Báo CATP ra ngày 28-3-2014 có bài phản ánh liên quan đến dự án (DA) “Chỉnh trang phát triển đô thị” tại P.Long Bình, Q9, TPHCM, nêu rõ 12 trường hợp bị thu hồi nhà đất, nhận số tiền bồi thường thấp hơn 85 tỷ đồng so với phương án được duyệt. Tính chung cho cả DA, số tiền chênh lệch lên đến hàng trăm tỷ đồng. Ngày 10-4-2014, Văn phòng UBND TPHCM có văn bản khẩn truyền đạt ý kiến của Phó chủ tịch UBNDTP Nguyễn Hữu Tín, giao Hội đồng thẩm định bồi thường thành phố (TP) tổ chức kiểm tra, báo cáo kết

*Chủ tịch UBND Q9: Dự án được thực hiện đúng quy trình, số tiền chênh lệch vẫn còn trong ngân sách

Cùng ngày 10-4, Văn phòng UBNDTP có văn bản nêu rõ: UBNDTP nhận được đơn của bà Chu Quỳnh Hương khiếu nại, liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ thiệt hại, cưỡng chế thu hồi đất tại DA trên. Sau khi xem xét, Phó chủ tịch Nguyễn Hữu Tín có ý kiến chỉ đạo: chuyển đơn và giao UBND Q9 rà soát, báo cáo các nội dung Báo CATP phản ánh; kiểm tra nguồn gốc đất, quá trình quản lý, sử dụng đối với hồ sơ bồi thường của bà Hương; thống kê, rà soát có bao nhiêu trường hợp sử dụng nhà, đất tương tự tại DA để báo cáo, đề xuất hướng giải quyết cụ thể, trình UBNDTP và Hội đồng thẩm định bồi thường TP xem xét, giải quyết theo quy định, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân...

Trước đó, ngày 4-4-2014 Phó chủ tịch UBND Q9 Nguyễn Văn Thành ký Công văn 556/UBND-BBT gửi Báo CATP phản hồi một số nội dung liên quan đến bài viết. Theo đó, DA trên thực hiện theo quyết định (QĐ) thu hồi đất số 75/QĐ-UBND ngày 8-1-2008 của UBNDTP, chính sách bồi thường thực hiện theo Nghị định 69/2009/NĐ-CP ngày 13-8-2009 và QĐ35/2010/QĐ-UBND ngày 8-1-2008 (văn bản ghi nhầm thời gian, đúng ra phải là ngày 28-5-2010) của UBNDTP. Nguồn vốn thực hiện DA từ ngân sách TP.

Ngày 4-6-2012, Chủ tịch UBND Q9 lúc đó là Nguyễn Hữu Việt ký QĐ phê duyệt phương án “bồi thường, hỗ trợ và tái định cư” số 86/PABT-HĐBT ngày 15-5-2012 (phương án 86) của Hội đồng bồi thường DA với chi phí bồi thường cho các hộ là 775,149 tỷ đồng. Phương án 86 có kèm theo bảng dự toán chi phí, tại trang cuối có phần ghi chú: “Bảng này được tạm tính theo đơn giá đất do đơn vị tư vấn xác định làm cơ sở để xin ghi vốn. Giá trị bồi thường, hỗ trợ thực tế sẽ thay đổi phụ thuộc vào đơn giá đất TP phê duyệt cũng như tình trạng pháp lý nhà đất đang sử dụng của từng hộ và đơn giá theo phương án bồi thường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”.

Theo Phó chủ tịch Thành, bảng dự toán kèm theo phương án 86 chỉ là “tạm tính” theo số liệu khảo sát ban đầu trên cơ sở toàn bộ diện tích đất của DA đủ điều kiện bồi thường mà chưa xét nguồn gốc, quá trình sử dụng của từng hộ dân. Thực tế, phần lớn diện tích thực hiện DA là đất do nhà nước trực tiếp quản lý (UBND xã Long Bình cũ đăng ký sử dụng theo Chỉ thị 299/TTg và Tài liệu 02/CT-UB). Các hộ lấn chiếm nên không đủ điều kiện bồi thường. Nhiều hộ dân số tiền bồi thường, hỗ trợ khi ban hành QĐ thấp hơn so với dự toán được lập ban đầu. Kinh phí bồi thường DA từ ngân sách TP, được cấp tạm ứng từng đợt và thực hiện thanh quyết toán theo QĐ công bố giá trị bồi thường, hỗ trợ của từng hộ qua sự kiểm soát của Kho bạc Nhà nước, chứ không cấp kinh phí một lần theo bảng dự toán.

Cũng theo Phó chủ tịch Thành, việc chênh lệch giữa bảng dự toán và QĐ bồi thường, UBND Q9 đã giải thích cho người dân khi có yêu cầu, qua đó tạo sự đồng thuận của đa số hộ. Đến nay đã có 230/263 hộ nhận tiền và giao mặt bằng với 87/97ha, đạt 89%; còn 33 hộ chưa nhận tiền (trong đó có các hộ báo đã nêu), phần lớn số hộ này sử dụng đất do nhà nước quản lý nên không thuộc đối tượng được bồi thường theo phương án 86 và QĐ 35/2010/QĐ-UBND ngày 28-5-2010 của UBNDTP. Sau khi nhận QĐ công bố giá trị bồi thường, các hộ trên đã nộp đơn khiếu nại tại UBND Q9 và được giải quyết đúng quy trình. Hiện họ đang khiếu nại lên UBNDTP và kiện ra tòa. Do đó, việc này để cơ quan có thẩm quyền giải quyết với từng trường hợp cụ thể.

Tại buổi làm việc với đại diện Báo CATP vào sáng 18-4-2014, Chủ tịch UBND Q9 Đặng Thị Hồng Liên tái khẳng định một số nội dung như Công văn 556/UBND-BBT đã nêu và nhấn mạnh: Đây là dự án công ích nhằm tạo quỹ đất, quận đã thực hiện đúng quy trình theo QĐ35 của UBNDTP; số tiền chênh lệch hàng trăm tỷ đồng vẫn còn nằm trong ngân sách, không thất thoát.

Phó ban bồi thường giải phóng mặt bằng Q9 Huỳnh Văn Tỵ xác định, theo phương án 86, tổng dự toán chi phí cho DA gần 907 tỷ đồng, bao gồm 775,149 tỷ bồi thường cho các hộ, 15,5 tỷ chi phí phục vụ công tác bồi thường, 77,51 tỷ chi phí dự phòng và 38,75 tỷ làm quỹ đào tạo chuyển đổi nghề. Trong số 775,149 tỷ bồi thường, quận đã chi thực tế cho 230 hộ với 374,8 tỷ. Nếu tính luôn khoảng 18 tỷ đồng của 33 hộ chưa nhận thì tổng chi bồi thường hỗ trợ là 392,8 tỷ.

Chỉ riêng phần bồi thường đã chênh lệch hơn 382 tỷ đồng, nếu tính chung cho cả DA thì con số này còn cao hơn. Do đó, phản ánh của Báo CATP về số tiền hàng trăm tỷ đồng chênh lệch là có căn cứ. Tiền vẫn còn trong ngân sách, không thất thoát nhưng dự toán mà cách quá xa với thực tế như trong DA này thì lãnh đạo UBND Q9 cần phải xem lại.

Báo CATP sẽ tiếp tục thông tin khi có kết quả kiểm tra, thẩm định của Hội đồng thẩm định bồi thường TP theo chỉ đạo của UBNDTP.

PV (Công an TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.