Khách hàng và đại diện tập đoàn Nam Cường tranh cãi nảy lửa về vấn đề diện tích nhưng không đi đến thống nhất - Ảnh: Lê Quân
Như đã thông tin, sau khi gần 100 khách hàng mua căn hộ tại tổ hợp chung cư Lê Văn Lương Residentials thuộc Khu đô thị mới Dương Nội kéo đến trụ sở của Công ty CP tập đoàn Nam Cường (tập đoàn Nam Cường) căng băng rôn, biểu ngữ tố chủ đầu tư ăn gian diện tích vào ngày 14.10 vừa qua, chủ đầu tư đã có câu trả lời nhưng không làm hài lòng khách hàng. Tiếp tục bất đồng quan điểm, hai bên cho rằng cần phải làm văn bản trình và nhờ Bộ Xây dựng phân xử.
Theo đó, phía khách hàng giữ quan điểm tập đoàn Nam Cường không được tính diện tích cột khung chịu lực, hộp kỹ thuật vào diện tích căn hộ, đẩy phần chịu thiệt về phía khách hàng.
“Nếu tính diện tích các bộ phận đó vào diện tích căn hộ và buộc chúng tôi phải trả tiền, khi đó, sẽ là phần sở hữu riêng. Nếu đã là sở hữu riêng, có nghĩa là chúng tôi được quyền đập bỏ cột khung chịu lực, hộp kỹ thuật. Khi đó, kết cấu tòa nhà liệu tránh khỏi nguy hiểm?”, anh Phạm Ngọc Bắc, thành viên ban đại diện khách hàng đặt vấn đề.
Nhóm khách hàng cũng khẳng định, theo quy định tại luật Nhà ở và Nghị định 71, việc tập đoàn Nam Cường tính diện tích cả cột khung chịu lực, hộp kỹ thuật là sai. Theo quy định về vấn đề này của Nhà nước thì đây là những phần diện tích sở hữu chung, không được bán.
Tranh chấp cách tính diện tích ở tổ hợp chung cư Lê Văn Lương Residentials thuộc khu đô thị Dương Nội (Q.Hà Đông, Hà Nội) đang gây ồn ào thị trường bất động sản Hà Nội - Ảnh: Lê Quân
Tuy nhiên, trả lời khách hàng, ông Lê Ngọc Thăng, Trưởng ban kinh doanh của tập đoàn Nam Cường, khẳng định đơn vị này đang làm đúng pháp luật. Theo hợp đồng tập đoàn Nam Cường ký với khách hàng, đã thống nhất tính diện tích theo cách từ tim tường đến tim tường (đo từ giữa tường) mà luật pháp đã cho phép. Cách tính này sẽ xác định toàn bộ diện tích sàn căn hộ tính từ tim tường bao quanh căn hộ trở vào, bao gồm cả diện tích cột, hộp kỹ thuật.
“Cột khung chịu lực, hộp kỹ thuật đúng là phần sở hữu chung, không được bán. Nhưng phần diện tích sàn mà cột khung chịu lực, hộp kỹ thuật chiếm là thuộc sở hữu riêng, khách hàng phải trả tiền. Do vậy, nếu ai tự ý đập phá cột khung chịu lực, hộp kỹ thuật là vi phạm pháp luật, phải chịu hoàn toàn trách nhiệm”, ông Thăng nói.
Phản ứng cách lý giải của ông Thăng, nhóm khách hàng cho rằng, cách lý giải của ông Thăng, đại diện cho tập đoàn Nam Cường là quá… “buồn cười”, ấu trĩ. “Nếu theo cách ông Thăng nói, thì phần cột khung chịu lực, hộp kỹ thuật là sở hữu chung ở trên tường còn diện tích sàn mà các bộ phận này chiếm vẫn là sở hữu riêng của căn hộ. Vậy, khách hàng bỏ tiền mua phần diện tích sàn nhưng không được sử dụng. Tại sao chủ đầu tư không thiết kế, cột khung chịu lực, hộp kỹ thuật nằm ngoài phần diện tích sở hữu riêng của căn hộ?”, đại diện nhóm khách hàng tổ hợp chung cư Lê Văn Lương Residentials bức xúc.
Không đạt được thống nhất chung, hai bên đã thống nhất làm văn bản nhờ Bộ Xây dựng đứng ra phân xử. Nhóm khách hàng của tổ hợp chung cư Lê Văn Lương Residentials khẳng định sẽ tiếp tục đấu tranh đòi cho kỳ được quyền lợi.
Theo luật sư Bùi Quang Hưng, Trưởng văn phòng luật BQH thuộc Đoàn luật sư Hà Nội, luật Nhà ở 2005 và Nghị định 71 đều quy định phần cột khung chịu lực, hộp cột kỹ thuật là sở hữu chung không được bán. Tuy nhiên, cách tính diện tích căn hộ theo tim tường được quy định tại chính Nghị định 71 năm 2010, và Thông tư 16 hướng dẫn chi tiết Nghị định 71 thì phần diện tích cột và hộp kỹ thuật này lại quy định đo từ tim tường đến tim tường. Quy định mập mờ dẫn đến cách hiểu đo cả cột khung chịu lực, hộp kỹ thuật vào diện tích căn hộ. Với quy định như vậy thì tranh chấp theo dạng này sẽ còn kéo dài nếu không xem lại quy định của luật pháp. |