04/01/2025 9:24 PM
Theo Wall Street Journal, mục tiêu của Trung Quốc vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể sẽ mất thêm vài thập kỷ so với kỳ vọng của Bắc Kinh để đạt được, hoặc thậm chí không bao giờ trở thành hiện thực.

Ảnh minh họa.

Tờ báo này chỉ ra rằng nền kinh tế Trung Quốc hiện nay bị đè nặng bởi sự dư thừa: hàng triệu tòa chung cư không có người ở hoặc chưa hoàn thiện, khối nợ hàng nghìn tỷ USD của chính quyền các địa phương, và sản lượng công nghiệp bùng nổ dẫn tới làn sóng xuất khẩu hàng giá rẻ làm gia tăng căng thẳng thương mại.

Tất nhiên, Trung Quốc vẫn sở hữu nhiều thế mạnh, gồm vị thế thống lĩnh trong nền sản xuất toàn cầu và ưu thế dẫn trước trong những công nghệ mới như ô tô điện và năng lượng tái tạo.

Ngoài ra, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã chứng tỏ được khả năng tốt trong việc ứng phó với các cuộc khủng hoảng trước đây và đang triển khai nhiều biện pháp kích thích để hỗ trợ nền kinh tế.

Tuy nhiên, tình trạng thừa mứa trong nền kinh tế Trung Quốc cho thấy những thách thức mà nước này sẽ phải đương đầu nếu một cuộc chiến tranh thương mại mới nổ ra.

Trong suốt nhiều thập kỷ, nền kinh tế Trung Quốc được thúc đẩy bởi hoạt động đầu tư ồ ạt.

Ban đầu, hoạt động đầu tư này mang lại cho Trung Quốc cơ sở hạ tầng hiện đại, hình thành những thành phố siêu lớn và thúc đẩy sự lớn mạnh của cỗ máy sản xuất. Nhưng việc duy trì chiến lược đầu tư hạ tầng trong suốt nhiều năm đồng nghĩa Trung Quốc ngày nay gánh một khối nợ chồng chất, có quá nhiều căn hộ bỏ trống và công suất công nghiệp dôi dư.

Tổng nợ của chính phủ, các hộ gia đình và doanh nghiệp Trung Quốc đang tiến gần tới mức tương đương 300% tổng sản phẩm trong nước (GDP) hàng năm. Nợ ẩn của các chính quyền địa phương - là những khoản nợ không nằm trong bảng cân đối kế toán của các chính quyền, được vay thông qua những công ty đầu tư hoạt động thiếu minh bạch được biết đến là công cụ tài chính địa phương (LGFV) - cũng là một vấn đề lớn.

Ở một số phương diện, quy mô nợ và gánh nặng trả lãi của Trung Quốc hiện nay còn nghiêm trọng hơn của Mỹ trước khủng hoảng tài chính hay của châu Âu ở giai đoạn đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng nợ cách đây 1 thập kỷ.

Về bất động sản, cơn sốt bất động sản ở Trung Quốc là chưa từng có tiền lệ, và khi khủng hoảng xảy ra, đó cũng là cuộc khủng hoảng địa ốc chưa từng có tiền lệ.

Hoạt động xây dựng mới và doanh số bán nhà đã sụt giảm chóng mặt kể từ khi Chính phủ Trung Quốc thực hiện các biện pháp kiềm chế bong bóng vào năm 2020.

Khi thị trường lao dốc, Bắc Kinh lại phải triển khai nhiều nỗ lực để ổn định, như giảm bớt các hạn chế mua nhà và cung cấp khoản vay lãi suất thấp cho những người mua nhà, nhưng hầu như không mang lại tác dụng đáng kể.

Trong một dấu hiệu cho thấy sự bùng nổ của thị trường bất động sản Trung Quốc đã đi quá xa, có khoảng 80 triệu căn hộ bỏ trống ở Trung Quốc, tương đương với một nửa tổng nguồn cung nhà ở của toàn nước Mỹ - theo ước tính mới nhất vào cuối tháng 11.

Một báo cáo của ngân hàng Barclays cho biết cuộc khủng hoảng bất động sản đã cuốn phăng 18 nghìn tỷ USD tài sản của các hộ gia đình Trung Quốc, vượt quá thiệt hại mà người Mỹ hứng chịu trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009. Đây là một lý do quan trọng vì sao người tiêu dùng Trung Quốc không còn chi tiêu thoải mái như trước.

Để ứng phó với nền kinh tế tăng trưởng ngày càng chậm lại và nhằm mục đích đưa Trung Quốc thành một gã khổng lồ về công nghệ, Bắc Kinh đã chuyển hướng đầu tư vào lĩnh vực sản xuất vốn đã ở quy mô rất lớn của nước này. Hệ quả là công suất công nghiệp tăng vọt và giá hàng hóa tại cổng nhà máy ở Trung Quốc đã giảm liên tiếp trong hơn 2 năm qua.

Không bán được hàng trong nước do nguồn cung quá lớn mà nhu cầu nội địa lại ảm đạm, các nhà sản xuất Trung Quốc ra sức tìm kiếm khác hàng ở nước ngoài. Điều đó đang làm dấy lên những xung đột thương mại giữa Trung Quốc với phương Tây, đặc biệt là Mỹ, và các thị trường mới nổi như Brazil và Ấn Độ.

Ngoài những dư thừa khó xử lý trong nền kinh tế, Trung Quốc còn đang đối mặt với trở ngại từ dân số lão hóa. Số dân trong độ tuổi lao động của nước này đang giảm do tỷ lệ sinh giảm xuống mức thấp đáng báo động, đảo ngược lợi thế nhân khẩu học vốn giữ vai trò quan trọng trong sự nổi lên của kinh tế Trung Quốc những thập kỷ qua.

Trong nhiều năm, tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc khiến nhiều nhà dự báo cho rằng sẽ đến lúc nước này vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Hồi năm 2019, một số nhà dự báo nhận định GDP của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào khoảng năm 2030.

Nhưng hiện nay, Mỹ đang giữ vai trò là đầu tàu của kinh tế thế giới, trong khi Trung Quốc chật vật ứng phó với sự giảm tốc của nền kinh tế. Các dự báo vì thế cũng dịch chuyển: hầu như không còn chuyên gia nào cho rằng Trung Quốc sẽ đuổi kịp Mỹ về quy mô của nền kinh tế trước năm 2050, nếu Trung Quốc có thể làm được điều đó.

Anh Mai
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.