỡng Quốc hội cho phép là 65% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tuy nhiên Chính phủ đã tiếp tục cam kết củng cố tình hình tài khóa trong trung hạn. Thành quả kinh tế vừa qua phần nào có được do tăng trưởng tín dụng cao và chính sách tài khóa tạo hỗ trợ, có thể giúp thúc đẩy các hoạt động kinh tế trong ngắn hạn nhưng lại làm tăng những rủi ro tài khóa và tài chính hiện hữu trong trung hạn.
Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ đã được nới lỏng khá nhiều và tăng trưởng tín dụng tiếp tục ở mức cao, có thể làm gia tăng những nguy cơ dễ tổn thương hiện hữu về tài chính và kinh tế vĩ mô. Triển vọng trong trung hạn phải tính đến một số rủi ro bất lợi, như chậm trễ trong triển khai chuyển đổi cơ cấu và cải cách tài khóa, kinh tế toàn cầu tiếp tục suy giảm, tình hình thị trường tài chính toàn cầu chưa khả quan và viễn cảnh tăng lãi suất tại Mỹ.