Ngày 21/11/2019, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản số 5217/UBND-ĐT chỉ đạo về việc tổ chức tháo dỡ giai đoạn 2 công trình sai phạm tại số 8B Lê Trực, quận Ba Đình. Văn bản do Phó Chủ tịch Nguyễn Thế Hùng ký.
Muốn giải quyết dứt điểm vụ việc lình xình đã kéo dài nhiều năm như vậy, trước hết, mọi thông tin phải trung thực và phải căn cứ vào các quy định của pháp luật để phân tích, đánh giá và xử lý.
Văn bản đã yêu cầu UBND quận Ba Đình căn cứ vào các ý kiến của Bộ Xây dựng, khẩn trương làm thủ tục để tổ chức tháo dỡ giai đoạn 2 theo thẩm quyền, quy định và chỉ đạo của Thành phố (hoàn thành trước ngày 15/12/2019).
Cùng với đó, văn bản cũng giao Sở Xây dựng theo dõi, đôn đốc việc triển khai; tổng hợp, dự thảo văn bản của UBND TP báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng về tình hình triển khai công tác xử lý vi phạm (hoàn thành trước ngày 20/12/2019).
Như vậy, lần đầu tiên kể từ cách đây 5 năm, hy vọng vụ việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý xây dựng tại dự án 8B Lê Trực Hà Nội sẽ được giải quyết triệt để.
Với tinh thần của văn bản này, khi một sự việc tưởng như có thể được xử lý trong tầm tay của chính quyền cấp quận nay đã phải đưa lên cấp cao nhất là Chính phủ và có thời hạn hẳn hoi. Quả là một kết cục không vui vẻ chút nào đối với cung cách và hiệu quả quản lý trật tự đô thị của Thủ đô.
Tuy nhiên, muốn giải quyết dứt điểm vụ việc lình xình đã kéo dài nhiều năm như vậy, trước hết, mọi thông tin phải trung thực và phải căn cứ vào các quy định của pháp luật để phân tích, đánh giá và xử lý.
Thứ nhất, phải trung thực về các căn cứ pháp lý
Một câu hỏi mà nhiều người đặt ra, không chỉ tại diễn đàn Quốc hội nhiều năm qua mà cả sự quan tâm của giới truyền thông, đó là sức mạnh nào đã khiến một tòa nhà như 8B Lê Trực lại có thể “ngang nhiên tồn tại” trước sức ép của dư luận và sự tôn nghiêm của pháp luật trong ngần ấy năm trời?
Và hậu quả của nó là trong suốt thời gian vừa qua, vụ việc cứ được “đá đi đá lại” với trên 120 văn bản hành chính đủ các cấp, từ phường, lên quận, lên thành phố, rồi lên Bộ… nhưng vẫn không thể giải quyết dứt điểm.
Điều này rất cần sự minh bạch dựa trên nền tảng pháp luật chứ không thể căn cứ vào những cụm từ cảm tính, như “sự yếu kém về quản lý” của các cơ quan chức năng hoặc “sự chây ỳ” của doanh nghiệp…
Tòa nhà 8B Lê Trực đã được sinh ra hợp pháp bằng “một cuộc hôn phối” hợp pháp, giữa sự khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi của các cấp có trách nhiệm TP. Hà Nội và ý chí đầu tư của doanh nghiệp. Việc đó thể hiện chủ yếu tại 3 văn bản:
Ngày 05/12/2008, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đã ký Quyết định số 2452/QĐ-UBND về việc Phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết phần kiến trúc hai bên trục đường tỷ lệ 1/500 tại lô đất này. Theo đó, chiều cao công trình không vượt quá 70m và số tầng không quá 20 tầng. Theo quy định của pháp luật, đây là văn bản quy phạm pháp luật, mọi quy định của văn bản này sẽ “được Nhà nước bảo đảm thực hiện”, trừ khi có những văn bản ở cấp cao hơn bãi bỏ.
