Lợi nhuận tăng 35% đạt 9.821 tỉ đồng
BCTC hợp nhất 6 tháng của VPBank cho thấy nhiều con số khởi sắc, từ lợi nhuận đến thu nhập lãi thuần. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều hoạt động cho thấy sự đi xuống, thậm chí báo lỗ.
Cụ thể, thu nhập lãi thuần của ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2018 tăng 27% so với cùng kỳ năm trước, đạt 12.186 tỉ đồng.
Thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng tốt, đạt 1.697 tỉ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do tăng chi phí hoạt động dịch vụ nên lãi thuần từ hoạt động này giảm 4,6%, từ 632 tỉ đồng cùng kỳ năm trước xuống còn 604 tỉ đồng.
Hoạt động kinh doanh ngoại hối ghi nhận lãi 33 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 42 tỉ đồng.
Lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư ghi nhận giảm mạnh tới 78% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 193 tỉ đồng. Riêng hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh ghi nhận lỗ 82 tỉ đồng.
Lãi thuần từ hoạt động khác ghi nhận tăng mạnh, đạt 1.574 tỉ đồng, tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước.
Với những kết quả trên, thu nhập lãi thuần trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đạt 9.821 tỉ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Trừ đi dự phòng rủi ro tín dụng, lợi nhuận ngân hàng còn 4.375 tỉ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận đến từ đâu?
Kết quả trên cho thấy, lợi nhuận của ngân hàng vẫn đến chủ yếu từ hoạt động chủ chốt của ngân hàng là thu nhập lãi thuần, trong khi các hoạt động khác thì tăng trưởng không đáng kể, thậm chí báo lỗ.
Tuy nhiên, cùng với việc lợi nhuận tăng cao, nợ xấu của ngân hàng cũng rất đáng chú ý. Cụ thể, nợ xấu trên tổng dư nợ tín dụng đã vượt ngưỡng 4%, tăng 0,07% so với cuối năm 2017, tương ứng với con số tuyệt đối tăng gần 2.000 tỉ đồng.
Nợ xấu tăng ở hầu hết các nhóm nợ, trong đó đáng chú ý là nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) và nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) đều tăng mạnh, tăng trên 50% so với cuối năm 2017.
Dự phòng rủi ro tín dụng trong 6 tháng được ngân hàng ghi nhận ở mức 2.794 tỉ đồng, tăng 21% so với cuối năm 2017. Tuy nhiên, mức dự phòng rủi ro này vẫn là rất thấp nếu chiểu theo quy định về trích lập dự phòng rủi ro cho các nhóm nợ.
Cụ thể, theo quy định, nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) phải được trích lập 5%; nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) trích lập 20%; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) cần trích lập 50%; nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) thì tỷ lệ trích lập dự phòng là 100%.
Nếu theo quy định này thì VPBank cần phải trích lập hơn 4.000 tỉ đồng cho tổng dư nợ tín dụng thay vì chỉ trích lập 2.794 tỉ đồng như ngân hàng đã thống kê trong báo cáo tài chính.
Như vậy, nếu trích lập dự phòng đầy đủ ngân hàng cần bỏ ra thêm 1.283 tỉ đồng trong lợi nhuận để trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu, nợ cần chú ý. Lợi nhuận của ngân hàng sẽ giảm từ 4.375 tỉ đồng xuống còn 3.092 tỉ đồng, như vậy lợi nhuận sẽ tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm trước thay vì tăng 34% như trong báo cáo.
Tại thời điểm cuối quý 2/2018, tổng tài sản có của Ngân hàng tăng nhẹ so với đầu năm, đạt 293.140 tỉ đồng. Huy động vốn từ tiền gửi của khách hàng đạt hơn 151.300 tỉ đồng, tăng 13%. Dư nợ cho vay khách hàng đạt 198.700 tỉ đồng, tăng 9%.
Theo báo cáo của ngân hàng mẹ thì FE credit tiếp tục tăng trưởng tốt, mang về hơn 2.854 tỉ đồng lợi nhuận, tăng 69% so với cùng kỳ năm 2017.
-
Mạo danh VPBank để “lấy cắp” thông tin thẻ
CafeLand - Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa gửi thông báo tới khách hàng cho biết, phát hiện thư điện tử có nội dung giả danh VPBank với mục đích “lấy cắp” thông tin khách hàng.