11/04/2014 7:47 AM
Ngày 10-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp với các đoàn ĐBQH cho ý kiến về dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi). Nhiều ĐBQH đề nghị cấp phép xây dựng tạm hoặc giấy phép xây dựng có thời hạn trong vùng quy hoạch “treo” để không làm ảnh hưởng đến đời sống người dân, doanh nghiệp.

Phải cấp phép xây dựng vùng dự án “treo” để người dân không thiệt thòi

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng, ông Trần Ngọc Vinh cho rằng, dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) giải thích về giấy phép xây dựng (GPXD) chưa rõ ràng, khó hiểu. Quy định về cấp GPXD tạm trong vùng quy hoạch “treo” không rõ ràng sẽ gây khó khăn cho đời sống người dân, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong khi thực tế có nhiều dự án bị “treo” hàng chục năm nay chưa thực hiện và còn tiếp tục kéo dài, vì thế “Luật cần quy định theo hướng cấp GPXD tạm phải nêu rõ điều kiện chiều cao, diện tích… đảm bảo phù hợp điều kiện sống của người dân và cơ sở sản xuất”- ông Trần Ngọc Vinh kiến nghị.

Cùng vấn đề này, Trưởng Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh, ông Huỳnh Thành Lập băn khoăn về quy định chủ đầu tư công trình cấp GPXD tạm phải tự tháo dỡ khi giấy phép hết hạn. Ông Huỳnh Thành Lập cho biết, người dân cảm thấy rất phiền hà và không đồng tình khi dự án “treo” kéo dài hàng chục năm, cản trở quyền lợi, lợi ích hợp pháp của người dân và tổ chức. Ông Huỳnh Thành Lập đề xuất, GPXD phải quy định thời hạn cụ thể của quy hoạch là 10 hay 15 năm. Ủng hộ việc phải quản lý chặt hoạt động cấp phép xây dựng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng, ông Lê Như Tiến nói: “Điều quan trọng là phải cải cách hành chính, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, hạch sách người dân, doanh nghiệp trong công tác này. Mặt khác, khái niệm GPXD tạm có cảm giác như tạm thời, tạm bợ, cần thay bằng GPXD có thời hạn”.

Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc đề xuất xem lại thời hạn rà soát quy hoạch. “Làm quy hoạch chi tiết mất rất nhiều thời gian. Khâu đo vẽ phải xin ý kiến cả năm còn chưa xong mà sau 3 năm đã thay đổi thì khó quá. Tối thiểu cũng phải 5 năm”- ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Bình luận về quy hoạch, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh Trần Du Lịch nói: “Quy hoạch hiện nay người dân, doanh nghiệp phải luôn xoay xở. Nhiều trường hợp “chạy” được rồi thì xoay xở được lên mười mấy tầng nhà... Ở Singapore, bất cứ mảnh đất nào đều quy định rõ được xây bao nhiêu tầng. Còn ở ta đi mua đất rồi mới “chạy” GPXD. Làm như vậy là ngược, đáng ra quy hoạch phải đi trước.”

Tiếp thu ý kiến các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đồng ý, cần cấp GPXD cho dân vùng dự án “treo” và gọi là GPXD có thời hạn. Bộ trưởng nhìn nhận, dự án được quy hoạch cho 20 năm tới, thì vẫn phải cấp phép cho xây dựng có thời hạn tối thiểu 5-10 năm để tạo điều kiện cho người dân sản xuất, kinh doanh trong khi chờ dự án.

Quan tâm tới khu vực nông thôn, ĐBQH Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu) cho rằng, nên áp dụng cấp GPXD có thời hạn cho người dân ở vùng nông thôn tại khu vực chưa được quy hoạch xây nhà ở hoặc khu dân cư. Đương nhiên, cần quy định rõ, người dân phải cam kết, nếu sau này khu vực đó không được quy hoạch khu dân cư thì không được đòi bồi thường. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, chưa có quy hoạch chi tiết (xây dựng) thì không thể cấp GPXD. Nếu chính quyền cấp GPXD mà sau này có vấn đề gì thì chính quyền phải bồi thường cho người dân.

Anh Phương (An ninh Thủ đô)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.