Tiếp theo, ngày 16/3/2009, Sở Quy hoạch - Kiến trúc có Văn bản số 499/QHKT-P3 về việc Chấp thuận quy hoạch tổng thể mặt bằng, phương án thiết kế sơ bộ kiến trúc dự án tại số 8B phố Lê Trực. Theo đó, tổng diện tích khu đất 5.683,5m2 (trong đó, 1.941,82m2 đất để mở đường của thành phố; 3.741,68m2 là đất dự án). Tại văn bản này xác định: “Khối cao tầng có khối đế 5 tầng, khối tháp 17 tầng (tính cả chiều cao khối đế) và 2 tầng kỹ thuật, 3 tầng hầm”. Tổng chiều cao công trình là 69,1m (tính từ độ cao sàn tầng 1 đến đỉnh mái).
Kèm với đó là một tập bản thiết kế đến từng chi tiết của công trình mà khi tận mắt được xem, ai cũng hiểu rằng, tại sao khi có bản thiết kế quy hoạch chi tiết 1/500 của Sở Quy hoạch - Kiến trúc này thì tờ giấy A4 mang tên Giấy phép xây dựng kia trở nên mỏng manh, sơ lược và không cần thiết.
Tiếp nữa, ngày 7/4/2009, Sở Xây dựng Hà Nội ra Văn bản số 2154/SXD-TĐ thông báo Kết quả thẩm định thiết kế cở sở. Theo đó, Sở đã xác định tất cả các văn bản nêu trên là phù hợp với các quy định hiện hành. Bên cạnh đó là một số khuyến nghị có tính kỹ thuật nhằm lưu ý và yêu cầu chủ đầu tư cần thực hiện trong quá trình triển khai dự án.
Cả 3 văn bản này đều cho phép Tòa nhà 8B Lê Trực được xây 20 tầng và cao 69,1m. Điều quan trong là cho đến nay, cả 3 văn bản này đều vẫn chưa có văn bản cấp cao hơn hủy bỏ giá trị pháp lý.
Mọi sự “đá đi đá lại” với trên 120 văn bản hành chính đủ các cấp, từ phường, lên quận, lên thành phố, rồi lên Bộ… trong mấy năm qua là do vướng mắc ở tại điểm này: cho xây 20 tầng và cao 69,1m, nay tự nhiên “ra lệnh” cắt xuống còn 18 tầng và cao 53m nhưng không dựa trên bất cứ một căn cứ pháp lý có sức thuyết phục nào.
Điều này mới là cái gốc, cái nền tảng của vấn đề mà Sở Xây dựng Hà Nội cần báo cáo trung thực với Chính phủ.
Thứ hai, phải trung thực về sai phạm và sự trả giá của doanh nghiệp
Đây cũng là yếu tố quan trọng khiến Công ty May Lê Trực luôn luôn cho rằng mình bị oan và cũng đã hàng chục lần viết “Đơn kêu cứu khẩn cấp” đến các cấp Lãnh đạo cao nhất của Nhà nước và thành phố Hà Nội trong quá trình xử lý vụ việc.
Việc tồn tại 3 văn bản nêu trên đã chứng minh rằng, Tòa nhà 8B Lê Trực được sinh ra hợp pháp, được pháp luật thừa nhận và bảo hộ. Tuy nhiên, nếu soi xét kỹ quá trình thi công thì công trình đã mắc một sai phạm so với bản thiết kế của Sở Quy hoạch - Kiến trúc, đó là không xây giật cấp theo bản vẽ. Đúng ra, đến tầng 8, tòa nhà phải xây lùi vào và lên tầng 17 lại lùi thêm một lần nữa để tạo cảnh quan đô thị.
Khi nói về sai phạm này, Tổng Giám đốc Công ty May Lê Trực Lê Văn Hùng thẳng thắn thừa nhận: “Chúng tôi có mắc sai phạm, đó là không xây giật cấp theo yêu cầu của Sở Quy hoạch - Kiến trúc. Thực ra lúc đó, các văn bản pháp luật vẫn cho phép phạt và cho tồn tại nên chúng tôi có phần dựa dẫm vào. Phần khác, cũng lại thấy hàng chục công trình nhà cao tầng khác trong thành phố còn xây vượt cả chục tầng cũng không bị làm sao nên chúng tôi cũng có phần chủ quan…”
Xét về mặt pháp lý, sai phạm không giật tầng để bảo đảm cảnh quan đô thị là sai phạm hành chính, vào thời điểm đó, hoàn toàn có thể xử lý thỏa đáng trong khuôn khổ pháp luật hiện hành. Thế nhưng, vì những lý do thiếu minh bạch nào đó, sự việc đã bị đẩy đi quá xa cho đến bây giờ.
