Ở Hà Nội, hiện nay có trên 1.100 chung cư cũ cần được cải tạo nhưng đến giờ mới thực hiện được hơn chục chung cư. Việc chậm trễ này là do có nhiều vướng mắc giữa các bên, không thống nhất trong thỏa thuận lấy ý kiến.
Để tháo gỡ nút thắt này, mới đây trong Dự thảo Nghị định về cải tạo chung cư cũ của Bộ Xây dựng, có ý kiến người dân được quyền góp vốn và chọn chủ đầu tư thực hiện dự án. Với đề xuất mới này, nhiều người dân sống trong các chung cư cũ không khỏi vui mừng và hi vọng bởi cho rằng nó sẽ hiệu quả hơn. Tuy nhiên, thực tế triển khai không hề dễ dàng và dường như một lần nữa lại rơi vào bế tắc.
Người dân gặp khó trong tự chọn chủ đầu tư cải tạo chung cư, phường đứng ngoài cuộc?
Bằng chứng là, tại khu B6, Giảng Võ, Hà Nội, một trong những chung cư đầu tiên thí điểm thực hiện mô hình này. Người dân được chọn chủ đầu tư. Thế nhưng, sau 7 năm triển khai, hiện chủ đầu tư không thể tiếp tục tiến hành dự án do khó khăn về tài chính.
Về phía người dân, sự việc trên không ai mong muốn đã đành nhưng khi báo cáo lên phường nhờ chính quyền tìm giải pháp hỗ trợ thì địa phương cũng thờ ơ, với lí do dân tự chọn tự chịu.
"Tôi gặp đại diện phường thì họ nói ban đại diện nhà B6 tự chọn chủ đầu tư thì tự chịu trách nhiệm, phường không đứng ra nữa", ông Nguyễn Đình Thảo, một người dân tại khu nhà B6, Giảng Võ, Hà Nội, nói.
Theo ông Nguyễn Trọng Ninh, Phó cục trưởng Cục Nhà ở và thị trường bất động sản thì việc lựa chọn chủ đầu tư cần thông qua các chủ sở hữu kết hợp với luật để đạt được sự đồng thuận, hợp lý. Mặt khác, Nhà nước cũng cần có sự hỗ trợ người dân như giới thiệu các chủ đầu tư thực hiện dự án.
Cũng theo các chuyên gia bất động sản, nếu để người dân tự lựa chọn chủ đầu tư thì Dự thảo nghị định cần quy định rõ trách nhiệm của địa phương để họ tham gia kiểm tra, giám sát chủ đầu tư trong quá trình thực hiện dự án chứ không thể bỏ mặc người dân "tự bơi" khi gặp vướng mắc.
Nguồn video:VTV