01/04/2015 9:44 PM
Nhật Bản sẽ ngừng cấp ODA cho Việt Nam nếu còn nhận hối lộ. Đó là chia sẻ của ông Yamamoto Kenichi, Phó đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam trong cuộc họp báo thường niên của đơn vị này diễn ra ngày 1-4 ở Hà Nội.
Liên quan tới khoản tiền JTC đã đưa hối lộ cho các quan chức ngành đường sắt Việt Nam, phía Nhật Bản sẽ yêu cầu bên Việt Nam hoàn trả lại. Ảnh: Dân trí
Trả lời câu hỏi của báo giới liên quan đến vụ Tập đoàn tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) hối lộ các quan chức ngành đường sắt Việt Nam về Dự án đường sắt đô thị trên cao (80 triệu yên); ông Yamamoto Kenichi cho biết đây là lần thứ hai kể từ năm 2008 phát hiện có xảy ra tình trạng hối lộ các dự án ODA (vốn viện trợ phát triển) của Nhật Bản tại Việt Nam. Phía Nhật Bản sẽ yêu cầu phía Việt Nam hoàn trả lại tiền nhận hối lộ.
“Tôi cũng tha thiết mong đây là vụ cuối cùng bởi nếu xảy ra lần thứ ba, người dân Nhật Bản chắc chắn sẽ lên tiếng và yêu cầu Nhật Bản dừng cấp ODA cho Việt Nam. Rút kinh nghiệm từ vụ việc lần này, cả hai phía đều phải bắt tay vào thực hiện nghiêm túc. Nếu không thì sẽ không còn lối thoát nào nữa”- ông Yamamoto Kenichi nêu quan điểm.
Từ sự việc trên, Nhật Bản có tiếp tục cấp ODA cho dự án tuyến đường sắt đô thị trên cao Metro số 1 nữa hay không? Trả lời vấn đề này, ông Yamamoto Kenichi nhấn mạnh: “Người đưa hối lộ là người có lỗi và phải chịu xử lý chứ bản thân dự án không có lỗi. Do đó, sau khi bên Việt Nam hoàn trả khoản tiền hối lộ lại cho Nhật Bản, các chi phí thực hiện dự án sẽ tiếp tục được Nhật Bản cung cấp".
Trong trường hợp tiếp tục cung ứng vốn do dự án Metro số 1, ông Yamamoto Kenichi cho biết JICA sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ KH&ĐT của Việt Nam để hình thành một cơ chế giám sát. Theo đó, cơ chế mới này sẽ áp dụng bên thứ ba độc lập giám sát và đưa ra các đánh giá vào bất cứ thời điểm nào trong quá trình triển khai dự án. Các dự án tại Việt Nam thường bị chậm trễ, nếu có bên thứ ba độc lập này thì sẽ giảm thiểu được tình trạng này.
Về định hướng sắp tới, đại diện JICA chia sẻ sẽ tiếp tục duy trì khoản hỗ trợ như các năm trước và mong muốn các khoản vay sớm được triển khai. Tuy nhiên đại diện cơ quan này cũng cho rằng, một số thủ tục hành chính mới của Việt Nam mất rất nhiều thời gian dẫn đến việc kí kết hỗ trợ các dự án chậm trễ. “Xu hướng của Việt Nam muốn ngày càng đơn giản hoá thủ tục nhưng có lẽ những thay đổi lại đang đi ngược lại xu thế này”- cơ quan JICA nêu thực tế.
Đại diện JICA cũng nhấn mạnh thêm, Việt Nam đã nhận ODA trong 20 năm liên tiếp và vấn đề cần quan tâm là bây giờ hay trong bao lâu thì Việt Nam không cần nhận ODA. Phía Nhật Bản luôn mong thời gian Việt Nam nhận ODA không kéo dài. Thời gian 5 năm hay 10 năm đều do chính Việt Nam quyết định.
Trà Phương (Pháp luật TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.