Nhà 8B Lê Trực.
Sở dĩ chúng tôi đề cập như vậy bởi thời gian gần đây, câu chuyện xử lý, cưỡng chế nhà 8B Lê Trực lại đang nổi lên là vấn đề “nóng” của Thủ đô. Câu hỏi tại sao đã hơn 10 tháng trôi qua, Hà Nội vẫn không thể xử lý dứt điểm được các vấn đề xoay quanh dự án này đã được nhiều người đặt ra.
Xung quanh câu chuyện này, theo tìm hiểu của PetroTimes, mấu chốt của vấn đề ở đây là cách thức xử lý của UBND quận Ba Đình đối với dự án 8B Lê Trực hiện không rõ ràng, thiếu thuyết phục, thậm chí theo ý kiến của nhiều người là trái luật, phạm luật.
Trước tiên đó là việc UBND quận Ba Đình chỉ căn cứ vào Giấy phép xây dựng của dự án 8B Lê Trực cấp cho chủ đầu tư dự án năm 2014 để xử lý. Theo đó, căn cứ theo Giấy phép này, Hà Nội đã xác định dự án 8B Lê Trực đã tự ý xây vượt tầng, nâng chiều cao công trình và yêu cầu chủ đầu tư phải phá dỡ phần “tự ý” này.
Tuy nhiên, việc lấy căn cứ là Giấy phép xây dựng cấp cho dự án 8B Lê Trực lại vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của chủ đầu tư và rào cản pháp luật. Căn cứ hồ sơ pháp lý: dự án 8B Lê Trực đã được triển khai từ năm 2010 và đã được Hà Nội phê duyệt Quy hoạch chi tiết 1/500 tại Quyết định số 2452/QĐ-UBND ngày 05/12/2008; theo đó, dự án 8B Lê Trực sẽ được xây cụm nhà cao tầng có quy mô 17 tầng, khối đế 5 tầng; chiều cao công trình tối đa là 70m; đồng thời giao UBND quận Ba Đình kiểm tra, giám sát việc xây dựng theo quy hoạch không phải theo giấy phép xây dựng. Cùng với đó, căn cứ theo khoản 1 Điều 27 Nghị định 64/2012/NĐ-CP về việc cấp Giấy phép xây dựng thì dự án 8B Lê Trực thuộc đối tượng không buộc phải xin cấp Giấy phép xây dựng vì đã có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và công trình đã được khởi công xây dựng.
Đồng thời, Hà Nội cũng cần phải làm rõ, nếu pháp luật quy định dự án 8B Lê Trực thuộc diện phải có Giấy phép xây dựng thì tại sao dự án đã triển khai trong suốt 4 năm mà các cơ quan chức năng của thành phố không biết, không phát hiện để có biện pháp ngăn chặn.
Liên quan đến vấn đề này chắc hẳn nhiều người dân Thủ đô khi tiến hành xây nhà đã quá quen với hình ảnh các “bác” Thanh tra xây dựng phường, quận qua lại “thăm hỏi”. Bởi có khi đống cát vừa đổ ra đã thấy lực lượng thanh tra xây dựng đến rồi. Nhà vừa đổ xong cái mái cũng thấy thanh tra xây dựng đến ngó nghiêng, bắt lỗi chỗ này, phạt vạ chỗ kia. Vậy tại sao toà nhà có quy mô gần 20 tầng không phép xây dựng, nằm ngay trung tâm thành phố, xây đến mười mấy tầng các bác lại không biết?
Thử hỏi, nếu việc xác định sai phạm tại dự án 8B Lê Trực theo Giấy phép xây dựng là đúng thì tại sao không thể công bố sai với quy Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được duyệt hay không, và được quy định tại văn bản pháp luật nào? Bởi đã là Luật, căn cứ theo Luật thì Hà Nội cứ công bố và áp dụng Luật để xử lý. Nó cũng giống như việc khi ra Toà, trước khi tuyên án, xác định tội danh của bị can, chủ toạ phiên toà phải đọc căn cứ theo Điều nào, khoản nào và nằm trong Luật nào... để định khung hình phạt cho bị can chứ không thể nói anh phạm tội ăn cướp, toà tuyên anh 7 hay 10 năm tù được. Có tuyên án thì cũng phải cho đối tượng, bị can biết mình vi phạm cái gì, mức độ vi phạm ra sao, hành vi của mình phạm vào tội gì, căn cứ theo Luật nào chứ?
