11/04/2016 10:30 PM
Theo WB, nợ công tăng nhanh trong khi dự trữ ngoại tệ thấp, và đang có xu thế giảm, đang là lý do gây quan ngại với nền kinh tế Việt Nam.
Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế khu vực Đông Á, Thái Bình Dương. Trong đó, WB đánh giá, nợ công tăng nhanh trong khi dự trữ ngoại tệ thấp (và đang có xu thế giảm) đang là lý do gây quan ngại với nền kinh tế Việt Nam.
Nợ công tăng nhanh
Tới thời điểm này, WB đánh giá ổn định và bền vững kinh tế vĩ mô Việt Nam được duy trì về cơ bản, tuy nhiên tình trạng nợ công tăng nhanh trong khi dự trữ ngoại tệ thấp (và đang có xu thế giảm) đang là lý do gây quan ngại.
Phân tích kỹ hơn về đánh giá này, chuyên gia của WB cho biết: CPI giảm điểm 1% so với năm 2015 và đạt mức thấp nhất kể từ 2001. Tỉ giá hối đoái so với đồng USD được điều chỉnh đều đặn trong năm 2015 để ứng phó với biến động trên thị trường tài chính toàn cầu.
Mới đây, tháng 1/2016, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã áp dụng một chính sách quản lý tỉ giá linh hoạt hơn, trong đó có biện pháp qui định tỉ giá tham chiếu hàng ngày. Tuy vậy tổng dự trữ ngoại tệ đã giảm xuống mức hai tháng nhập khẩu càng làm cho nền kinh tế dễ bị tổn thương hơn trước các cú sốc từ bên ngoài.
WB nhận định tỉ lệ nợ trên GDP của Việt Nam trong năm 2016 sẽ ở mức 63,8% (Ảnh minh họa: KT)
Thâm hụt tài khoá đạt 6,5% GDP trong năm 2015 là kết quả của giảm thu và tăng chi đầu tư cơ bản và chi thường xuyên. Yếu tố này đã làm áp lực tài khoá tăng lên. Ước tính, nợ công và nợ do nhà nước bảo lãnh (theo quy định của Bộ Tài chính) đã đạt mức 62,5% GDP năm 2015, trong khi năm 2014 con số này là 59,6%.
Do vậy, các khoản nợ này có thể sẽ nhanh chóng chạm mức nợ trần do luật quy định là 65%. Tỉ lệ nợ trên GDP của Việt Nam trong năm 2016 theo nhận định của World Bank sẽ ở mức 63,8% trước khi tăng lên 64,4% vào năm 2017 và 64,7% vào năm 2018. Thâm hụt tài khóa sẽ thu hẹp còn 5,9% GDP so với mức 6,5% năm 2015 và dự báo năm 2017 sẽ là 5,7% và năm 2018 là 5,5%.
Vì thế, WB khuyến cáo: Chính phủ cần đưa ra các biện pháp thích hợp để thực hiện củng cố tình hình tài khoá trung hạn (về phía thu hoặc chi).
Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước quá chậm
WB cũng đánh giá cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam có tiến bộ, trong khi cải cách ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Biểu hiện là cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã tăng tốc trong năm 2015 nhưng tốc độ chung còn quá chậm (còn xa mới đạt mục tiêu do Chính phủ đề ra cho giai đoạn 2011–2015). “Kết quả này thể hiện điều kiện thị trường còn yếu và Chính phủ còn chần chừ, chưa muốn chào bán các doanh nghiệp nhà nước làm ăn tốt”- WB nhấn mạnh.
Quá trình củng cố ngành ngân hàng đã đạt được một số tiến bộ, đã thực hiện một số thương vụ mua bán và sát nhập nhưng vẫn khó có thể đạt mục tiêu giảm còn 15-17 ngân hàng vào năm 2017 từ con số hiện nay là 34. Nợ xấu toàn ngành ngân hàng, theo báo cáo, đã giảm xuống mức 3% tổng giá trị các món vay. Kết quả giảm nợ xấu này đạt được chủ yếu do tăng trưởng tín dụng và chuyển các món nợ xấu sang Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC). Tuy các ngân hàng bị yêu cầu trích dự phòng dần dần cho khoản tài sản chuyển sang VAMC nhưng khoản tín dụng và các rủi ro liên quan gây tổn hại đến nguồn vốn vẫn chưa được xóa bỏ hoàn toàn.
Từ thực tế này, WB nhìn nhận: Viễn cảnh cơ sở đối với năm 2016 là tích cực nhưng rủi ro tiêu cực vẫn chiếm ưu thế. Tăng trưởng dự báo sẽ giảm còn 6,2% do tiêu dùng cá nhân và tăng trưởng đầu tư chậm lại, dự báo GDP năm 2017 và 2018 cũng đều tăng 6,3%. Lạm phát cũng chậm lại do tình hình toàn cầu không mấy sáng sủa và giá năng lượng và thực phẩm toàn cầu giảm (WB dự báo CPI năm 2016 là 3,5%, năm 2017 và 2018 lần lượt là 3,8% và 4,0%). Dự kiến thâm hụt tài khoá sẽ bắt đầu giảm nhằm giảm nguy cơ tăng nợ công. Thâm hụt thương mại sẽ tăng làm cho cán cân vãng lai bị thâm hụt đôi chút (dự báo cán cân vãng lai năm 2016 là âm 0,6%GDP, năm 2017 âm 0,5% GDP và 2018 sẽ dương trở lại 0,2%GDP).
Xuân Thân (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.