CafeLand - Một trong những sự kiện gần đây làm tốn không ít giấy mực của báo chí và sự quan tâm của cộng đồng là vụ ly hôn nghìn tỷ tại Trung Nguyên. Sau hơn 3 năm kể từ ngày bà Lê Hoàng Diệp Thảo gửi đơn ly hôn lên TAND TP Hồ Chí Minh với nhiều lần hòa giải không thành và tạm hoãn thì cuối cùng phiên tòa sơ thẩm cũng đã kết thúc. Theo đó, Hội đồng xét xử đã phân chia 60% tài sản và quyền điều hành Tập đoàn Trung Nguyên cho ông Vũ vì có công đóng góp lớn hơn.

Xung quanh bản án này còn nhiều tranh cải về nhiều vấn đề khá bất thường. Việc tòa tuyên bố nhầm số án phí gấp 10 lần thực tế cho thấy phần nào năng lực và mức độ cẩn trọng của những quan tòa là điều rất đáng bàn. Tuy nhiên, điểm quan trọng hơn của vụ án là tỷ lệ phân chia tài sản và đặc biệt là tòa tuyên bà Thảo phải giao toàn bộ cổ phần của mình tại Trung Nguyên cho ông Vũ quản lý với một mức giá thiếu căn cứ vững chắc. Điều này cho thấy phải chăng các vị quan tòa không có nhiều hiểu biết về tài chính, giá trị doanh nghiệp?

Phân chia 60:40 có hợp lý?

Một trong những khúc mắc khiến cho việc ly hôn này kéo dài là 2 bên không thảo thuận được việc phân chia tài sản. Đặc biệt, là phiệc phân chia tỷ lệ sở hữu tại Trung Nguyên để quyết định ai là người nắm quyền điều hành tập đoàn này. Theo đó, ông Vũ đòi chia tài sản theo tỷ lệ 7:3. Ông Vũ cho rằng Trung Nguyên là linh hồn của ông, do ông và gia đình thành lập với mong muốn đưa Trung Nguyên vươn ra toàn cầu. Kể từ khi Trung Nguyên thành lập đến nay, ông nắm toàn bộ vai trò điều hành Trung Nguyên. Do đó, ông cho rằng việc phân chia tỷ lệ 7:3 là phù hợp. Ngoài ra, ông đề nghị được mua lại cổ phần của bà Thảo.

Trong khi đó ngược lại, phía bà Thảo đề nghị chia cho bà 51% cổ phần trong Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên, 15% trong Tập đoàn Trung Nguyên và sở hữu căn nhà trên đường Tú Xương. Ngoài ra, bà Thảo cũng yêu cầu ông Vũ chi 20% cổ phần để hoán đổi tiền cấp dưỡng cho 4 người con.

Với những quan điểm còn quá xa đó, 2 bên đã không đi đến được thỏa thuận mà phải chờ phán quyết của tòa án. Trong khi đó, theo nguyên tắc thông thường tài sản của vợ chồng hình thành trong thời gian kết hôn sẽ được chia đôi khi ly hôn. Tuy vậy, theo luật định thì việc chia tài sản này cũng có tính đến các yếu tố hoàn cảnh của gia đình, của vợ, chồng, công sức đóng góp của vợ chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Do đó, tỷ lệ phân chia trong thực tế tùy thuộc vào việc đánh giá những chứng cứ trong phiên tòa. Do vậy, việc hội đồng xét xử chia cho ông Vũ 60%, bà Thảo 40% không hẳn là không có lý.

Bản án bất công ở khía cạnh nào?

Sau khi tòa tuyên án, trả lời báo chí bà Thảo nói: "Một bản án quá bất công với mẹ con chúng tôi". Hẳn nhiên với phán quyết của tòa án bà Thảo đã mất đi quyền điều hành Tập đoàn Trung Nguyên. Điều này khác xa so với những đề nghị của bà trước đó. Chắc chắn đối với bà Thảo đây là một bản án bất công.

Không chỉ có vậy điều bất công hơn là tòa lại quyết định chấp thuận đề nghị của ông Vũ là được mua lại cổ phần của bà Thảo sau khi ly hôn. Theo đó, tòa án quyết định bà Thảo sở hữu số tiền bà đang quản lý là hơn 1.700 tỷ, ông Vũ được sở hữu cổ phần tại công ty trị giá hơn 5.600 tỷ. Tổng cộng tài sản chung vợ chồng trừ bất động sản là hơn 7.000 tỷ. Nếu chia ông Vũ 60% tài sản thì sẽ tương đương 4.000 tỷ, bà Thảo 40% tương đương hơn 3.000 tỷ. Khấu trừ, ông Vũ phải thanh toán chênh lệch hơn 1.200 tỷ đổi lại ông Vũ được sở hữu toàn bộ cổ phần chung của 2 vợ chồng ở Trung Nguyên và các công ty con.