Còn nếu cơ quan có chức năng không đưa ra được các căn cứ để xác định giá trị pháp lý của Giấy phép xây dựng cho công trình 8B Lê Trực thì phải nhìn nhận lại kết luận về sai phạm của dự án và phải thu hồi hiệu lực của giấy phép xây dựng. Một bộ máy chính quyền liêm chính, vì nhân dân, doanh nghiệp phục vụ là định hướng và cũng là quyết tâm được Chính phủ đặt ra cho các Bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương thì không có lý gì Hà Nội không làm rõ được việc này cả.
Đây là lương tâm trách nhiệm và cũng là nghĩa vụ mà những người làm công tác quản lý đầu tư, xây dựng trên địa bàn Thủ đô phải trả lời!
Thứ nữa, về vấn đề cưỡng chế dự án 8B Lê Trực, rất nhiều ý kiến cho rằng chủ đầu tư không hợp tác, chây ỳ, làm chậm quá trình thực thi công vụ của các cơ quan chức năng thành phố. Nhưng bản chất không phải vậy! Sự thật là trong văn bản mới đây nhất ngày 3/8/2016 của UBND TP Hà Nội vẫn yêu cầu "nhà thầu phá dỡ" phần sai phạm tại dự án 8B Lê Trực phải hoàn thành phương án phá dỡ để thẩm định và phê duyệt, và giao Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài chính hướng dẫn UBND quận Ba Đình lựa chọn nhà thầu phá dỡ theo quy định pháp luật. Tức là tính đến ngày 3/8, phương án phá dỡ nhà 8B Lê Trực vẫn chưa có, đồng thời cũng không có nhà thầu nào được phép phá dỡ công trình. Mà với một dự án có quy mô cao tầng, lại gần khu dân cư như Tòa nhà 8B Lê Trực thì phải có phương án phá dỡ để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. Pháp luật cũng quy định rất rõ về điều này.
Vậy từ ngày 6/3/2016 đến nay UBND phường Điện Biên đã và đang "làm" gì đối với công trình? Đặc biệt chỉ qua 1 đêm, tức sáng ngày 4/8/2016, các lực lượng chức năng của quận Ba Đình tiếp tục tổ chức cưỡng chế, phá khoá nhà 8B Lê Trực? Việc làm này là vi phạm pháp luật!
Theo quy định của pháp luật thực hiện cưỡng chế buộc phải có phương án và giải pháp phá dỡ, phải tuân theo trình tự. Khi có phương án phá dỡ rồi phải công bố cho chủ đầu tư dự án và người dân mua nhà biết để cùng giám sát, rồi xác định trách nhiệm của các bên khi cưỡng chế để quy trách nhiệm nếu có sự cố xảy ra tại công trình cũng như những hậu quả rủi ro sau này như: giảm chất lượng công trình, tuổi thọ công trình, sự cố xụp đổ nhà... Bởi nói gì thì nói, trong toàn bộ sự việc này, chủ đầu tư và người dân mua nhà phải gánh chịu mọi thiệt hại, rủi ro.
Đề cập như vậy không phải là để thanh minh hay giải thích gì cho các vấn đề xoay quanh dự án 8B Lê Trực cả. Đó đơn thuần chỉ là vấn đề pháp lý, minh bạch trong cách ứng xử của chính quyền với doanh nghiệp và lo lắng cho người dân, là tinh thần trách nhiệm của những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền. Và quan trọng hơn, việc dùng Luật, căn cứ pháp luật để xác định sai phạm và xử lý sai phạm của chủ đầu tư một cách rõ ràng sẽ khiến chủ đầu tư “tâm phục khẩu phục” mà chấp hành!