14/12/2022 10:40 AM
Tại phiên tòa xét xử Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch Công ty Địa ốc Alibaba) và đồng phạm, Viện Kiểm sát giải thích sản phẩm giao dịch giữa công ty Alibaba và các bị hại không có thật nên khó có thể thực hiện bồi thường đất như nguyện vọng.

Giao dịch sản phẩm không có thật

Phiên xét xử vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “rửa tiền” liên quan đến Công ty Địa ốc Alibaba tiếp diễn với phần thẩm tra bị hại.

Nêu lên nguyện vọng về phương án bồi thường, nhiều bị hại yêu cầu được cấp đất như cam kết của Công ty Alibaba. Các bị hại trình bày trong hợp đồng ký với Công ty Alibaba là mua đất thổ cư, có số lô, số thửa đất, mục đích mua đất để ở dưỡng già, không phải mua để đầu tư kiếm lợi nhuận nên muốn nhận đất, không muốn nhận tiền.

Hợp đồng giao dịch giữa bị hại và công ty Alibaba (hình: Zingnews)

Theo Tiền Phong, Viện Kiểm sát ghi nhận yêu cầu của bị hại, phân tích về các phương án bồi thưởng khả thi. Theo đó, sản phẩm phía Alibaba giao dịch với bị hại là đất nông nghiệp, không phải đất thổ cư như trong hợp đồng các bị hại cung cấp.

“Bị hại và Công ty Alibaba giao dịch một sản phẩm không có thật, nay bị hại đề nghị được nhận lại đất thì HĐXX lấy đất thổ cư đâu để giao", đại diện Viện Kiểm sát nêu rõ.

Quá trình thẩm vấn, các bị hại đưa ra nhiều yêu cầu, trong đó có các yêu cầu như nếu không lấy lại được tiền thì lấy đất hoặc xin chuyển từ dự án này sang dự án khác. HĐXX lưu ý các bị hại cần cân nhắc vì nếu xét thấy yêu cầu không đúng quy định, tòa sẽ xem xét bác yêu cầu.

Nguyễn Thái Luyện giải thích về "đất thổ cư" trong hợp đồng

Trước đó, tại phần thẩm vấn bị cáo, ghi nhận của Vietnamnet, luật sư bào chữa đã đặt câu hỏi cho bị cáo Nguyễn Thái Luyện về phương án bồi thường khi khách hàng yêu cầu: “Nếu khách hàng yêu cầu chi trả tiền hoặc đất thì bị cáo có trả không?”

Trả lời câu hỏi của luật sư, Nguyễn Thái Luyện cho biết: “bây giờ khách hàng đồng loạt muốn lấy lại tiền, công ty chỉ việc thanh lý các giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất này thì đảm bảo sẽ có khả năng chi trả”.

Nguyễn Thái Luyện tự tin khẳng định những lô đất nông nghiệp mà công ty đã bán có thể "ra sổ" vì khu đất này được quy hoạch thổ cư hoặc có sẵn quy hoạch thổ cư, do đó bị cáo ký bán đất thổ cư là không sai.

Bị cáo Nguyễn Thái Luyện tại phiên xét xử (hình Người lao động)

Báo Người lao động ghi nhận cáo trạng vụ án, nhiều cá nhân đại diện pháp luật của Công ty Alibaba và 22 công ty con đã ký hợp đồng bán đất thổ cư cho khách hàng trong khi hiện trạng là đất nông nghiệp. Thậm chí, có trường hợp, dù không ký hợp đồng đặt cọc hoặc nhận chuyển nhượng lô đất nông nghiệp thuộc sở hữu của người dân đang sử dụng nhưng Luyện vẫn tự đặt tên dự án, phân lô, chia nền, trên đất nông nghiệp của người khác để thu hút nguồn tiền từ khách hàng.

Đáng chú ý, bị cáo Luyện cho rằng cáo trạng chưa đúng vì thực tế, Công ty Alibaba bán 1.000-2.000 lô đất dự án mỗi tháng, kéo dài nhiều năm trước khi Luyện bị bắt. Do vậy, số người mua đất phải nhiều hơn rất nhiều so với con số khoảng 4.500 người mà cáo trạng nêu.

Về nội dung này, chủ tọa phiên xử cho biết có sự trùng lặp dữ liệu và đang rà soát lại con số chính xác. Tuy nhiên, số liệu thực tế chỉ dao động khoảng 4.000 người. Ngoài ra, HĐXX vẫn tiếp tục nhận được đơn tố cáo của các bị hại trong vụ án.

Chủ tọa cho biết, để tránh mất thời gian và tạo áp lực cho lực lượng hỗ trợ, toà án sẽ dừng tiếp nhận đơn từ ngày 16/12. Do đó, nếu các khách hàng chưa kịp nộp đơn mà thấy cần thiết thì nộp đơn ra toà giải quyết bằng 1 vụ kiện dân sự khác.

Bá Di
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.