01/04/2016 9:56 AM
Chiều ngày 31.3, UBND tỉnh Hải Dương đã tổ chức họp báo để thông tin về tình hình triển khai dự án Khu công nghiệp Cẩm Điền – Lương Điền (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương). Ông Vương Đức Sáng – Phó chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp cùng đại diện ban Tuyên giáo tỉnh uỷ, sở TNMT, Tài Chính, Viện KSND... và đông đảo các báo tham gia.
Như Lao Động đã thông tin, ngày 10.7.2015, khi nhà thầu cho máy xúc vào san lấp, thi công mặt bằng tại KCN nói trên, người dân đã kéo đến phản đối. Trong quá trình xô xát, làm bà Lê Thị Trâm bị thương.
Theo clip được tung lên mạng, một phần xe xích chèn lên người bà Trâm, làm bà này bị thương nặng, phải đi cấp cứu tại bệnh viện ở Hà Nội. Công an cũng đã khởi tố vụ án cố ý gây thương tích. Trả lời báo chí sau đó, đại diện công an huyện Cẩm Giàng cho rằng không có việc xe xích chèn lên người bà Trâm, và clip là giàn dựng… Tỉnh cũng yêu cầu chủ đầu tư ngừng thi công cho đến thời điểm này.
Tại cuộc họp báo, rất nhiều câu hỏi liên quan đến việc bà Lê Thị Trâm xô xát với người lái máy xúc hôm 10.7.2015. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là ông Vương Đức Sáng – PCT UBND tỉnh Hải Dương - đã trả lời: “Do ông trưởng Công an huyện không là thành phần được mời dự cuộc họp báo, nên hiện tại ông này đang đi họp trên tỉnh, vụ án cũng đang trong giai đoạn điều tra nên chưa thể cung cấp được!”.
Tính đến thời điểm hiện tại, dự án KCN Cẩm Điền – Lương Điền vẫn còn gần 100 hộ chưa nhận tiền bồi thường. Nguyên nhân là do người dân cho rằng giá bồi thường quá thấp (23.400.000 đồng/sào), nên nhiều năm nay không đồng ý bàn giao đất.
Theo ông Nguyễn Đình Lộc – Phó Giám đốc sở TNMT tỉnh Hải Dương: Dự án KCN nói trên được thành lập năm 2008 với tổng diện tích 208 ha. Do người dân không đồng ý mức bồi thường, cộng với việc ảnh hưởng cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, chủ đầu tư khó khăn, nên dự án ngừng lại. Đến năm 2014, dự án khởi động tiếp, nhưng số hộ dân nói trên vẫn không chịu nhận tiền bồi thường.
Theo ông Lộc, các hộ dân yêu cầu khi thu hồi đất, phải thoả thuận với người dân, nhưng do thời điểm thực hiện dự án, cơ quan chức năng áp dụng luật đất đai năm 2003, không quy định thoả thuận với dân, mà là chính quyền thu hồi để bàn giao cho chủ đầu tư. “Do đó, chính quyền chia sẻ với người dân về biến động do bị thu hồi đất, nhưng là chính sách pháp luật thì phải thi hành” – ông Lộc nói.
Theo ông Vương Đức Sáng, trước đó, ngày 30.3, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Dương Thái đã có buổi đối thoại với người dân hai xã Cẩm Điền – Lương Điền về các vướng mắc khi đền bù, giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, mấu chốt vấn đề là giá bồi thường đất vẫn không thay đổi nên nhiều người vẫn không đồng tình. “Việc thực hiện dự án là cần thiết để phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Tỉnh cũng đã áp dụng tối đa các chế độ chính sách để áp bồi thường, hỗ trợ cho người dân, nên không thể tăng thêm được nữa. Vì vậy, việc tiếp theo, địa phương sẽ vẫn vận động, tuyên truyền để nhân dân hiểu, chấp thuận dự án. Dự kiến, đầu tháng 4.2016, huyện Cẩm Giàng sẽ tổ chức cưỡng chế giải phóng mặt bằng dự án” – ông Sáng nói.
Hoàng Hoan (Lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.