Được biết doanh thu của Trung Nguyên trong những năm vừa qua khá ổn định quanh mức 4.000 tỷ đồng/năm. Lợi nhuận sau thuế lại có xu hướng giảm dần. Năm 2014, là năm đạt đỉnh cao với mức lợi nhuận là 1.193 tỷ đồng, năm 2015 là 717 tỷ đồng, 2016 là 681 tỷ đồng, năm 2017 là 531 tỷ đồng. Mức lợi nhuận của Trung Nguyên cao hơn nhiều so với CTCP Vinacafe Biên Hòa trong những năm qua. Doanh thu hoạt động kinh doanh của Trung Nguyên trong những năm vừa qua sụt giảm và lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính cũng giảm theo. Nguyên nhân do sự cạnh tranh của nhiều “đối thủ” và xuất phát một phần từ nội bộ của công ty có tranh chấp và thiếu thống nhất.

Việc định giá tài sản của vợ chồng “vua cà phê” chắc chắn là một công việc phức tạp và là một phần quan trọng của vụ ly hôn này. Thực tế rất khó để đưa ra giá trị chính xác đối với Tập đoàn Trung Nguyên khi mà giá trị vô hình như thương hiệu, hệ thống phân phối… của Trung Nguyên quá lớn. Thực tế thì việc định giá cũng một chủ đề gây tranh cải lớn trong quá trình xét xử của tòa.

Do đó, việc xác định giá trị công ty khoảng 5.600 tỷ đồng chỉ là một con số hết sức tương đối. Chắc chắn con số này chưa xét đến tiềm năng phát triển của Trung Nguyên trong tương lai khi mà yếu tố quản trị thay đổi. So với Vinacafe Biên Hòa, Công ty có thời điểm được thị trường định giá gần 10.000 tỷ đồng thì Trung Nguyên có quy mô lớn hơn rất nhiều.

Giá trị của doanh nghiệp tùy thuộc rất lớn vào đánh giá nhà đầu tư và chiến lược phát triển công ty trong tương lai. Trên thị trường chứng khoán giá cổ phiếu có thể giao động 10-20% trong một tháng và có thể lên đến 50% trong 1 năm. Do đó rất khó để xác định giá trị thực tế của doanh nghiệp mà nó tùy thuộc nhiều vào khả năng chi trả của nhà đầu từ vào từng giai đoạn cụ thể.

Trung Nguyên đối với ông Vũ có thể là vô giá bởi đó là “linh hồn” của ông. Do vậy, ông có thể sẵn sàng bỏ ra một số tiền rất lớn để nắm quyền kiểm soát hoàn toàn. Điều này cũng tương tự như việc tỷ phú người Thái sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn hơn nhiều so với giá trị hợp lý của Sabeco để nắm quyền kiểm soát công ty. Đối với bà Thảo thì chắc chắn Trung Nguyên cũng có giá trị không kém bởi đó là cơ nghiệp của gia đình bà.

Trở lại với việc tòa án tuyên cho ông Vũ được quyền mua lại cổ phần của bà Thảo tại Trung Nguyên đúng bằng mức giá mà các công ty định giá đưa ra là điều hết sức phi lý và làm sai đi bản chất tỷ lệ 6:4. Đối với ông Vũ hay bà Thảo thì số tiền 40% cổ phần có thể lớn hơn rất nhiều so với số tiền tương ứng là 2.240 tỷ đồng (giá trị 40% cổ phần của 5.600 tỷ đồng). Với việc công ty này từng đạt lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng năm 2014, thì giá trị công ty có thể trên 10.000 tỷ đồng. Thậm chí nhiều đại gia nước ngoài sẳn sàng trả hàng tỷ USD để sở hữu hệ thống phân phối và thương hiệu của Trung Nguyên. Do đó, một cách công bằng thì ông Vũ phải tự thỏa thuận với bà Thảo để mua lại số cổ phần này nếu muốn chứ không phải là một phán quyết của tòa.

Như vậy, rõ ràng với việc được quyền mua cổ phiếu bản chất tỷ lệ 6:4 đã thay đổi hoàn toàn. Với quyền được mua cổ phiếu của bà Thảo thì ông Vũ có thể được hưởng tỷ lệ 5:1 hoặc thậm chí còn hơn. Có thể bà Thảo đã nhận ra điều này khi thốt lên trong nước mắt "Một bản án quá bất công với mẹ con chúng tôi".

DOANH THU VÀ LỢI NHUẬN CỦA TRUNG NGUYÊN QUA CÁC NĂM (TỶ ĐỒNG)

Hồ Bá Tình
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.