29/07/2016 8:29 PM
Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội đã nói như vậy tại buổi họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV chiều 29.7
Ông Nguyễn Hạnh Phúc trả lời tại buổi họp báo chiều 29.7 (Ảnh: X.H)
Trả lời về việc gần đây dư luận rất quan tâm đến vấn đề trách nhiệm của ông Võ Kim Cự - Chủ tịch Liên Minh HTX Việt Nam, ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh khóa XIV, (nguyên Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh), trong việc cấp phép đầu tư cho dự án Formosa 70 năm gây hậu quả nghiêm trọng đến môi trường và thiệt hại kinh tế cho người dân ven biển miền Trung. Tuy nhiên, tại kỳ họp này UBTVQH vẫn phê chuẩn ông Cự là thành viên Ủy ban kinh tế, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Vừa qua đại biểu Quốc hội Võ Kim Cự tham gia vào Ủy ban kinh tế của Quốc hội. Theo luật, đại biểu có quyền đăng ký vào bất cứ Ủy ban nào của Quốc hội.
“Ông Võ Kim Cự là cử nhân tài chính, thạc sỹ quản trị kinh doanh. Với học vấn như vậy thì việc ông Cự tham gia Uỷ ban Kinh tế là phù hợp” – ông Phúc nói.
Còn khi còn là người đứng đầu địa phương là tỉnh Hà Tĩnh thì có việc xảy ra việc cho doanh nghiệp Formosa thuê đất 70 năm. Việc này Thanh tra Chính phủ khi thanh tra xác định không đúng thẩm quyền địa phương và ông Cự nhận thấy việc sai của tỉnh.
Sau đó UBND Hà Tĩnh có văn bản báo cáo Thủ tướng về việc cho thuê đất thời hạn 70 năm. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và đầu tư xem xét xác định việc có đủ điều kiện hay không và khi các bộ ngành vào xem xét đánh giá có ý kiến đủ điều kiện.
Trả lời báo chí về trường hợp ông Võ Kim Cự được phê chuẩn có ảnh hưởng gì không đến hoạt động giám sát của Ủy ban Kinh tế nếu có liên quan đến dự án Formosa, ông Phúc cho rằng: Quốc hội đã giao Uỷ ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường trực tiếp giám sát vụ việc Formosa. Nếu sau này có giám sát vấn đề kinh tế thì Uỷ ban Kinh tế sẽ có phân công và ông Cự sẽ không tham gia để đảm bảo khách quan.
Trả lời báo chí về ý kiến cho rằng cần xem xét tư cách của ông Võ Kim Cự không? Báo cáo của Chính phủ gửi đến đại biểu Quốc hội có phản ánh đầy đủ thực tế hay không và các đại biểu có phản ánh gì?. Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Không có cơ sở để xác định không công nhận tư cách đại biểu của ông Võ Kim Cự. Sau này khi có quan chức năng có kết luận thì nếu có trách nhiệm mới xác định.
Báo cáo của Chính phủ về sự cố môi trường miền trung đề cập khá đầy đủ, đánh giá rõ việc đầu tư, kiểm tra, quản lý khai thách, đánh giá tác động môi trường... Xác định 53 lỗi vi phạm của nhà thầu và Formosa đã cúi đầu nhận lỗi và bồi thường 500 triệu USD.
Tại buổi họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng cũng đã trả lời báo chì về câu hỏi Quốc hội giao cho một Ủy ban giám sát về Formosa thì liệu có coi nhẹ sự cố Formosa?. Ông Hùng cho biết: Đại biểu rất quan tâm vấn đề môi trường nói chung, trong đó có sự cố môi trường biển miền Trung.
Ông Hùng khẳng định: Quốc hội căn cứ vào chương trình chung và lựa chọn giám sát 2 chuyên đề. Với vấn đề môi trường biển miền Trung, Quốc hội giao Ủy ban KH-CN-MT giám sát, báo cáo Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.
Không thể đặt vấn đề coi trọng hay xem nhẹ nội dung này. Theo quy định của luật hoạt động giám sát thì giám sát Quốc hội có 5 cấp độ: Giám sát tối cao của Quốc hội, giám sát của UBTVQH, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban, Đoàn ĐBQH và các ĐBQH.
“5 cấp độ này tạo thành tổng thể hoạt động giám sát. Hoạt động nào cũng có địa vị pháp lý và hiệu quả của từng cấp độ. Trên cơ sở giám sát của Ủy ban, Quốc hội sẽ có chủ trương, quyết định tiếp theo. Tôi mong rằng báo chí tiếp tục theo dõi, ủng hộ, đồng hành trong hoạt động giám sát” – ông Hùng nói.
Xuân Hải (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.