21/06/2016 1:20 PM
Trong thư phúc đáp tiến sĩ Nguyễn Việt – Giám đốc Trung tâm tiền sử Đông Nam á – mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc cho biết đã chỉ đạo UBND tỉnh Quảng Ninh và thị xã Quảng Yên kiểm tra, nghiên cứu thận trọng và mời các cơ quan Trung ương giám định di tích nhà máy kẽm cổ tại thị xã Quảng Yên làm cơ sở quyết định, trong đó ưu tiên gia cố, phục hồi.
Hai tháp nước còn sót lại của di tích nhà máy kẽm
Báo Lao Động đã có một loạt bài phản ánh về việc UBND thị xã Quảng Yên quyết tâm phá di tích nhà máy kẽm cực kỳ quý hiếm có giá trị toàn cầu của thực dân Pháp tại phường Quảng Yên, thị xã Quảng Yên vì di tích bị xuống cấp trầm trọng, nhưng thực tế là để lấy mặt bằng cho các dự án thương mại, kinh tế.
Theo các nhà nghiên cứu, nhà máy kẽm được người Pháp xây dựng vào đầu thế kỷ 20. Hiện, nhà máy chỉ còn sót lại 2 ống khói, 1 khung nhà xưởng và 2 tháp nước nằm trong khuôn viên khu đất của Tiểu đoàn 1047, thuộc Lữ đoàn 147 Hải quân và Cty TNHH Sao Vàng. Hai ống khói còn sót lại có đường kính phần chân khoảng 4,5m, đường kính đỉnh khoảng 2m và cao khoảng 45m.
Theo tiến sĩ Nguyễn Việt – Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á – di tích nhà máy kẽm Quảng Yên có giá trị cực kỳ quý hiếm ở cả tầm khu vực và thế giới, bởi có nhiều chi tiết hơn hẳn hai nhà máy ở Anh và Đức – đều đã trở thành bảo tàng Công nghiệp hiếm hoi trên thế giới – về quy mô và sự toàn vẹn.
Tuy nhiên, đoàn liên ngành của tỉnh QN, gồm Sở Xây dựng, Sở VHTTDL và UBDN thị xã Quảng Yên, sau khi đi kiểm tra, đã kết luận: một cột đã xuống cấp nghiêm trọng, lại không nằm trong danh mục di sản, nên đề nghị cắt 20m phần trên của cột đó, nhằm đảm bảo an toàn trong mùa mưa.
Ngược lại, tiến sĩ Nguyễn Việt cho rằng, thành phần trong đoàn liên ngành của Quảng Ninh, thì kết luận chỉ mang tính kiểm tra hành chính, chứ không thể côi như kết luận giám định khoa học, kỹ thuật khách quan được.
Ngày 7.6 vừa qua, chỉ ít ngày trước cuộc khai tử ống khói số 1 theo kế hoạch của UBND thị xã Quảng Yên, đoàn khảo sát gồm các khoa học, nhà nghiên cứu…có uy tín, như GS TSKH Vũ Minh Giang – Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Quốc Gia, PGS TS Đặng Văn Bài – Phó Chủ tịch Hội Di sản Việt Nam, PGS TS Trần Bá Việt – Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Xây dựng, Bộ Xây Dựng…đã dành thời gian gần trọn một ngày quan sát, ghi hình, thảo luận trực tiếp tại hiện trường di tích. Đoàn thống nhất ghi nhận giá trị di sản quý báu và hiếm có của di tích đối với lịch sử hình thành công nghiệp, giai cấp công nhân…ở Việt Nam. Những hiện tồn còn lại của di tích hoàn toàn đủ tiêu chí xếp hạng di tích để bảo tồn và phát huy. Hiện trạng những kết cấu bê tông sắt thép còn lại của di tích, gồm cả hai ống khói, hai tháp nước, nhà tuyển quặng, lò nung…còn giữ được độ bền vững cao, có thể phục hồi gia cố, gìn giữ theo luật di sản.
Ngay sau đó, tiến sĩ Nguyễn Việt đã viết một bức tâm tư cho Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh với mong muốn người lãnh đạo cao nhất của tỉnh nghiên cứu, chỉ đạo bảo tồn di tích đặc biệt quý hiếm trên.
Trả lời thư tiến sĩ Nguyễn Việt, Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh – ông Nguyễn Văn Đọc – cho biết: Việc ứng xử với ống khói nhà máy kẽm trong quá trình lập đồ án quy hoạch chung thị xã Quảng Yên cũng đã được tư vấn Nhật Bản đề cập giữ lại phục hồi như một di tích quý hiếm. “Do đó, tôi đã chỉ đạo UBND tỉnh và Thị xã Quảng Yên kiểm tra, nghiên cứu thận trọng và mời Cơ quan TW giám định làm cơ sở quyết định, trong đó ưu tiên gia cố phục hồi” – ông Đọc nhấn mạnh.
Tiến sĩ Nguyễn Việt cho rằng, quyết định của Bí thư Nguyễn Văn Đọc thể hiện sự tôn trọng và cầu thị rất cao đối với ý kiến, tâm huyết của giới chuyên môn trong việc cố gắng giữ, bảo tồn di tích nhà máy kẽm không chỉ cho Quảng Ninh, Việt Nam và cả thế giới.
Trả lời báo Lao Động, một lần nữa ông Việt cho biết, nếu được giao, ông sẽ cùng giới chuyên môn huy động công sức, kinh phí để trùng tu, bảo tôn di tích đặc biệt quý hiếm này.
Một cột ống khói nhà máy kẽm còn nguyên vẹn
Nguyễn Hùng (Lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.