Trao
đổi bên lề đại hội với báo giới, cái nhìn tổng quan của người trong
cuộc vẫn là một cái nhìn đầy quan ngại, lo lắng. Có thể thấy bức tranh
thị trường BĐS từ nay đến cuối năm vẫn là một bức tranh với gam màu tối
là chủ đạo.
“Chết” vì thiếu hợp sức?
Trong phiên họp ngày 13.7 của UBND thành phố Hà Nội, các con số công bố
từ bản báo cáo về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD), ngân
hàng trên địa bàn thành phố khiến nhiều người ngẩn ngơ. Hoá ra trong con
số tổng dư nợ tín dụng của các TCTD trên địa bàn Hà Nội 6 tháng qua đạt
khoảng 555,283 tỉ đồng, thì mảng cho vay để đầu tư, kinh doanh BĐS chỉ
chiếm 6,9% tổng dư nợ, tương đương 38.000 tỉ đồng. Một con số không quá
đột biến so với các năm trước. Và nếu như vậy thì xem ra chủ trương siết
tín dụng của ngành ngân hàng không ảnh hưởng quá nhiều đến hoạt động
kinh doanh đầu tư BĐS.
Câu hỏi đặt ra, vậy tại sao các DN kinh doanh BĐS Hà Nội vẫn liên tục
kêu khó, hàng loạt dự án bị đình trệ? Trao đổi với báo giới, ông Tống
Văn Nga - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, thực tế nguyên
nhân khiến các DN BĐS lâm vào khó khăn như hiện nay là do thiếu sự hợp
sức giữa các DN, đặc biệt là trong bối cảnh năng lực tài chính của các
DN vẫn nhiều hạn chế. “Dường như chiến lược đầu tư kinh doanh của không
ít các DN trong thời gian qua là không hợp lý, thiếu sự điều tra, khảo
sát nhu cầu thị trường, khả năng chi trả của đại bộ phận người tiêu
dùng” - ông Nga nói.
Và khi tính thanh khoản trên thị trường quá thấp, nhiều dự án cao cấp
không bán được hàng đã khiến chủ đầu tư không thể quay vòng được vốn.
Trong bối cảnh đó, gặp lúc nền kinh tế lâm vào khó khăn, lạm phát tăng
cao, ngân hàng thắt chặt cho vay... khiến các DN BĐS khó khăn theo.
Bên cạnh đó, có một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng, theo ông
Nguyễn Văn Minh - Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, đó là việc đình
trệ hàng loạt dự án do chờ quy hoạch chung của thủ đô. Hơn 700 đồ án, dự
án trên địa bàn bị dừng triển khai để chờ khớp nối từ cuối năm 2009 đã
khiến nhiều DN dù có khả năng về tài chính vẫn phải “đắp chiếu” dự án,
nhiều trường hợp dẫn đến khách hàng hiểu sai về năng lực chủ đầu tư.
“Tuy nhiên, bản quy hoạch chung Hà Nội vừa ký ban hành được dự báo là sẽ
góp phần “mở van” nguồn cung BĐS trong thời gian tới” - ông Minh nói.
Và có lẽ đó là điểm sáng duy nhất trong bức tranh BĐS cuối năm 2011 với
nhiều gam màu tối.
Vẫn nên siết tín dụng?
Theo TS Đỗ Thị Loan - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội
BĐS TPHCM, thị trường BĐS Việt Nam từ nay đến cuối năm sẽ khó khả quan.
“Việc NHNN vẫn kiên quyết thắt chặt tín dụng đặc biệt trong lĩnh vực
phi sản xuất tiếp tục giảm 22% vào tháng 6 và 16% vào cuối tháng
12.2011, chắc chắn vẫn có những ảnh hưởng mạnh mẽ đến thị trường BĐS.
Với các DN kinh doanh BĐS TPHCM thì tình hình còn bi đát hơn, bởi lâu
nay nguồn tín dụng phục vụ sản xuất chủ yếu phụ thuộc vào nguồn vốn ngân
hàng” - bà Loan nói.
Tuy nhiên, cũng theo bà Loan, theo dõi những năm qua trên thực tế ngân
hàng rất ưu ái cho ngành BĐS, tạo điều kiện cho chủ đầu tư tiếp cận được
nguồn vốn vay từ ngân hàng cũng nhu ưu ái cho khách hàng mua nhà. “Vấn
đề hiện nay ở đây là ngân hàng đang trải qua giai đoạn không thể tiếp
tục cho chủ đầu tư vay tiền nhiều hơn nữa vì cung tiền có giới hạn, khi
mà nhiều ngành lĩnh vực sản xuất đang cần ưu tiên phát triển hơn.
Nếu chúng ta tiếp tục cho chủ đầu tư vay thì sẽ xảy ra tình trạng trên
mọi miền đất nước có biết bao nhiêu dự án BĐS được triển khai, nhưng
liệu có cơ quan nào tính toán được trong số các dự án đó, có bao nhiêu
nền nhà, bao nhiêu căn hộ thể hiện đúng quan hệ cung-cầu trên địa bàn
của từng địa phương. Và như vậy là đầu tư dàn trải và lãng phí. Đó là
chưa nói đến việc nếu như chúng ta tiếp tục tung tiền ra sẽ khiến mất
quan hệ cung-cầu, dự án ra hàng nhưng mà không bán được!” - bà Loan
thẳng thắn nhận định.
Theo TS Lê Chí Hiếu - Chủ tịch HĐQT, TGĐ CTCP Phát triển nhà Thủ Đức
(TPHCM), từ nay đến cuối năm, riêng trên địa bàn TPHCM, các DN kinh
doanh BĐS chắc chắn tiếp tục chịu sức ép mạnh mẽ về lãi suất và trả nợ
ngân hàng. “Bong bóng giá BĐS đã xì hơi khá nhiều và giá BĐS đang dần
quay về giá trị thực. Tuy nhiên, việc tới đây sẽ có nhiều DN sẽ buộc bán
tháo hàng để trả nợ hoặc buộc phải bán lại dự án là khó tránh khỏi” -
ông Hiếu cho biết.
Theo ông Hiếu, hiện đã xuất hiện tình trạng giảm phát nợ do một số DN
trên địa bàn TPHCM vay vốn ngân hàng quá lớn, trong khi lượng hàng tồn
kho nhiều, tình trạng giảm phát nợ xảy ra do ngân hàng không đáo hạn
được nợ buộc phải siết bằng cách bán lại dự án cầm cố với giá trị thấp
hơn nữa để thu hồi vốn. Và như vậy, thị trường BĐS đã xuống tới đáy chưa
vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ chưa có lời đáp!