“Cần làm rõ trách nhiệm những cán bộ quản lý nhà nước sai trực tiếp trong vụ việc này” - ông Hoàng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Hoàng cho rằng việc lên phương án hỗ trợ bồi thường là có cơ sở. Theo ông, các tài sản kiểm kê dựa vào việc ông Nguyễn Văn Hai “nói” toàn bộ những tài sản đó thuộc về ông Hai (ông Hai là người thuê đất của HTX nông nghiệp Kinh Triều). “Chúng tôi có biên bản bàn giao của HTX nông nghiệp Kinh Triều, UBND xã Thủy Triều và ông Nguyễn Văn Hai phân định tài sản của ai”. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, biên bản này lại không có dấu của UBND xã Thủy Triều (!?).
Người dân làm lều ở đầm để giữ đất. Ảnh: ĐT
Vấn đề người dân làm lều ở đầm để giữ đất, ông Nguyễn Trần Lanh, Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên, cho rằng: “Biết là người dân làm như vậy là mất công, mất việc nhưng người dân không chịu về thì biết phải làm sao bây giờ. Các ngành của UBND TP Hải Phòng đang kiểm tra và chuẩn bị khoảng 1-2 ngày nữa sẽ trả lời người dân về việc này”.
Luật sư Lã Viết Nam (Văn phòng Luật sư Nhân Ái, Hải Phòng) nhìn nhận: Việc lên phương án bồi thường đất đai muốn làm gì cũng phải xác định được rõ người kiến tạo và chủ sử dụng đất. Trường hợp 103 ha đất ở Kinh Triều thì dân làng Kinh Triều đã chứng minh là nhân dân các đời tạo lập nên đất đó và HTX nông nghiệp Kinh Triều là đơn vị sử dụng đất. UBND huyện Thủy Nguyên phải làm rõ vấn đề này. HTX nông nghiệp có trách nhiệm thông báo rõ ràng cho các xã viên tất cả thông tin về việc bồi thường đất và lấy ý kiến của các xã viên.
Như đã phản ánh, gần một tháng nay, hơn 3.000 người dân ở làng Kinh Triều (xã Thủy Triều, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) thay nhau ra ở trên một khu đất đầm khoảng 103 ha tại đầm Chấu (thuộc đảo Vũ Yên). Họ cho rằng khu đất đầm cùng những tài sản trên đó là do dân làng kiến tạo. Tuy nhiên, khi làm dự án, huyện lại lên phương án bồi thường cho một cá nhân khiến quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Họ đề nghịđịa phương có một phương án giải quyết rõ ràng để người dân rút lều, trại về làm ăn yên ổn.