Chiều 7/4, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức họp báo định kỳ tháng 3/2021, trong đó có trả lời báo chí nội dung "Nhà ở xã hội dành cho cán bộ được rao bán trên mạng" mà nhiều cơ quan báo chí đã phản ánh.
Nhà ở xã hội dành cho cán bộ tại Đắk Lắk đi vào hoạt động từ cuối năm 2020.
Tại buổi họp, ông Nguyễn Toàn Thắng - Phó Giám đốc Quỹ đầu tư phát triển (Quỹ đầu tư) tỉnh Đắk Lắk, thông tin: Hiện nhà ở xã hội của tỉnh đã có 139 trường hợp mua và 24 trường hợp cho thuê. Qua kiểm tra ban đầu, Quỹ đầu tư phát hiện có một số trường hợp ở tại căn hộ nhưng không đúng tên với người đứng tên đăng ký mua.
Cũng theo ông Thắng, việc xác định được người mua nhà có bán lại nhà hay không thì Công an tỉnh sẽ kiểm tra, làm rõ. Và việc có hay không cán bộ đơn vị móc nối trong việc bán nhà thì Quỹ chưa phát hiện ra.
Ông Nguyễn Tuấn Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cho rằng: Việc lãnh đạo Quỹ đầu tư trả lời chưa xác định được danh tính người ở trong căn nhà ở xã hội là không được.
"Việc rà soát đối tượng ở trong 139 căn nhà chỉ cần 2 - 3 ngày là xong, không thể cứ im im mà phải báo cáo UBND tỉnh đúng thời hạn", ông Hà nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Tuấn Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo xử lý nghiêm nếu có việc trục lợi từ việc bán nhà ở xã hội.
Trước đó, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản chỉ đạo kiểm tra thông tin "Nhà ở xã hội bị rao bán trên mạng" và yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan vào cuộc xác minh báo cáo về tỉnh trước ngày 10/4 tới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị, Quỹ đầu tư kiểm tra, xác minh thông tin nhà ở xã hội bị rao bán trên mạng và có thể nhờ Cơ quan an ninh công an vào cuộc để trả lời có hay không việc đối tượng được hưởng chính sách rao bán nhà.
"Quỹ đầu tư phải có cách quản lý tốt hơn, có đánh giá những chính sách, điều kiện cán bộ được mua nhà ở xã hội xem còn kẽ hở không nhằm chấn chỉnh, không để xảy ra việc trục lợi chính sách", ông Hà yêu cầu.
Bên cạnh đó, theo ông Hà việc báo chí phản ánh dù nhà ở xã hội là dành cho người có thu nhập thấp nhưng nhiều cán bộ đi xe ô tô trên dưới 1 tỷ đồng lại đi mua nhà xã hội thì rất "phản cảm và khó chấp nhận được". Do vậy, ông Hà kiến nghị cần bổ sung thêm các điều kiện cán bộ được mua nhà ở xã hội.
Như Dân trí đưa tin, thời gian qua trên mạng xã hội Facebook xuất hiện tình trạng nhà ở xã hội dành cho cán bộ Đắk Lắk tại phường Tân An (TP Buôn Ma Thuột) được rao bán công khai với giá cao hơn so với giá trị thực tế.
Đây là dự án được đầu tư 108 tỷ đồng để xây dựng từ nguồn vốn Nhà nước ngoài ngân sách với quy mô 180 căn hộ trên diện tích 1,6 ha.
Dự án khởi công tháng 6/2017, đến tháng 12/2020, công trình khánh thành và đi vào hoạt động. Giá bán của căn hộ trung bình là 10 triệu đồng/m2, giá cho thuê là 48.000 đồng/m2/tháng.
Đối tượng mua hoặc thuê nhà là cán bộ, công chức, viên chức đang công tác ở các cơ quan, đơn vị nhưng chưa có đất thổ cư, chưa có nhà ở hoặc có nhà nhưng diện tích nhà ở bình quân dưới 10m2/người.
-
Biến tướng nhà ở xã hội: Trách nhiệm thuộc về ai?
Không chỉ riêng TP Đà Nẵng, loại hình nhà ở xã hội tại các địa phương trên cả nước đang tồn tại nhiều bất cập khiến các cơ quan chức năng phải “đau đầu”.
-
Ecopark Hải Dương trúng đấu giá khu đất gần 570 tỷ đồng tại Đắk Lắk
Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản (thuộc sở Tư pháp tỉnh Đắk Lắk) đã đấu giá thành công khu đất và tài sản gắn liền trên đất có địa chỉ tại số 02, đường Mai Hắc Đế, phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột....
-
Duyệt chủ trương đầu tư khu công nghiệp hơn 313ha ở Đắk Lắk
Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Phú Xuân tại huyện Cư M’gar được chấp thuận đầu tư với quy mô hơn 313ha.
-
Bộ GTVT thông tin về dự án cao tốc kết nối Đắk Lắk với Đắk Nông
Bộ Giao thông Vận tải vừa có phản hồi kiến nghị của cử tri tỉnh Đắk Lắk về các dự án hạ tầng giao thông kết nối với tỉnh Đắk Nông. Trong đó có tuyến cao tốc Gia Nghĩa – Buôn Ma Thuột.