Vì sai phạm này mà suốt 5 năm nay, Công ty May Lê Trực đã phải trả một cái giá cực lớn. Theo các chuyên gia phân tích, một công trình xây dựng mỗi năm chậm đưa vào hoạt động sẽ thiệt hại khoảng 10% giá trị, chủ yếu do lãi vay ngân hàng, cùng với sự biến động xấu của thị trường và sự sụt giảm giá trị thương hiệu của doanh nghiệp.
Đấy là chưa kể việc đến nay, tòa nhà đã bị cắt đi tầng 20 và 19 một cách thiếu minh bạch về căn cứ pháp lý.
Thứ ba, trung thực về thiệt hại, về tinh thần và vật chất của cư dân
Đến nay, nhiều căn hộ tại Tòa nhà 8B Lê Trực đã được bàn giao, hợp đồng mua bán nhà đã được thanh lý, chủ sở hữu tài sản đã được định vị, nhiều gia đình đã mua sắm đầy đủ tiện nghi và đã vào ở. Tuy nhiên, nay không thể quay trở lại vì bị bảo vệ của phường đuổi ra, không cho vào.
Liệu có thể nhận xét gì về tình trạng này? Tòa nhà xây hợp pháp, hợp đồng mua bán hợp pháp, nguồn tiền mua nhà hợp pháp, quyền công dân nguyên vẹn…, vậy lý gì mà tài sản của họ lại bị chiếm giữ suốt 5 năm qua?
Hôm mới đây, chúng tôi có gặp Ban đại diện cư dân của Tòa nhà 8B Lê Trực thì được biết, họ sẽ tiếp tục gửi đơn khiếu nại lên các cấp có thẩm quyền và nếu cần thiết, họ sẽ gửi đơn ra Tòa kiện về hành vi chiếm giữ tài sản trái phép.
Ông Nguyễn Sỹ Duyên là cán bộ về hưu và được hưởng chế độ chính sách nạn nhân chất độc da cam dioxin, thương binh hạng 2/4, mất sức 55%, vừa được trao tặng huy hiệu 50 năm tuổi Đảng chua xót nói: “Tôi năm nay đã ngoài 70 tuổi rồi, mua cái nhà tại dự án 8B Lê Trực ấy là muốn vợ chồng, con cái cuối đời thì về đấy ở, các con nó ủng hộ. Rồi tôi bán cái nhà đang ở tại khu vực Mỹ Đình đi, tập trung vào mua cái nhà chung cư nhưng cũng không đủ. Tôi phải nhờ các con và vay thêm bạn bè, vay ngân hàng. Vậy mà khi chúng tôi nhận nhà và về ở được 1 tháng thì tự nhiên thấy bảo vệ của phường, quận đuổi chúng tôi ra, không cho ở nữa. Công an phường, công an khu vực đến mời chúng tôi ra khỏi nhà và bảo là lệnh cưỡng chế 2 tầng và phải ra khỏi nhà để cho an toàn…”
Bà Nguyễn Thị Hồng Xuân, Trưởng Ban đại diện cư dân Tòa nhà cho hay: “Riêng gia đình tôi trong suốt 5 năm qua đã tốn thêm mất khoảng 400 triệu đồng đi thuê nhà vì vụ việc này”.
Thiết nghĩ, tất cả những thông tin này, Sở Xây dựng Hà Nội cũng cần báo cáo trung thực với Chính phủ.
Thứ tư, trung thực về hoàn cảnh kỹ thuật tòa nhà
Theo nội dung văn bản số 5217/UBND-ĐT ngày 21/11/2019 của UBND TP. Hà Nội, UBND quận Ba Đình sẽ phải khẩn trương làm thủ tục để tổ chức tháo dỡ giai đoạn 2 theo thẩm quyền, quy định và chỉ đạo của Thành phố (hoàn thành trước ngày 15/12/2019).
Nhân đây, cũng xin lưu ý UBND quận Ba Đình khi “làm thủ tục để tổ chức tháo dỡ giai đoạn 2 theo thẩm quyền”, kể cả có ý định theo hướng thuê chuyên gia nước ngoài.
Một lý do quan trọng khiến quận Ba Đình không thể tiếp tục phá dỡ Tòa nhà liên quan đến lĩnh vực kỹ thuật. Theo các giáo sư, tiến sỹ, kỹ sư kết cấu và chuyên gia của Công ty TNHH Tư vấn Đại học Xây dựng, tại nóc tầng 18 tòa nhà còn dầm treo cao 1,8m và vượt nhịp 17m thiết kế treo 2 cột công trình mặt đường Trần Phú.
Do vậy, việc phá dỡ dầm, sàn, cột, vách từ tầng 18 tới cao độ +55,20m bằng cao độ sàn tầng 17 ảnh hướng đến hệ kết cấu treo do không còn điểm treo (vì đã phá dỡ mất dầm treo trên nóc tầng 18), mất nút giằng định vị đầu cột tổng thể của công trình.
Vì thế, để phá dỡ được từ tầng 18 đến hết tầng 17 phải gia cố 2 cột từ tầng 3 xuyên qua tầng hầm xuống móng chạm sỏi cuội. Nhưng trên thực tế, để gia cố được 2 cột này thì phải đưa máy móc thiết bị vào, bao gồm máy khoan bê tông, máy khoan cọc nhồi cỡ lớn... Nhưng công trình đã thi công hoàn thiện rồi nên không thể đưa máy móc vào để thi công. Do vậy, không thể gia cố được 2 cột dầm đảm bảo kỹ thuật an toàn.
Dưới đây là lời khuyên của một chuyên gia uy tín hàng đầu quốc gia trong lĩnh vực này, đó là PGS. TS. Trần Chủng (nguyên Cục trưởng Cục Giám định chất lượng nhà nước về chất lượng xây dựng - Bộ Xây dựng): Kinh nghiệm từ các nước trên thế giới cho thấy, hầu như không có việc cắt ngọn công trình. Thường chỉ có kéo sập, phá hủy toàn bộ tòa nhà bằng thuốc nổ, mìn công nghệ cao. Với công trình số 8B Lê Trực, nếu “cắt” hết phần sai phạm, công trình sẽ tan tành. Vì ngoài hạ độ cao 16m xây vượt, công trình phải cắt khoảng lùi ở các mặt của tòa nhà.
Việc phá dỡ tòa nhà số 8B Lê Trực chắc chắn ảnh hưởng đến mặt kết cấu. Vì thế cần nghiên cứu kỹ tác động của việc cắt ngọn tòa nhà có ảnh hưởng đến kết cấu còn lại không, việc phá dỡ thế nào để đảm bảo an toàn cho công trình và cả khu dân cư, từ an toàn vật liệu xây dựng, đến an toàn tiếng ồn, ô nhiễm…
Đây là vấn đề kỹ thuật xây dựng, là những con số bất biến mà các chuyên gia trong nước đã vạch ra. Nay không tin chuyên gia trong nước, quận đi thuê chuyên gia nước ngoài thì cũng chẳng sao, nhưng cần hết sức cẩn trọng, bởi lẽ mọi hậu quả để lại đều do người Việt Nam mình gánh chịu, trong đó có trách nhiệm nặng nề của người ra quyết định.
Theo quan điểm của chúng tôi, Hà Nội đang xử lý “phần ngọn” của vụ việc, có nghĩa là chỉ chú trọng việc tháo dỡ giai đoạn 2 chứ không phải xử lý “phần gốc”, đó là trước hết, phải hủy bỏ giá trị pháp lý của 3 văn bản quan trọng đã nêu ở trên. Và nếu làm như hiện nay, không bao giờ xử lý dứt điểm được, vì còn gốc thì cây vẫn tiếp tục nẩy chồi đâm rễ.